(vhds.baothanhhoa.vn) - Chỉ xác là thảo dược khá thông dụng trong Đông y; vị đắng, tính hàn, vào hai kinh tỳ, vị; tác dụng phá khí, tiêu tích, hóa đàm...

“Chỉ xác” có phải là “vỏ bưởi phơi khô” không?

Chỉ xác là thảo dược khá thông dụng trong Đông y; vị đắng, tính hàn, vào hai kinh tỳ, vị; tác dụng phá khí, tiêu tích, hóa đàm...

“Chỉ xác” có phải là “vỏ bưởi phơi khô” không?

- Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức-1931) giải nghĩa: “chỉ-xác • Tên một vị thuốc. Tức là vỏ bưởi non phơi khô <>Nhiều tiền thì hoàng-cầm, hoàng-kỳ, ít tiền thì trần-bì, chỉ-xác”.

- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ hiệu đính - Sài Gòn-1970): “chỉ xác • dt. (tb): Vỏ bưởi phơi khô, khí lạnh, vị đắng và chua, không độc nhưng đàn-bà có thai không được dùng”.

- Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên-1967): “chỉ xác • d. Tên một vị thuốc làm bằng vỏ bưởi non phơi khô”.

- Từ điển tiếng Việt (Chuyên từ điển New Era-2013): “chỉ xác: vỏ trái bưởi dùng làm thuốc trong Đông y”.

- Từ điển từ và ngữ Hán Việt (1989) và Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2006) của GS Nguyễn Lân đều giảng giống nhau: “chỉ xác (Hán. chỉ: cây bưởi; xác: vỏ) Vị thuốc làm bằng vỏ bưởi phơi khô”.

Các nhà biên soạn từ điển đều khẳng định rõ ràng như vậy. Tuy nhiên, đây chỉ là sự ngộ nhận, dẫn đến sai lầm theo kiểu “Dĩ hư truyền hư”.

Du hay du tử mới là bưởi, còn chỉ là cây quýt hôi, hay chanh gai. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng rõ ràng như sau: [chỉ] 1 Cây chỉ (cây chanh gai) dùng làm thuốc được, như chỉ thực thứ quả hái còn non, chỉ xác thứ quả hái đã già”.

Sách Danh từ thuật ngữ y học cổ truyền (NXB Y học-2015), phần dược chép về chỉ xác như sau: “Chỉ xác Tên khác: Chanh xác-Trấp-Chấp-Quả trấp già. Bộ phận dùng: Quả của các loại cây Trấp (Citrus hystrix D.C), họ Cam (Rutaceae), hái lúc đã khá to nhưng còn xanh, phơi sấy khô. Tên khoa học: Fructus Citri”.

Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi) mục chỉ thực viết như sau: “Chỉ thực Còn gọi chỉ xác, xuyên chỉ thực, xuyên chỉ xác. Tên khoa học Citrus sp. Thuộc họ Cam Rutaceae. Chỉ thực (Fructus Aurantii immaturi) và Chỉ xác (Fuctus Citri aurantii), đều là quả phơi khô của chừng hơn 10 cây chi Citrus và Poncirus và Poncirus thuộc họ Cam Rutaceae nhưng thu hái ở thời kỳ khác nhau. Chỉ thực là quả hái vào lúc còn non nhỏ, có khi bị gió mạnh tự rụng dưới gốc cây (theo chữ Trung Quốc, chỉ là tên cây, thực là quả). Chỉ xác là quả hái vào lúc gần chín, thường bổ đôi. Chỉ vẫn là tên cây, xác là vỏ và xơ, vì quả bổ đôi phơi khô ruột quả bị quắt lại”.

Điều thú vị là trong cuốn từ điển song ngữ Hán Việt cổ nhất hiện còn “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa”, cũng đã định nghĩa “chỉ thực” và “chỉ xác” rõ ràng không kém các sách từ điển chuyên ngành nam dược hiện đại: “Chỉ thực là quả chấp xanh bộc càn, Chỉ xác tháng bảy chín vàng”. (bộc càn = phơi khô (Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa - Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải).

Chúng tôi cẩn thận tra tìm mục Bưởi trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi, xem vỏ quả bưởi có còn được gọi, hay được dùng thay cho chỉ xác hay không. Kết quả, các bộ phận của bưởi được dùng làm thuốc như: lá, vỏ quả, vỏ hạt, dịch ép múi bưởi... không có bộ phận nào được gọi, hay liên quan gì đến chỉ xác.

Vậy tại sao lại có sự nhầm lẫn giữa quả khô của cây câu quất, quýt hôi, hay chanh gai... với “vỏ bưởi khô” như vậy? Theo chúng tôi, trong trường hợp “què vị” (thiếu vị), các thầy thuốc Đông y thường tìm cách “thay vị” có công dụng tương đương, hoặc gần tương đương. Có lẽ ông lang vườn nào đó, vì què vị “chỉ xác”, nên đã liều thay bằng “vỏ quả bưởi khô”. Tuy nhiên, dẫu có như vậy, thì với người biên soạn từ điển, chỉ xác vẫn là chỉ xác, chứ không thể biến thành vỏ quả bưởi khô. Mặt khác, tuy có cùng họ Cam, nhưng dược tính của chỉ xác và bưởi khác nhau. Bởi vậy, sách Đông y toàn tập (Nguyễn Trung Hòa - NXB Thuận Hóa - 2015) khi chép về chỉ xác đã phải lưu ý như sau: “Chỉ xác (Vỏ quả trấp) Citrus aurantium.L. Họ Cam quýt (Rutaceae). Bộ phận dùng: Quả trắp già. Dùng thứ quả gần chín, còn xanh vỏ, đã bổ đôi, cùi càng dày càng tốt, mùi thơm, ruột bé, trắng ngà, để lâu năm, cứng chắc không ẩm mốc là tốt. Không nhầm với quả Bưởi hay Cam hôi (hai thứ này thịt xốp cùi mỏng, không bào chế được)”.

Tên vị thuốc liên quan trực tiếp bệnh tật, sức khỏe con người. Các nhà biên soạn từ điển cần tra cứu cẩn thận, phát hiện ra nhầm lẫn, sai sót của người đi trước, kế thừa cái đúng, loại bỏ cái sai. Nếu không cụ thể, chính xác như từ điển chuyên ngành, thì ít ra giảng nghĩa khái quát như Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học Vietlex): “chỉ xác • vị thuốc đông y chế biến từ quả già sấy khô của một số cây họ cam quýt”.

Hoàng Tuấn Công (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]