(vhds.baothanhhoa.vn) - Độc giả Lương Hoài Nam hỏi: “Tôi thấy nhiều người viết là “Rút dây động rừng”, nhưng có người lại viết “Rút dây động dừng”; có người viết là “Tai vách mạch rừng”, nhưng cũng có người lại viết “Tai vách mạch dừng”. Vậy xin chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết, trường hợp hai câu tục ngữ nói trên thì đâu là cách viết đúng, hay tất cả đều đúng?

Từ “Rút dây động rừng” đến “Tai vách mạch dừng”

Độc giả Lương Hoài Nam hỏi: “Tôi thấy nhiều người viết là “Rút dây động rừng”, nhưng có người lại viết “Rút dây động dừng”; có người viết là “Tai vách mạch rừng”, nhưng cũng có người lại viết “Tai vách mạch dừng”. Vậy xin chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết, trường hợp hai câu tục ngữ nói trên thì đâu là cách viết đúng, hay tất cả đều đúng?

Từ “Rút dây động rừng” đến “Tai vách mạch dừng”

Trả lời:

Trong bài “Động rừng” hay “động dừng?” (Cà kê chuyện chữ nghĩa - Báo Thanh Hóa - 12/2022) chúng tôi đã chứng minh và khẳng định “Rút dây động rừng” mới là bản đúng, còn “Rút dây động dừng” là bản sai. Sau đây, xin trích lại một đoạn:

“Xét nghĩa đen, rừng là nơi quy tụ nhiều loại cây, chia thành nhiều tầng, nhiều tán: thảm cỏ, cây bụi, dây leo, cây thân gỗ... Ngoài thực vật còn có muôn loài động vật, muông thú lớn nhỏ. Thợ sơn tràng, hay tiều phu thường rút các sợi dây leo còn tươi nguyên trong rừng để buộc, néo các loại củi, gỗ, nứa, lâm thổ sản thành bó. Trong khi dây leo ở rừng có thể dài đến cả hàng chục mét, luồn lách, vấn vít, đeo bám từ cây nọ sang cây kia. Thế nên, Rút dây động rừng, có nghĩa chỉ cần rút, dứt (lấy) một cái dây leo cũng có thể làm động cả một cánh rừng! “Động” theo nghĩa đen ở đây là làm rung đến cây khác, động chạm đến thực thể khác. Dứt dây -> cây động -> lũ chim giật mình đập cánh -> bầy nai hoảng sợ -> hổ báo cũng chồm dậy -> tất cả náo động... Thế là loạn cả lên. Cứ như là động rừng vậy!

Dứt hay rút một sợi dây mà làm động đến cả cánh rừng! Đó là mối quan hệ mang tính biện chứng sâu sắc. Còn Dứt dây động dừng (Dứt một sợi dây ở bức vách làm cho dừng/vách rung lên), thì điều đó là dĩ nhiên! Bởi vậy, “dừng” không thể trở thành nghĩa đen trong câu tục ngữ. Thế nên tục ngữ Hán cũng có các câu Nhất căn trụ tử động, căn căn phòng lương dao (Một cây cột bị lay, tất cả cột kèo ngôi nhà rung chuyển); hay Nhất tiết động nhi bách chi dao (Lay một nhánh mà làm rung chuyển trăm cành lá), đều dùng sự so sánh một sự vật bé nhỏ nhưng liên quan, gắn bó, tác động tới nhiều sự vật khác. Những hình ảnh dân gian ví von, so sánh không gì sinh động hơn về mối quan hệ chặt chẽ giữa cá thể này với cá thể kia trong tự nhiên và trong quan hệ xã hội của con người”.

Với câu “Tai vách mạch dừng”, thì “mạch dừng” mới là bản đúng, còn “Tai vách mạch rừng” là bản sai. Vì dừng là bộ phận của vách, vách là bộ phận của ngôi nhà, nơi (theo nghĩa đen) hai người trao đổi chuyện bí mật, riêng tư, về sau hiểu theo nghĩa rộng chỉ tất cả địa điểm khác. Dù là địa điểm nào thì những cái có thể “nghe lén” được đều tập trung ở xung quanh hai người.

Còn “Tai vách, mạch rừng” thì một là bức vách, một là cái mạch gì đó tận trên rừng thì hoàn toàn vô lí, lạc lõng. Bởi rừng và vách không chỉ khác nhau về trường nghĩa, mà còn cách xa nhau về khoảng cách địa lí.

Với những dị bản thành ngữ, tục ngữ gây nghi ngờ, tranh cãi, thì chúng ta có thể tìm đến các bản đồng nghĩa khác để tìm ra mối tương đồng trong cách so sánh, ẩn dụ của dân gian. Ví dụ, tục ngữ gốc Hán có câu “Tường hữu phùng, bích hữu nhĩ Tường có mạch, vách có tai”. Tục ngữ Việt cũng có các dị bản Nhà có ngách, vách có tai; Bờ vách có tai, bờ rào có mắt, trong đó “tường” và “vách”, “ngách”; “bờ vách” và “bờ rào” có cùng trường nghĩa, đều gần nhau, ở xung quanh người nói chuyện. Những hình ảnh của nghĩa đen ấy đã làm nên nghĩa bóng: Phải cẩn thận, giữ mồm giữ miệng, vì lời nói rất dễ bị lọt đến tai người khác, bí mật rất dễ bị tiết lộ, ngay kể cả nơi bốn bề tường, vách vắng vẻ, rào giậu kín đáo:

Ở đây tai vách mạch dừng

Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi

(Truyện Kiều)

Kẻo khi dừng mạch vách tai

Lạnh răng vì bởi hở môi gió vào

(Truyện Phương Hoa)

Như vậy, trong 4 dị bản của hai câu tục ngữ, thì chỉ có hai bản chính xác, đó là: “Rút dây động rừng” và “Tai vách mạch dừng”; các bản “Rút dây động dừng” và “Tai vách mạch rừng” không có cơ sở về nghĩa đen, nên chúng tôi xác định là hai bản sai.

Mẫn Nông (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]