(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm bên bờ sông Chu, cách trung tâm huyện Thọ Xuân chỉ khoảng 10km, ngược lên Mục Sơn là “bắt gặp” đường Hồ Chí Minh, từ đây vào Nam - ra Bắc đều thuận tiện; hoặc “ngược ngàn” lên với miền Tây xứ Thanh cũng dễ dàng. Thọ Diên (Thọ Xuân) sở hữu lợi thế “cận thị, cận giang, cận lộ” ít nơi nào có được.

Về thăm Tứ Trụ

Nằm bên bờ sông Chu, cách trung tâm huyện Thọ Xuân chỉ khoảng 10km, ngược lên Mục Sơn là “bắt gặp” đường Hồ Chí Minh, từ đây vào Nam - ra Bắc đều thuận tiện; hoặc “ngược ngàn” lên với miền Tây xứ Thanh cũng dễ dàng. Thọ Diên (Thọ Xuân) sở hữu lợi thế “cận thị, cận giang, cận lộ” ít nơi nào có được.

Về thăm Tứ TrụSau khi qua đời, khai quốc công thần Nguyễn Nhữ Lãm được người dân Thịnh Mỹ lập dựng đền thờ phụng.

Nơi đây có chợ Đường (hay chợ Thịnh Mỹ, chợ Tứ Trụ) là một trong hai chợ lớn nổi tiếng nhất của Thọ Xuân thời Nguyễn. Nhắc đến chợ Đường, sách Địa chí huyện Thọ Xuân đã viết: “Chợ được họp ngay trên bờ sông Chu, phía dưới là bến sông lớn, thuyền bè đậu san sát. Xưa kia, chợ Thịnh Mỹ là nơi buôn bán nhiều hàng nông sản và lâm sản như thóc, gạo, bông, tơ lụa, luồng, gỗ, mật ong… Các lái buôn người Hoa và Bắc Kỳ thường đến đây mua cất các loại hàng để mang ra Hà Nội, Hải Phòng. Người Mường, người Thái từ các huyện Thường Xuân, Lang Chánh cũng xuống đây mua bán hàng hóa rất đông. Bánh gai và bánh sắn bột lọc Tứ Trụ là đặc sản nổi tiếng mà khách gần, xa chẳng bao giờ quên khi rời chợ”.

Cũng bởi ở vào nơi đất tốt tươi, thuận tiện đi lại, dễ hiểu vì sao người xưa đến vùng đất Thọ Diên lập nghiệp từ rất sớm. Theo tài liệu lưu giữ tại địa phương, cả 4 làng cổ: Thịnh Mỹ (kẻ Mía); Quần Đội; Quần Lai; Hải Mạo (Hải Mao) ở Thọ Diên đều ra đời cách đây trên dưới cả nghìn năm.

Người Thọ Diên tự hào, nếu như cụ Lê Hối người làng Như Áng (Ngọc Lặc) được biết đến là đã có công dời nhà đến chân núi Lam để khai phá ruộng vườn, gây dựng sản nghiệp cho dòng họ Lê - từ cơ nghiệp tiền nhân, hào trưởng Lê Lợi đã “vươn” lên trở thành Bình Định vương lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi quân xâm lược, lập ra vương triều hậu Lê thịnh trị; thì vợ của cụ Lê Hối chính là bà Trịnh Thị Ngọc Duyên - người con gái làng Quần Đội (thuộc Thọ Diên). Chính bà với tài năng và sự tháo vát đã cùng chồng chung tay đặt “nền móng” vững chắc cho con cháu.

Sau bà Trịnh Thị Ngọc Duyên, một người con gái khác của làng Quần Đội là bà Phạm Thị Ngọc Trần (có tài liệu viết Trần Thị Ngọc Trần) được biết đến là người vợ “tào khang” của Bình Định vương Lê Lợi. Bà Phạm Thị Ngọc Trần nên duyên cùng hào trưởng Lê Lợi từ thuở chưa dấy nghĩa. Bà là người siêng năng, không quản khó nhọc trong việc xây dựng sản nghiệp, tích trữ lương thực, giúp chồng lo đại sự. Trong suốt những năm tháng gian khó nhất của khởi nghĩa Lam Sơn, bà song hành cùng chồng trên mọi nẻo đường của khởi nghĩa Lam Sơn. Đặc biệt, người con gái của làng Quần Đội Phạm Thị Ngọc Trần đã lựa chọn “hiến thân” cho vị thần ở Trào Khẩu (Nghệ An) để chồng cùng nghĩa quân Lam Sơn vượt qua khó khăn, hoàn thành nghiệp lớn. Về sau, con trai bà là Nguyên Long đã kế nghiệp Vua Lê Thái tổ - tức Lê Thái tông.

Thọ Diên còn được biết đến là “quê hương” của khai quốc công thần Lam Sơn Nguyễn (Lê) Nhữ Lãm. Tương truyền, ông vốn người trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nam) có cha làm quan cuối đời nhà Trần. Khi giặc Minh chiếm đóng nước ta, nghe nói ở đất Lam Sơn xứ Thanh có hào trưởng Lê Lợi là bậc hào kiệt đang ngầm nuôi chí lớn, vì thế Nguyễn Nhữ Lãm đã bí mật đem cả gia quyến vào làng Thịnh Mỹ, huyện Cổ Lôi (nay là Thọ Diên) để gây dựng cơ nghiệp. Ông bỏ tiền giúp đỡ dân nghèo, hay những người cơ nhỡ ở vùng Lương Giang (sông Chu). Về sau, từ Thịnh Mỹ, Nguyễn Nhữ Lãm tìm đến Lam Sơn để chung chí lớn khởi nghĩa. Nguyễn Nhữ Lãm được giao nhiệm vụ tích chứa binh lương.

Ông không trực tiếp xông pha trận tiền mà phụ trách đội quân thuyền chài vận tải, tiếp tế binh lương, khí giới. Sách Địa chí huyện Thọ Xuân viết: “Hai lần nghĩa quân bị vây ở núi Chí Linh bị tuyệt lương đến hai, ba tháng khiến giặc tưởng chừng không thể sống sót, nhưng sau đó vẫn đủ sức giáng cho chúng những đòn chí tử, đều nhờ công của Nhữ Lãm đưa đội quân thuyền chài ngược dòng sông Lương lên tận sông Âm, sông Cao đem gạo, muối tiếp tế”.

Khởi nghĩa Lam Sơn thành công, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi nhà Lê, trong buổi đầu ban biển ngạch khắc tên công thần khai quốc, Nguyễn Nhữ Lãm có tên trong danh sách 14 người được phong tước Đình Thượng hầu, ngang hàng với những viên chiến tướng lừng danh như: Nguyễn Chích, Nguyễn Văn An, Đinh Liệt, Đinh Lễ, Lê Khôi… và được ban họ vua (theo Địa chí huyện Thọ Xuân). Sau khi mất, khai quốc công thần Nguyễn Nhữ Lãm được truy tặng Nhập nội Thái bảo và đền thờ ông được lập dựng trên quê hương Thịnh Mỹ.

Về thăm Tứ TrụVăn bia Hậu đức cung bi ký tại di tích Cung từ Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Hùng: “Lần theo những tài liệu sử cũng như dấu tích văn hóa, sẽ thấy Thọ Diên là vùng đất “địa linh nhân kiệt” đặc biệt. Đây không chỉ là quê hương của những nữ nhân có đóng góp quan trọng cho cơ nghiệp nhà Lê, mà còn “đóng góp” nhiều tướng tài cho sự nghiệp nhà Lê. Có thể kể đến Nguyễn Nhữ Lãm, Nguyễn Lỗi (con trai Nguyễn Nhữ Lãm), Nguyễn Mậu Tuyên, Trần Vận, Lê Lễ… Phải chăng vì là đất địa linh nên Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung - chính phi của Tây Định vương Trịnh Tạc khi còn sống đã có nguyện vọng được xây dựng khu sinh từ ở làng Thịnh Mỹ”.

Di tích Cung từ Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung ở làng Thịnh Mỹ còn được người dân địa phương gọi Lăng Cung từ. Theo văn bia Hậu đức cung bi ký dựng tại lăng, đây là loại hình kiến trúc có ý nghĩa là một sinh từ - nơi thờ khi còn sống… Khi trở thành chính phi của chúa Trịnh Tạc và được tôn làm Quốc Thái mẫu, bà Ngọc Lung có nguyện vọng được làm sinh từ tại làng Thịnh Mỹ, được nhà Chúa chấp thuận. Khu sinh từ được xây dựng 21 năm trước khi bà Trịnh Thị Ngọc Lung qua đời.

Di tích Cung từ Quốc thái mẫu Trịnh Thị Lung khi xưa có quy mô bề thế, là công trình kiến trúc độc đáo, giàu giá trị. Theo các cụ cao niên trong làng, người dân Thọ Diên xưa nay luôn tin rằng, cái tên Tứ Trụ bắt đầu có từ khi xây dựng khu Cung từ. Chúa Trịnh với sự quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng công trình kiến trúc, đã cử nhiều vị đại quan trong triều đình khi ấy về Thịnh Mỹ quản lý, giám sát việc xây dựng, trong đó có 4 vị quan được xem là trụ cột trong triều. Cũng từ đó, nơi đây còn được biết đến với tên gọi Tứ Trụ?! Trải qua thời gian, đến nay diện mạo khu di tích đã nhiều thay đổi, chỉ còn một số hiện vật đá, trong đó nổi bật là văn bia Hậu đức cung bi ký với nhiều “tư liệu” lịch sử, đồng thời còn là tác phẩm điêu khắc giàu giá trị thẩm mỹ. Ông Lê Văn Chức, Chủ tịch UBND xã Thọ Diên cho biết: “Thọ Diên là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa. Phát huy truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương đang nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương giàu mạnh”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]