(vhds.baothanhhoa.vn) - Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa hiện nay có hơn 3.700 hộ, hơn 20.000 nhân khẩu (chiếm 1,5% dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh), sinh sống tập trung chủ yếu ở 44 bản/10 xã thuộc các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn.

Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông

Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa hiện nay có hơn 3.700 hộ, hơn 20.000 nhân khẩu (chiếm 1,5% dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh), sinh sống tập trung chủ yếu ở 44 bản/10 xã thuộc các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn.

Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc MôngPhụ nữ dân tộc Mông bản Nà Ón, xã Trung Lý (Mường Lát) giữ gìn nghề thêu truyền thống.

Cụ thể, ở huyện Quan Sơn, đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở 3 bản: Xía Nọi, Mùa Xuân (xã Sơn Thủy), Ché Lầu (xã Na Mèo), chủ yếu đồng bào di cư từ Mường Lát sang. Đồng bào Mông ở Quan Hóa sinh sống ở 2 bản Suối Tôn (xã Phú Sơn), Buốc Hiềng (xã Trung Thanh). Đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lát sinh sống ở 39 bản thuộc các xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý, Tam Chung, thị trấn Mường Lát... Xuất phát từ phong tục, tập quán đặc thù, vì vậy trong văn hóa của đồng bào Mông mang nét đặc trưng riêng.

Có dịp ngược ngàn lên huyện vùng cao Mường Lát, dừng chân ở bản Nà Ón - một bản tái định cư của xã Trung Lý. Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp đó là các bà, các mẹ, chị em phụ nữ dân tộc Mông Nà Ón ngồi trò chuyện rôm rả bên nhau, cùng nhau thêu nên những chiếc khăn, chiếc váy rực rỡ. Trang phục mà họ mặc cũng là bộ váy áo truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Đây cũng là điều ý nghĩa mà không phải đồng bào dân tộc thiểu số nào cũng sử dụng trang phục truyền thống trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Chị Thào Thị Chư đang miệt mài thêu những đường nét, hoa văn trên tấm vải. Chị Chư cho biết, bà con bản Nà Ón di cư từ các tỉnh phía Bắc về Mường Lát từ những năm 1995. Ở bản hầu hết chị em phụ nữ đều biết thêu thùa, may vá để làm nên những bộ trang phục rực rỡ sắc màu. Trước đây trang phục của đồng bào Mông được làm từ sợi lanh, ngày nay được thêu bằng sợi chỉ màu. Những tấm vải thêu xong được bà con sử dụng làm trang phục để sử dụng hoặc đem bán.

Thầy giáo Ly Ly Pó, người dân tộc Mông đang sinh sống ở bản Na Tao, xã Pù Nhi (Mường Lát) là một trong những người am hiểu về nét văn hóa của đồng bào Mông. Việc gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trước tiên được nhắc đến trang phục truyền thống. Cùng với đó, các phong tục, tập quán, nghi lễ, trò chơi, ẩm thực... cũng được bà con dân tộc Mông gìn giữ. Vào những ngày tết, bánh giầy vừa để cúng tổ tiên vừa là món ăn được các gia đình người Mông mời khách quý đến chơi. Bánh giầy còn được làm vào dịp cưới hỏi, Tết Trung thu. Trong đời sống đồng bào Mông, bánh giầy tượng trưng cho đất trời và sự an lành, no ấm của cuộc sống với mùa màng bội thu và bánh giầy cũng tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài.

Thầy Pó không chỉ am hiểu về văn hóa dân tộc mình mà anh còn là người nỗ lực gìn giữ, trong đó phải nhắc đến “tài nghệ” thổi sáo Mông. Ngoài những giờ lên lớp, thầy Pó truyền đạt cho các em học sinh của mình về kỹ thuật thổi sáo, ý nghĩa của các làn điệu âm nhạc của dân tộc Mông qua tiếng sáo. Thầy Pó không chỉ biểu diễn thổi sáo ở các hoạt động của trường, lớp, của bản mà anh còn tham gia các hội diễn, hội thi, ngày hội văn hóa... Trong đó, anh ấn tượng nhất khi được tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông năm 2021 diễn ra tại tỉnh Lai Châu. Anh cùng đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng của tỉnh Thanh Hóa tham dự ngày hội với nhiều hoạt động như trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông như “Lễ hội cúng cơm mới” của người Mông huyện Mường Lát; trình diễn chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc như khèn, sáo, gậy sênh tiền; trưng bày văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc Mông; giới thiệu các thao tác, nguyên liệu, quy trình sản xuất các nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của địa phương; tham gia thi giã bánh giầy...

Ngoài thầy Pó thổi sáo hay, tôi còn biết đến những người làm khèn và thổi khèn Mông như anh Hơ Pó Dinh, bản Na Tao; Hơ Pó Ma, bản Cơm, xã Pù Nhi (Mường Lát); thầy giáo Sung Tông Pó, bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn)... Họ thổi sáo, thổi khèn không chỉ vì niềm đam mê mà còn là cách gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Để rồi, trong những ngày xuân hay vào dịp lễ, tết, trên những bãi đất trống hoặc sân nhà văn hóa, đàn ông Mông vừa thổi khèn, vừa múa khèn với những động tác vừa khỏe khoắn, vừa dẻo dai. Các cô gái xúng xính trong những bộ váy hoa sặc sỡ cùng nhau múa hát, đôi má ửng hồng. Qua tiếng khèn Mông, họ kể cho nhau nghe về cuộc sống thường ngày, ca ngợi quê hương, đất nước; tiếng khèn còn là lời tự tình của đôi trai gái. Vào những ngày xuân, tiếng khèn Mông cất lên nơi đại ngàn như lời mời gọi thân tình.

Việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông không chỉ là nỗ lực của mỗi cá nhân, đồng bào mà còn có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tại huyện Mường Lát, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn. Hội LHPN huyện Mường Lát đã thành lập các câu lạc bộ “Phụ nữ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông” ở các địa phương. Huyện còn phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa tổ chức kiểm kê di tích và di sản văn hóa phi vật thể; lập quy hoạch khoanh vùng, cắm mốc và huy động các nguồn lực để thực hiện bảo tồn các di sản văn hóa. Qua kiểm kê trên địa bàn 8/8 xã, thị trấn trên toàn huyện có 8 di sản văn hóa vật thể, trong đó có 1 khu tưởng niệm (khu tưởng niệm Đoàn quân Tây Tiến thị trấn Mường Lát), 1 địa điểm dựng bia tưởng niệm Đoàn quân Tây Tiến xã Mường Lý; nhiều di sản văn hóa phi vật thể, trong đó tiêu biểu có lễ đón mẹ lúa (lễ cầu mùa); lễ hội tết, lễ cưới (dân tộc Mông); khèn, nghề thêu...

Hiện nay, hầu hết ở các bản, khu phố trên địa bàn huyện Mường Lát có đội văn nghệ tham gia các hoạt động do bản, khu phố, xã, thị trấn tổ chức. Huyện cũng tổ chức các hội thi nhằm duy trì một số lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian, các loại đạo cụ dân tộc, ẩm thực. Phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức được các lớp dạy chữ Thái, chữ Mông. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về hệ thống di sản văn hóa của huyện Mường Lát đến toàn thể học sinh, thông qua chương trình học tập chính khóa và ngoại khóa trong các trường học.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, huyện Mường Lát đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% UBND các xã, thị trấn được bảo tồn, phục dựng lễ hội, nghi lễ đặc sắc và trò chơi dân gian; 100% UBND các xã, thị trấn sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại nhạc cụ, dụng cụ lao động sản xuất và các ngành nghề thủ công truyền thống; 100% các bản, khu có 1 đội văn nghệ mang bản sắc dân tộc mình; 100% UBND các xã, thị trấn tổ chức sưu tầm, dàn dựng, phát triển vốn dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số trên địa bàn... Huyện Mường Lát đề ra giải pháp trọng tâm là tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống gắn với hoạt động văn hóa dân tộc trong công tác, xây dựng đời sống văn hóa. Tập trung tối đa mọi nguồn lực, để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa...

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]