(vhds.baothanhhoa.vn) - ...Tôi mới chép miệng phán: “Muốn biết số phận Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản ra sao, hồi sau sẽ rõ...

Nghề… ăn dỗ trẻ con

...Tôi mới chép miệng phán: “Muốn biết số phận Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản ra sao, hồi sau sẽ rõ...

Nghề… ăn dỗ trẻ con

(Tranh minh họa. Nguồn: thuvienphapluat.vn)

Cứ mỗi lần từ thành phố về chơi là bạn tôi lại càu nhàu:

- Ông không chịu tìm một công việc gì đấy ổn định mà làm. Chừng này tuổi rồi mà cả ngày la cà làng trên xóm dưới. Với, cứ ru rú mãi trong làng trong xã thì sao ngóc đầu lên được”.

Lần đầu nghe thì tức thật, nhưng nghe nhiều thành quen nên thường tôi trả lời chớt nhả:

- Thì tôi vẫn sống tốt, cơm ăn hai bữa, quần áo mặc cả ngày đấy thôi.

- Thế ông làm gì để sống, trả lời nghiêm túc xem nào? – bạn tôi cáu, khiến tôi gãi đầu gãi tai suy nghĩ. Không lẽ trả lời là vợ nuôi???.

- Nghề của tôi… là cái nghề… chưa có tên – sau cùng thì tôi nghĩ ra cách chống chế. “Nghề mới du nhập à?”. “Không hẳn, độc quyền của tôi”. “Kể nghe xem”.

Thì tôi kể. “Thế này nhé, một lần thấy bọn con nít trong làng cầm những kiếm nhựa, súng bắn nước lùa nhau chơi trò đánh đấm. Tôi mới mò lại hỏi chúng nó, thế có muốn biết đánh trận thật thế nào không, chú kể cho nghe. Chúng nó đồng ý, thế là tôi kể. Mà ông biết rồi đấy, sách truyện cho thiếu nhi ở làng mình hiếm lắm, tủ sách ở nhà văn hóa thì toàn tài liệu pháp luật, nông nghiệp, có vài cuốn truyện tranh thì không đủ bộ, thành ra đọc truyện mà như… ăn dở món ngon vậy”.

- Đi vào nội dung chính đi ông ơi. Lại cái tật dây cà ra dây muống.

- Rồi!. Thế là tôi lôi tuốt chúng nó ra góc sân nhà văn hóa, lôi truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng – một quốc sử diễn ca của Nguyễn Huy Tưởng ra kể cho chúng nghe.

Tôi đứng dậy làm bộ như diễn tuồng rồi cất giọng kể với bạn như với lũ trẻ nít mỗi chiều:

“Hoài Văn cúi đầu thưa:

- Cháu biết là mang tội lớn. Nhưng cháu trộm nghĩ rằng khi quốc biến thì đến đứa trẻ cũng phải lo, huống hồ cháu đã lớn. Cháu chưa đến tuổi dự bàn việc nước, nhưng cháu có phải là giống cỏ cây đâu mà ngồi yên được? Vua lo thì kẻ thần tử cũng phải lo. Cha cháu mất sớm, cháu được chú nuôi nấng. Chú thường dạy cháu những điều trung nghĩa, cháu vẫn ghi trong tấc dạ. Cháu liều chết đến đây, chỉ muốn góp một vài lời. Thưa chú, chẳng hay quan gia cùng các vương hầu bàn định thế nào? Cho nó mượn đường hay đánh lại?

- Việc đó còn đang bàn. Có người chủ chiến. Có người chủ hoà.

Quốc Toản đứng phắt dậy, mắt long lên:

- Ai chủ hoà? Ai chủ hoà? Cho nó mượn đường ư? Không biết đấy là kế giả đồ diệt Quắc của nó đấy sao? Dâng giang sơn gấm vóc này cho giặc hay sao mà lại bàn thế?

Quốc Toản chạy xồng xộc xuống bến, quỳ xuống tâu vua, tiếng nói như thét:

- Xin quan gia cho đánh! Cho giặc mượn đường là mất nước.

Nói xong, Hoài Văn run bắn, tự đặt thanh gươm lên gáy và xin chịu tội”.

Bạn tôi ngẩn mặt ra mà nghe hệt như bọn trẻ. Chờ mãi không thấy tôi kể tiếp, bạn sốt ruột hỏi: “Uống gì lắm nước thế, kể tiếp đi. Nói thật, tôi cũng chưa đọc”.

Tôi mới chép miệng phán: “Muốn biết số phận Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản ra sao, hồi sau sẽ rõ”.

- Thế kể tiếp hồi sau đi, rách việc.

- Muốn biết hồi sau thế nào, cứ có dăm chai bia sẽ rõ.

- Thì bia.

- Tôi kể chuyện nên là ông trả tiền bia đấy.

Bạn tôi cười rung cả ghế bảo “đồ xỏ lá”. “Đấy, ông thấy không, bọn con nít muốn biết hồi sau thế nào, cứ mang thuốc lào, lạc rang, bánh đa với bia đến sẽ rõ”.

“A ha!!! Ra là ông có nghề… ăn dỗ con nít. Chuyên nghiệp đấy!”. Bạn tôi reo lên rồi dí nắm tay vào mặt tôi: “Hóa ra nảy giờ ông giễu tôi là đồ con nít à”. “Ông cứ suy diễn lung tung”.

- Không, kể ra cũng đúng thật ông ạ. Tôi có bộ hồ sơ phải hoàn thiện, mà không biết bao lần… hồi sau sẽ rõ rồi – Bạn tôi thở dài, mặt buồn thiu.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]