(vhds.baothanhhoa.vn) - Quang gánh hàng rong, vài bó rau muống, chút sả, ớt cay... còn có thêm những quả khế chua mọng nước. Thèm thuồng vị chua thanh mát của khế, lòng tôi nao nao gợi nhớ quê nhà, nhớ lắm cây khế - của hồi môn mà ông ngoại để lại.

Của hồi môn ông ngoại để lại!

Quang gánh hàng rong, vài bó rau muống, chút sả, ớt cay... còn có thêm những quả khế chua mọng nước. Thèm thuồng vị chua thanh mát của khế, lòng tôi nao nao gợi nhớ quê nhà, nhớ lắm cây khế - của hồi môn mà ông ngoại để lại.

Của hồi môn ông ngoại để lại!

(Minh họa của Trà My).

Bố vẫn thường kể: “Đấy là cây khế chua mà ông ngoại mang về trồng hồi bố mẹ mới cưới, lúc trồng thì thân cây chỉ bằng chiếc đũa ăn cơm, vì hợp đất nên gốc khế to như cái thùng gánh nước, tán rộng phủ kín cả góc sân. Khế vừa cho bóng mát, vừa dùng để chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, vào chính vụ mẹ còn hái hàng thúng quả mang ra chợ bán. Cây khế như là của hồi môn mà ông ngoại để lại”.

Chỉ chừng hai năm sau khi ngoại trồng thì khế ra bói, hoa nở từng chùm chi chít, nụ hoa nhỏ xinh bằng hạt gạo và có màu đỏ, lúc nở rộ cánh hoa màu hồng, đến khi kết trái cánh hoa rụng sẽ chuyển màu tím nhạt, ong bướm rập rờn hội tụ về hưởng cái hương thơm, vị ngọt của mật hoa khế. Những trái khế non xum xuê từ gốc đến ngọn khi nhận đủ nắng và gió thì phổng nhanh như thổi, rồi quả chín màu ngả vàng mọng nước. Chỉ nghĩ đến thôi là cơn thèm thuồng lại tuôn trào trong khoang miệng.

Cây khế có sức sống mãnh liệt, nhiều lần gặp mưa gió, cành, lá tả tơi... nhưng chỉ vài ngày sau là lớp lá mới lại tua tủa mọc ra, mầm khế mập mạp tách vỏ bật lên hình thành các nhánh mới.

Nhớ hồi còn nhỏ, nghe người lớn truyền tai nhau mách mẹo để cây cho nhiều quả. Hai anh em tôi bàn nhau, anh trèo lên thân cây, còn tôi đứng dưới cầm roi vừa đập vào gốc vừa hỏi khế ra quả không, ra bao nhiêu quả. Anh tôi cứ dõng dạc trả lời: “Có... có ra, vạn... vạn quả”. Vào đến nhà hai anh em tôi đắc ý, cười phá lên vui vẻ. Không rõ thực hư thế nào, nhưng khế cứ vậy mà cho quả xum xuê trĩu cành.

Khế chua nấu canh cua luôn là món khoái khẩu của tôi. Món này đưa cơm lắm, nấu vừa nhanh vừa ngon lại bổ dưỡng. Ngoài canh cua, mẹ còn xào khế với lòng bò, nấu canh cá, canh ngao… mấy món nộm sứa, nộm tai heo, nộm hải sản mà không có khế chua là bớt hẳn vị ngon. Mỗi khi chuyển mùa, da tôi hay bị dị ứng, nổi mề đay, chỉ tắm qua nồi nước lá khế mẹ nấu là hết, không còn cảm giác ngứa ngáy khó chịu nữa.

Những mùa khế trĩu quả, hàng xóm cũng qua xin về chế biến các món ăn. Mọi người đều khen khế chua nhà tôi quả to, mọng nước lại rất ngon, chỉ chua thanh nhẹ chứ không gắt, khi ăn lại ngọt ở hậu vị, dùng để nấu canh chua thì chỉ cần vài ba quả là đủ một nồi ngon đúng điệu.

Khế kết trái nhiều, dùng không hết, mẹ còn hái đem ra chợ bán bớt, có thêm chút tiền thì mua vài thức quà cho anh em tôi.

Chiều muộn, ngập ngừng nhìn những quả khế mọng nước trong gánh hàng rong, chợt thèm vị chua thanh mát của khế từ các món ăn mẹ nấu ngày nào, nhớ cây khế chua nơi vườn nhà - của hồi môn mà ông ngoại để lại!

Hà Hiếu


Hà Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]