(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Góp phần tạo nên thành tựu 72 năm truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2017) là những con người làm văn hóa qua nhiều thế hệ. Bởi một chữ “yêu” mà sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp văn hóa. Ta sẽ phần nào thấu hiểu để rồi thêm trân quý khi lắng lòng trước những câu chuyện, sẻ chia của người làm văn hóa cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện người làm văn hóa

(VH&ĐS) Góp phần tạo nên thành tựu 72 năm truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2017) là những con người làm văn hóa qua nhiều thế hệ. Bởi một chữ “yêu” mà sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp văn hóa. Ta sẽ phần nào thấu hiểu để rồi thêm trân quý khi lắng lòng trước những câu chuyện, sẻ chia của người làm văn hóa cơ sở.

Những người "cõng phim" lên bản

Sau 5 năm tốt nghiệp đại học, tôi tình cờ gặp lại bạn mình - anh Nguyễn Thế Chuyên. Anh giờ đây là cán bộ làm công tác chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào vùng cao ở Đội chiếu bóng số 6, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa. Ngoài nụ cười tươi giòn như thuở còn là sinh viên thì anh thay đổi khá nhiều: Nước da đen rám cùng gương mặt góc cạnh đầy cương nghị. Anh nói: "Là công việc đã thay đổi mình"!

5 năm! Công việc, cuộc sống của bạn gắn liền với đồng bào vùng cao khu vực Quan Hóa, Mường Lát. Khoảng thời gian đó, có lẽ đủ dài để bạn khẳng định: Đồng bào dân tộc thiểu số trên ấy, nhất là người Mông sống trên vùng núi cao, họ còn nghèo, còn thiếu thốn và khổ lắm.

Khi về Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa, anh Chuyên mang theo bao sự háo hức, mong đợi. Rồi vẫn nhiệt huyết đó, bạn theo đội của mình lên với đồng bào. Nhưng rồi những cung đường dốc ngược của địa hình miền núi hiểm trở đã khiến cho mọi nhiệt huyết trong lòng chàng trai 25 lúc đó bỗng bay biến đâu hết. “Chỉ còn lại sự chênh vênh, hụt hẫng” - anh nhớ lại. Và đã hơn một lần, anh đã nghĩ đến chuyện từ bỏ, quay về tìm kiếm công việc khác, bớt nhọc nhằn và đem lại nguồn thu nhập tốt hơn.

Tôi nghe câu chuyện anh kể có chút xót xa, cảm thông để rồi khâm phục. Nó bắt đầu từ những cung đường đưa phim lên bản mà theo cách bạn tôi gọi thì đó là “cõng phim”! Cả đội chiếu phim chỉ có ba người, máy móc lại cồng kềnh, phương tiện chuyên dụng không có. Bởi vậy, anh em trong đội phải phân công nhau chuyên chở máy móc. Cung đường lên Mường Lát thì đã trở thành nỗi ám ảnh với bao thế hệ. Đó là những “dốc lên khúc khuỷa dốc thăm thẳm”, đi mà chỉ sợ xe và người lộn nhào về phía sau.

Một lần "cõng phim" lên bản của cán bộ Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa.

Sau những gian nan để “cõng phim” lên được bản. Anh quen dần với những câu chuyện về những vất vả, thiếu thốn của đồng bào trên đây. Với những người dân sống ở trung tâm thị trấn thì cũng có nhiều khởi sắc, nhưng đồng bào ở các bản xa thì vẫn khổ lắm. Có những bản cách trung tâm xã đến cả ngày đi đường: Như bản Tà Cóm cách xã Trung Lý khoảng 50 km; rồi thì từ trung tâm xã Mường Lý muốn đến bản Sài Khao phải đi 27 km, trong đó hơn nửa là đường rừng rồi…Mà ở những bản đấy, người dân gần như 100% là người Mông sống trên núi đá cao. Đồng bào nghèo cả vật chất lẫn đời sống tinh thần, hàng năm Nhà nước vẫn phải trợ cấp gạo cứu đói. Như bản Sài Khao, cả bản chỉ chung nhau một chiếc vòi nước…Vì vậy, mỗi lần đội của anh vào bản chiếu phim phục vụ đồng bào thì đó cũng chính là ngày vui của người dân nơi đây. Và các anh tự hào khi đội chiếu phim của mình đã mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào ở những bản xa nhất, khó khăn nhất của huyện Quan Hóa; Mường Lát.

Do đặc thù của từng khu vực người dân sinh sống nên phim chiếu cũng khác nhau. Trong đó, ở những nơi có đông người Mông sinh sống thì phim chiếu phải lồng tiếng Mông để đồng bào nghe dễ hiểu. Bên cạnh những bộ phim tài liệu cách mạng, phim tuyên truyền an ninh biên giới thì những phim phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, làm kinh tế, chăm sóc sức khỏe... được người dân hào hứng, đón nhận nhiệt tình.

Được biết, mỗi năm, đội của anh tổ chức 185 buổi chiếu phim phục vụ đồng bào khu vực Quan Hóa, Mường Lát. Trung bình mỗi tháng từ 18 đến 22 buổi, tùy vào nhiệm vụ tuyên truyền. Trong dịp Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, phim được tổ chức chiếu liên tục ở nhiều làng, bản, xã khác nhau. Chỉ còn ít ngày nữa là Quốc khánh 2/9 và cũng là Tết Độc lập của người Mông. Dịp này, hoạt động chiếu phim được tổ chức ở thị trấn Mường Lát và hai xã: Tén Tằn; Nhi Sơn.

Anh say sưa kể về những câu chuyện của đồng bào như kể về chính cuộc sống của mình. Tôi chợt nghĩ, phải chăng, tất cả những điều đó khiến anh quên đi ý định “bỏ về” ngày nào của mình. Để rồi chấp nhận gắn bó với công việc dù tiền lương chỉ đủ trang trải cho những chuyến ngược xuôi giữa hai miền. Do đặc thù công việc, mỗi tháng anh về xuôi một tuần: để gặp mặt cơ quan, thăm người thân, vợ con… còn phần lớn khoảng thời gian còn lại thì cùng sống, cùng ăn, ở với đồng bào vùng cao. Và hình như, liên tục quay vòng những chuyến đi về đó không chỉ giúp cho đôi chân anh bớt mỏi khi leo núi, đi đường rừng, mà còn làm anh thay đổi cả quan điểm sống: niềm vui, hạnh phúc đôi khi chẳng phải vì có nhiều tiền!

Và đồng lương ít ỏi

Xoay quanh những đề tài, bài viết về mảng văn hóa, tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những người làm văn hóa. Mỗi người một cá tính, một suy nghĩ. Nhưng phần nhiều trong số họ mang đến cho tôi suy nghĩ: làm văn hóa, nhất là cán bộ văn hóa cơ sở là sẽ phải chấp nhận hi sinh, thiệt thòi, thậm chí là cả thiếu thốn về vật chất. Nhưng bù lại, đó có thể là những niềm vui, sự an ủi mà chỉ những ai thực sự yêu nghề sẽ cảm nhận được.

Anh Vi Thanh Xuyến, công tác tại Trung tâm VHTT huyện Quan Sơn gây ấn tượng với tôi từ lần đầu tiếp xúc. Kể từ ngày ra trường, anh đã gắn bó với trung tâm 12 năm. Dù chỉ là cán bộ hợp đồng, nhưng những công việc anh làm, những cống hiến, tài năng của anh được nhiều người thừa nhận.

Với năng khiếu bẩm sinh, lại được đào tạo bài bản ở môi trường chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì ở lại thành phố tìm kiếm công việc nhẹ nhàng, thu nhập tốt thì Vi Thanh Xuyến lại chọn cách quay trở về quê hương núi rừng bạt ngàn, với đồng bào, với người thân. Sinh ra ở Na Mèo (Quan Sơn) cùng sống, cùng gắn bó với người dân nên anh hiểu: dù cuộc sống còn rất khó khăn nhưng ở đó, người dân yêu quý, trân trọng những giá trị văn hóa, đời sống tinh thần. Dù biết rằng, quay về là chấp nhận một công việc với đồng lương còm cõi, nhưng dường như không làm “máu nghệ sĩ” trong người chàng trai dân tộc Thái bớt nóng. Ở bất cứ chương trình văn hóa, nghệ thuật của địa phương, người ta đều nhận ra vai trò của chàng trai ấy: từ hát, múa đến đàn, sáo, dàn dựng, đạo diễn… và không ít các tiết mục văn hóa, văn nghệ do anh dàn dựng đã được đại diện cho huyện, tỉnh tham dự các liên hoan, hội thi lớn. Đương nhiên, sau mỗi cuộc thi, căn phòng nhỏ nơi anh làm việc lại có thêm những tấm huy chương, bằng khen ghi nhận của các cấp, hội.

Không chỉ tài năng trong các chương trình nghệ thuật của huyện, với đồng bào ở cơ sở thì Vi Thanh Xuyến cũng trở thành gương mặt như đã quen. Có lẽ, bởi anh đến với đồng bào bằng cái tâm, cái tình của người làm văn hóa, yêu văn hóa nên rất được người dân quý mến.

Chia sẻ về câu chuyện đưa văn hóa về cơ sở ở huyện vùng cao, anh Vi Thanh Xuyến cho biết: Đồng bào ở đây chủ yếu là dân tộc thiểu số, trong đó có người Mông. Họ sống ở khu vực núi cao, cách xa trung tâm, đời sống còn nhiều thiếu thốn nên rất cần được quan tâm, chia sẻ. Tuy vậy, có những bản như Ché Lầu cách xa trung tâm huyện đến gần 70 km, để đến được bản thì mất đến hơn ngày đi đường. Vào được bản đã khó, việc giao tiếp với đồng bào cũng chẳng dễ dàng vì phần đông đồng bào chỉ biết tiếng Mông nên phải nhờ người phiên dịch. Cùng với đó là khả năng tiếp thu của đồng bào ở đây cũng còn hạn chế, một vấn đề có thể phải nói lại nhiều lần, nhiều cách. Song, đồng bào, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, xa họ rất thích các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các chương trình nghệ thuật. Và đó là sự động viên tinh thần quan trọng, là niềm vui để anh thêm quyết tâm theo đuổi công việc mà mình đã lựa chọn.

Một buổi chiếu bóng phục vụ người dân của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa.

Nói về những người làm công tác văn hóa, đặc biệt là văn hóa cơ sở còn có rất nhiều người. Họ là những nghệ nhân dân gian, những cán bộ phong trào, anh tuyên truyền viên… Mỗi người đều góp phần nhỏ bé của mình để tạo nên những phong trào văn hóa sôi động, thành tựu văn hóa ghi dấu. Hay đơn giản là bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.

Kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa, có thể không quà, không hoa tươi nhưng sẽ là sự động viên tinh thần quý giá nếu mỗi người chúng ta lắng nghe, thấu hiểu phần nào để rồi trân trọng hơn những cống hiến, hi sinh thầm lặng của người làm văn hóa. Có thể, chỉ vậy thôi!

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]