(vhds.baothanhhoa.vn) - Đưa sách về với thôn, bản để phát triển văn hóa đọc, nâng cao trình độ dân trí của người dân là nhiệm vụ thường xuyên của những người làm công tác thư viện. Từ những chuyến luân chuyển sách về cơ sở, niềm vui đã có mà nỗi buồn vẫn mang...

Ghi nhận từ những chuyến luân chuyển sách về cơ sở

Đưa sách về với thôn, bản để phát triển văn hóa đọc, nâng cao trình độ dân trí của người dân là nhiệm vụ thường xuyên của những người làm công tác thư viện. Từ những chuyến luân chuyển sách về cơ sở, niềm vui đã có mà nỗi buồn vẫn mang...

Ghi nhận từ những chuyến luân chuyển sách về cơ sở

Chị Bùi Thị Huệ, cán bộ Thư viện Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Nông Cống đang chuẩn bị luân chuyển sách về cơ sở.

"Nếu có thời gian, cứ tích cực đọc sách"

“Đến hẹn lại lên”, chiều thứ bảy, ông Thích, bà Thôn, ông Thế... ở thôn Minh Sơn, xã Minh Nghĩa (Nông Cống) lại đến nhà văn hóa thôn để đọc sách. Tại đây, có một tủ sách với phong phú thể loại: sách pháp luật, khoa học kỹ thuật, văn học, lịch sử... Ông Thích năm nay đã 86 tuổi nhưng bất ngờ là đọc sách ông không cần đến kính. Ông thích đọc sách từ khi còn làm ở hợp tác xã nông nghiệp, về hưu lại làm “bạn” với tủ sách ở nhà văn hóa thôn. Như ông chia sẻ: “Tuổi già có cái vui của tuổi già, chiều đến đi tập dưỡng sinh, lúc nghỉ ngơi lại ngồi đọc sách báo. Trước tôi đọc cả truyện, giờ thì đọc thơ, đọc sách sức khỏe”.

Cũng như nhiều người cao tuổi ở thôn An Toàn, xã Quảng Đức (Quảng Xương), bà Do, bà Lừng thường đọc sách ở nhà văn hóa thôn sau giờ nghỉ giải lao tập dưỡng sinh. Hai bà chủ yếu đọc sách chăn nuôi, trồng trọt, sức khỏe, thỉnh thoảng lại mang cuốn thơ của Hồ Xuân Hương ra đọc rồi tự ngâm, tự diễn. Niềm vui tuổi già, đôi khi cũng chỉ cần những điều đơn giản như vậy. Trong suy nghĩ của bà Lừng, thì: “Lứa tuổi chúng tôi nhận biết còn hạn chế, đọc sách báo cũng rất ý nghĩa, có nhiều điều bổ ích. Vì vậy, nếu có thời gian thì cứ tích cực đọc sách”.

Từ năm 2014, tủ sách ở nhiều thôn trên địa bàn tỉnh phong phú hơn nhờ nguồn sách từ chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân ở vùng quê có cơ hội phát triển văn hóa đọc, nâng cao trình độ dân trí... Theo như chia sẻ của ông Trịnh Duy Hùng, phó thôn Minh Sơn, xã Minh Nghĩa (Nông Cống), trước năm 2014, nhà văn hóa thôn đã có tủ sách. Tuy nhiên, lượng sách không nhiều và nguồn sách có được đều do người dân trong thôn góp lại. Cách đây 5 năm, tủ sách được Thư viện huyện Nông Cống (thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch Nông Cống) bổ sung 200 bản sách. “Nguồn sách khá phong phú, bà con đến với nhà văn hóa để đọc cũng tương đối đông, nhất là vào mùa hè, có ngày lên tới 40 người, trong đó có đủ thành phần nhưng chủ yếu vẫn là người cao tuổi”. Phó thôn Trịnh Duy Hùng cho biết.

Dù vậy, nhiều nơi, sự quan tâm tới văn hóa đọc vẫn còn hạn chế. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, hoặc do nguồn sách ít, hoặc do sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến văn hóa đọc ngày càng rời xa, như chia sẻ của anh Phạm Văn Chung, công chức văn hóa xã Quảng Đức (Quảng Xương): “Hiện Quảng Đức mới có thôn An Toàn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu và là 1 trong 6 thôn được thư viện huyện luân chuyển sách. Nhưng việc đọc sách vẫn chưa tạo thành phong trào, phần lớn chỉ có người cao tuổi”.

Nỗi niềm còn đó...

Những chuyến luân chuyển sách về cơ sở, phần lớn cán bộ thư viện huyện thường đi bằng xe máy và luân chuẩn theo quý, 1 năm 4 lần. Sách cũ của thôn này lại là sách mới của thôn kia. Cán bộ Thư viện huyện Nông Cống, bà Bùi Thị Huệ cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, thư viện đã luân chuyển 3.600 bản sách cho 12 xã, trong đó tất cả các thôn của những xã này đều có sách, nhìn chung bà con rất hào hứng. Đó cũng là nguồn động viên lớn cho người làm công tác thư viện”. Còn theo chia sẻ của bà Lê Thị Thanh Tâm, cán bộ Thư viện huyện Quảng Xương: “Thực tế, vốn sách ở trên huyện không nhiều, trước đây chủ yếu là nguồn sách từ chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, để phát triển văn hóa đọc ở cơ sở, hàng năm chúng tôi chỉ chọn từ 3 - 5 thôn tiêu biểu, đang xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu để luân chuyển sách trước, mỗi tủ sách từ 200 - 300 bản sách. Tôi là người trực tiếp luân chuyển sách về cơ sở, nhận thấy, phần lớn bà con vẫn thích đọc sách nhưng đa số là người cao tuổi và phụ nữ, còn thanh niên rất ít đọc. Cũng do thời buổi công nghệ, hơn nữa nguồn sách hạn hẹp nên để thu hút được đầy đủ các đối tượng, thành phần là khó”.

Ghi nhận từ những chuyến luân chuyển sách về cơ sở

Người cao tuổi ở thôn Minh Sơn, xã Minh Nghĩa (Nông Cống) đọc sách tại Nhà văn hóa thôn.

Năm 2020, kết thúc chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện, đồng nghĩa, các huyện không còn hưởng thụ nguồn sách từ chương trình. Như vậy, thư viện huyện chủ yếu sẽ phải dựa vào nguồn kinh phí tỉnh cấp với số tiền 50 triệu đồng/huyện/năm để thực hiện công tác thư viện. Nhưng, không phải thư viện huyện nào cũng được sử dụng toàn bộ số tiền trên mà còn phải phụ thuộc vào sự phân bổ của đơn vị chủ quản là Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện đó. Do vậy, có thư viện chỉ được phân bổ 15 - 20 triệu đồng, thậm chí có năm lại không được đồng nào. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự nghèo nàn nguồn sách ở một số thư viện cấp huyện hiện nay. Bà Phạm Thị Luân, Phó Trưởng phòng Xây dựng phong trào Thư viện tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho rằng: “Bên cạnh sự quan tâm của cấp tỉnh, huyện thì hệ thống thư viện cơ sở hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, là trang thiết bị, con người, vốn tài liệu... Trong khi đó, một số thư viện huyện còn không được sử dụng tiền được cấp để bổ sung sách, nếu có thì rất ít, như vậy làm sao phát triển văn hóa đọc. Nhiều thư viện huyện không có sách luân chuyển về cơ sở, khi ở xã, thôn có sự kiện mà cần đến sách lại gọi điện cho Thư viện tỉnh để xin hỗ trợ. Chúng tôi lại lấy nguồn sách từ xã hội hóa cấp cho thư viện huyện”.

Luân chuyển sách về cơ sở, có niềm vui nhưng vẫn còn đó những nỗi buồn, là vì thế...

Bài và ảnh: Anh Hoàng


Bài và ảnh: Anh Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]