(vhds.baothanhhoa.vn) - Bạn đọc TQH hỏi: “ Lâu nay tôi vẫn thấy áy náy với từ “xúc xiểm” trong các từ điển tiếng Việt. Trong từ điển người ta định nghĩa “xúc xiểm” là “đặt điều xúi giục”. Khi tra từ điển Hán Việt thì tôi thấy “xiểm” 陜 là tên đất của tỉnh Thiểm Tây hoặc có nghĩa là chật, hẹp. Chữ này chẳng ăn nhập gì với chữ “xúc” 促 nghĩa là thúc giục, thôi thúc. Trong khi đó, chữ “siểm” 諂 có nghĩa là nịnh nọt, ton hót bợ đỡ, siểm nịnh, siểm mị. Vì vậy tôi nghĩ XÚC SIỂM có nghĩa là “dùng lời khôn khéo để xúi giục” thì có vẻ có nghĩa hơn .

“Xúc xiểm” hay “Xúc siểm”

Bạn đọc TQH hỏi: “Lâu nay tôi vẫn thấy áy náy với từ “xúc xiểm” trong các từ điển tiếng Việt. Trong từ điển người ta định nghĩa “xúc xiểm” là “đặt điều xúi giục”. Khi tra từ điển Hán Việt thì tôi thấy “xiểm” là tên đất của tỉnh Thiểm Tây hoặc có nghĩa là chật, hẹp. Chữ này chẳng ăn nhập gì với chữ “xúc” nghĩa là thúc giục, thôi thúc. Trong khi đó, chữ “siểm” có nghĩa là nịnh nọt, ton hót bợ đỡ, siểm nịnh, siểm mị. Vì vậy tôi nghĩ XÚC SIỂM có nghĩa là “dùng lời khôn khéo để xúi giục” thì có vẻ có nghĩa hơn.

“Xúc xiểm” hay “Xúc siểm”

Rất mong nhận được sự giải đáp của chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa”.

Trả lời:

Đúng như bạn đọc TQH nhận xét. Khi tra chữ xiểm陜 (một âm khác là thiểm), Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và Hán Việt từ điển của Trần Văn Chánh chỉ giảng một nghĩa duy nhất, đó là tên đất Xiểm/Thiểm bên Trung Quốc. Cụ thể, Thiều Chửu giảng: “Xiểm: Tên đất, tỉnh Xiểm Tây 陝西 gọi tắt là tỉnh Xiểm. Ta quen đọc là chữ Thiểm”; và Trần Văn Chánh giảng: “Thiểm:Tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (gọi tắt)”, Thiểm Bắc 陝北 = miền Bắc Thiểm Tây”.

Tuy nhiên, cũng đúng như bạn đọc TQH viết, chữ xiểm 陜 (hoặc viết 狹) có nghĩa là chật, hẹp, nhưng nó có một nghĩa nữa là chỉ lòng dạ hẹp hòi.

Trong tất cả các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay, có 6 cuốn ghi nhận xúc xiểm. Đơn cử, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex, bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt): “xúc xiểm • đg. đặt điều xúi giục người này làm hại hoặc gây mâu thuẫn, xích mích với người khác. “(…) thằng Phương, không những nó không giúp đỡ tôi, nó còn vận động người này người khác, còn xúc xiểm thợ thuyền cố tình cho tôi phải thất bại mới nghe.” (Lan Khai). Đn: xui xiểm”. Ngoài ra có thể kể đến Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức); Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị)… Chỉ duy nhất có Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) ghi nhận xúc siểm.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex, bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt) đã thiếu sót khi không chú chữ Hán cho mục từ xúc xiểm. Tuy nhiên, đây là một từ Việt gốc Hán chính tông.

Về nghĩa của từng yếu tố cấu tạo từ, thìTừ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên - NXB Khoa học Xã hội - 2011) xếp xúc xiểm vào loại từ láy. Tuy nhiên, xét nghĩa lịch đại, thì xúc xiểm là từ gốc Hán, ghép chính phụ. Trong đó, xúc 促 nghĩa gốc là cấp bách, thôi thúc(nhưxúc tiến = thúc giục để tiến lên, triển khai cho nhanh). Trong tiếng Việt, xúc có nghĩa rộng làxúi giục (như xui xúc;Xúc cho hai bên kiện tụng lẫn nhau); xiểm狹 có nghĩa là chật hẹp, nhỏ hẹp, nghĩa rộng làhẹp hòi, ích kỷ.

Xét gốc Hán, thì chỉ có từ xúc xiểm促狹 (ghép chính phụ), và siểm nịnh諂佞 (ghép đẳng lập; siểm 諂 có nghĩa là xu phụng, nịnh nọt, mà nịnh 佞 cũng có nghĩa dùng “hoa ngôn, xảo ngữ” để nịnh bợ người khác).

Về nghĩa hữu quan, thì Hán ngữ đại từ điểngiảng xúc(nghĩa 10) là “thôi thúc, thúc giục” [suy động; thôi xúc - 推動;催促]; và giảng xiểm (nghĩa 4) là “chỉ kiến thức, hoặc lòng dạ hẹp hòi” [chỉ kiến thức hoặc tâm hung xiểm ải - 指見識或心胸狹隘].

Hán ngữ đại từ điểnHán điển không ghi nhận xúc siểm, mà chỉ ghi nhận XÚC XIỂM, và giảng (nghĩa 4) của từ này là “khích bác, chế nhạo khiến người ta lúng túng, khó xử; đùa cợt một cách thủ đoạn, ác ý.” [xúc lộng nhân, ác tác kịch - 捉弄人, 惡作劇]; và (nghĩa 6) là “ác ngầm, nham hiểm, quỷ quyệt” [âm độc, gian điêu - 陰毒奸刁].

Như đã viết ở trên, trong số tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay, duy nhất có Việt Nam tự điểncủa Lê Văn Đức ghi nhận XÚC SIỂM, với lời giảng “Gièm-siểm cho người làm theo ý mình đối với một người khác”, và lấy ví dụ là “Tánh hay xúc-siểm”. Thực ra, ở đây do sự nhầm lẫn giữa siểm trong siểm nịnhxiểmtrong xúc xiểm.

Sở dĩ chúng tôi nói có sự nhầm lẫn giữa xiểm 狹 trong xúc xiểmsiểm 諂 trong siểm nịnh, bởi phải là chữ xiểm狹 mới có nghĩa là “lòng dạ hẹp hòi”, làm nên nghĩa “ác ngầm, gian điêu, đâm thọc” (của từ xúc xiểm trong tiếng Hán), và nghĩa “đặt điều xúi giục người này làm hại hoặc gây mâu thuẫn, xích mích với người khác” (của từ xúc xiểm trong tiếng Việt); còn chữ siểm諂 chỉ có nghĩa là xu phụng, nịnh nọt làm vui lòng người khác.

Như vậy, cả trong tiếng Hán lẫn tiếng Việt, chỉ có từ XÚC XIỂM, chứ không có từ XÚC SIỂM. Theo đây, chỉ có một cách viết đúng duy nhất, đó là XÚC XIỂM. Nhân đây, cũng cần lưu ý, khi nói và viết, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa SIỂM NỊNH (ton hót, nịnh nọt người có quyền thế để làm hại người khác, mưu lợi cho mình) và XÚC XIỂM (đặt điều xúi giục người này làm hại hoặc gây mâu thuẫn, xích mích với người khác).

Mẫn Nông


Mẫn Nông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]