(vhds.baothanhhoa.vn) - Mùa xuân mới đã về trong cảm giác êm dịu dễ thương. Lúc này, tôi lại nhớ đến nhạc sĩ Văn Cao. Người nhạc sĩ tài hoa đã hiến trọn đời mình cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Có một điều đặc biệt, đất nước ta vừa kỷ niệm 100 ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023). Sự kiện ấy, lại càng thắp sáng tên tuổi ông trong không gian mùa xuân tươi sắc, khi được nghe những ca khúc của ông âm hưởng vọng về.

Mùa xuân đến, nhớ nhạc sĩ Văn Cao

Mùa xuân mới đã về trong cảm giác êm dịu dễ thương. Lúc này, tôi lại nhớ đến nhạc sĩ Văn Cao. Người nhạc sĩ tài hoa đã hiến trọn đời mình cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Có một điều đặc biệt, đất nước ta vừa kỷ niệm 100 ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023). Sự kiện ấy, lại càng thắp sáng tên tuổi ông trong không gian mùa xuân tươi sắc, khi được nghe những ca khúc của ông âm hưởng vọng về.

Mùa xuân đến, nhớ nhạc sĩ Văn Cao

1. Nhạc sĩ Văn Cao là người tài hoa trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Quê gốc ông Nam Định, sống ở Hải Phòng, sau chuyển về Hà Nội sinh sống và tham gia kháng chiến, là nhạc sĩ trong buổi đầu cách mạng. Ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, được Bác Hồ chọn là Quốc ca của Việt Nam. Ông còn có hàng loạt tác phẩm âm nhạc khác như Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ, Đàn chim Việt, Sông Lô, Mùa xuân đời tôi. Đặc biệt là nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên, ông viết năm 1976.

Mùa xuân đầu tiên viết ở giọng thứ, nhịp 3/4, một điệu valse quen thuộc đã từng làm nên tên tuổi Văn Cao. Xét về cách thức giai điệu theo nguyên tác, từ bậc III sang bậc VII hòa thanh (pha, đô thăng) tuy có dấu “hóa” bất thường, nhưng hai âm này tạo thành quãng 2 cung tương đương với quãng 3 trưởng, đem đến âm bậc VII hòa thanh (đô thăng) hút về chủ âm khá hay. Vì thế tạo nên không khí mùa xuân linh thiêng, trang nghiêm giàu cảm xúc. Cách sử dụng nhịp valse cho các tác phẩm như: Cung đàn xưa, Thu cô liêu, Làng tôi, Ngày mùa đã đem lại sắc thái riêng trong phong cách viết nhạc của Văn Cao. Dường như các sáng tác âm nhạc của ông, mang âm hưởng trữ tình khắc dấu thời gian in vào lịch sử. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh hay hòa bình, âm nhạc của Văn Cao vẫn vang lên khát vọng, đi qua mọi thời đại vẫn không cũ phai phôi. Ca khúc Tiến quân ca đã trở thành biểu tượng kiêu hãnh khi đến với bạn bè trên thế giới. Đặc biệt, mỗi khi tết đến xuân về cùng với một số ca khúc khác của Văn Cao, thực sự, náo nức, bâng khuâng, tự hào sống mãi trong tâm hồn người Việt. Ông thật xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh được Nhà nước trao tặng đợt đầu tiên trong giới văn nghệ sĩ.

2. Trong lĩnh vực thi ca, Văn Cao viết không nhiều, chỉ duy nhất xuất bản tập thơ Lá gồm 28 bài. Và sau ngày ông mất, tuyển tập thơ ông có 59 bài. Nhưng những thi phẩm của ông để lại, là một di sản nghệ thuật, khẳng định phẩm chất tài năng của một nghệ sĩ. Mỗi lần ông chạm bút là những lần con chữ ánh lên những dòng thơ trong vắt, với ngôn ngữ thơ được tinh luyện. Đi qua những biến thiên thời cuộc, Văn Cao đã chọn cho mình những trải nghiệm, để tìm thấy những điều giản dị trong triết lý nhân sinh: Dĩ vãng giữ trong tôi như một mùi cỏ... Thời gian qua kẽ tay/ làm khô những chiếc lá/ Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ còn xanh/ và đôi mắt em như hai giếng nước (Thời gian). Hơn nữa, thơ Văn Cao thường mời gọi và kích hoạt những giá trị triết học trong sự vận động của lịch sử. Mặc dù hấp thụ tư tưởng nghệ thuật phương Tây và không gian văn hóa thời đại, song, việc kết dính văn hóa phương Đông đã giúp cho Văn Cao luôn tìm thấy sự rạng rỡ của mùa xuân phương Đông, cùng với tình người tha thiết trỗi dậy, trong cảm hứng sáng tạo. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Nước mắt trên vai anh/ giọt sưởi ấm đôi vai anh/ Niềm vui phút giây như đang long lanh... Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu/ với khói bay trên sông/ gà đang gáy trưa bên sông/ một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông (Mùa xuân đầu tiên - Văn Cao). Nhiều người nghe thơ Văn Cao phổ nhạc, đều xúc động bồi hồi. Trong số những bài thơ Văn Cao viết vào thập kỷ 70 có cảm thức mùa xuân từ hình ảnh đôi mắt. Ông cho rằng mắt là biểu tượng lớn về tình yêu thanh khiết, thủy chung mà Văn Cao có được. Hình ảnh đôi mắt em như hai giếng nước trong thơ Văn Cao, có lúc đưa ông vượt qua những nghịch lý để tìm về bản thể. Có lúc/ một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ. Có lúc, không mấy khó khăn để tìm thấy trong thơ ông những “giai đoạn mềm mại đắm đuối, giai đoạn lạc quan hào sảng và giai đoạn can trường sắc sảo”. Và đằng sau những điều ấy, ta khám phá được thế giới nội tâm của Văn Cao, bắt đầu rõ nhất từ cảm thức mùa xuân tuyệt đẹp. Nếu như trong âm nhạc với giai điệu lạc quan hào sảng như Tiến quân ca, Làng tôi, Chiến sĩ Việt Nam, Ngày mùa, Sông Lô, Tiến về Hà Nội thì trong thơ ông ngoài những bài thơ Khuôn mặt em, Ngoại ô mùa đông, Cánh cửa, Huế xưa, Đêm ngàn, Mùa xuân không nở, Một đêm Hà Nội, Không có hai mùa xuân... còn có trường ca Những người trên cửa biển. Với trường ca này, nhạc sĩ kiêm thi sĩ Văn Cao đã cắm dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển trường ca Việt Nam hiện đại. Trường ca ông viết phát huy thế mạnh của tư duy nghệ thuật và khả năng phối kết các chiều giác quan được thể hiện sinh động. Tất cả tạo thành nét đẹp như một bản giao hưởng thi ca da diết nồng nàn. Và sau nữa, ông có những câu thơ vạch mặt mối nguy hiểm của những loài sâu. Trong cách sử dụng tu từ ẩn dụ, thơ Văn Cao với ý thức công dân đầy trách nhiệm ông viết: Đất nước ta lên da lên thịt/ Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày/ Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải/ đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống, và ông đã thẳng tay vạch mặt những hiểm nguy có thể gặp phải: Hãy dừng lại/ những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc/ những tên muốn ôm cây to che cớm mầm non (Văn Cao).

Ngoài lĩnh vực âm nhạc và thơ, Văn Cao còn lấy thi - họa làm điểm tựa cho những bức tranh ông vẽ giàu tính sáng tạo nghệ thuật. Tranh của ông được các nhà nghiên cứu đánh giá, có phong cách rất mới và tươi trẻ. Đặc biệt vẽ minh họa và đồ họa rất chuyên nghiệp. Cuộc triển lãm tranh mang tên ông tại Hà Nội vừa qua với hàng trăm bức họa nổi tiếng càng tạo hiệu ứng cho người xem thấm hơn độ tài năng của ông trong lĩnh vực hội họa. Có thể nói, cuộc đời, sự nghiệp văn học nghệ thuật của Văn Cao được hòa trộn với dòng chảy văn hóa lịch sử đất nước. Ở chiều riêng, tác phẩm của ông luôn gắn liền với những sự kiện biến động trong đời sống xã hội, được nhiều người xem ông là mẫu hình thiên tài trong lịch sử văn nghệ Việt Nam. Văn Cao sáng tác không nhiều, nhưng những tác phẩm của ông đều được độc giả đón nhận rất nhiệt tình say mê, bởi tính lãng mạn và giá trị nghệ thuật sâu sắc. Thơ Văn Cao tiến những bước dài trong sự chiêm nghiệm về thân phận con người, về những nghịch lý thời đại và trong nghệ thuật biểu hiện tư tưởng đổi mới cách tân. Ông đã chọn nghệ thuật ẩn dụ tượng trưng như một phương thức biểu đạt chính, tạo ra những bài thơ trùng điệp, lấp lánh những tầng nghĩa, gợi liên tưởng dạt dào suy ngẫm. Từ những năm 70 trở về 60 thế kỷ trước, thơ Văn Cao thường ngắn gọn, cô đọng. Hình ảnh trong thơ ông biến nghĩa, cấu trúc câu linh hoạt, chứa tải khơi gợi, âm hưởng dư ba. Riêng thơ ông ở quãng sau nghiêng nhiều về nghĩa bóng, nổi lên tính hàm ngôn độc đáo. Nhiều khi những bài thơ đặt ra những thách thức bí ẩn khiến người đọc phải giải mã những ý tưởng từ phía sau câu từ, mới tìm ra được vẻ đẹp sang trọng thơ ông.

Nhớ về ông, ta nhớ “bóng chữ” thi ca mà ông có được, cùng với những giai điệu âm nhạc sống động lòng người. Và mỗi khi mùa xuân đến thắp sáng bao ước vọng, ta sẽ không quên nghe những nhạc phẩm của ông trình hiện trong suốt, với những ca từ sống mãi với thời gian. Chắc chắn hình ảnh Văn Cao và những tác phẩm thơ nhạc của ông sẽ gõ cửa thức dậy mọi người, đem đến một mùa xuân mới tràn đầy niềm vui bất tận, cho lòng người yêu mãi cuộc sống hôm nay.

Trịnh Vĩnh Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]