(vhds.baothanhhoa.vn) - Chó nhà nghèo dễ nuôi, cứ thế lớn phổng lên, chắc nịch, hiền lành. Người và chó bầu bạn, vỗ về nhau khiến cái lều rách bớt cô quạnh.

Dưới gốc hoa giấy

Chó nhà nghèo dễ nuôi, cứ thế lớn phổng lên, chắc nịch, hiền lành. Người và chó bầu bạn, vỗ về nhau khiến cái lều rách bớt cô quạnh.

Dưới gốc hoa giấy

Minh họa của Hà Hiếu.

Các bạn còn nhớ về mụ Đốp “độp” ở làng tôi tôi chứ. Người đàn bà nghèo đói nhất, khổ sở nhất và xấu nhất làng với cái lưng còng rạp, quanh năm mò cua bắt ốc ở ven sông để kiếm sống. Người đàn bà ở túp lều rách nát cuối làng, được Chủ tịch Hách “xì” mời dự đám cưới con trai – trước khi lão về hưu chừng 1 tháng.

Tôi cũng có nói qua rằng, mụ Đốp “độp” có cuộc sống hạnh phúc cuối đời, trong khi Hách “xì” Chủ tịch thì được... “nghỉ mát” trong trại giam. Và đây là phần chuyện về mụ Đốp “độp”.

Chẳng biết năm đấy mụ Đốp “độp” bao nhiêu tuổi. Chỉ biết mái tóc xơ xác như cái chổ xể cùn, vốn vàng xỉn, rối mù của mụ đã ngã sang màu muối. Không rõ vì sao dạo ấy mụ có một chú chó nhỏ để nuôi. Loài vật nuôi không phân biệt chủ giàu sang hay nghèo hèn ấy, quấn quýt với mụ Đốp “độp” lắm. Nó thường líu ríu theo chân chủ ra đến bờ sông, chạy tung tăng trên bờ dõi theo cái bóng méo mó của chủ dầm mình dưới nước. Rồi lại líu ríu theo chân chủ về túp lều rách, có cơm ăn cơm, có khoai ăn khoai. Những hôm mưa gió, nó nép vào cái thân hình còm cõi, rúm ró, liếm láp bàn tay khô queo của chủ mà động viên cái bụng rỗng.

Chó nhà nghèo dễ nuôi, cứ thế lớn phổng lên, chắc nịch, hiền lành. Người và chó bầu bạn, vỗ về nhau khiến cái lều rách bớt cô quạnh.

Thỉnh thoảng nó rời chủ đi vào làng theo tiếng gọi của bản năng. Mụ Đốp “độp” chửi “tổ cha mi, cứ chạy rông coi chừng bị người ta bắt” - sau mỗi lần nó lao hộc tốc từ trong làng về, quấn lấy chân mụ ra chừng hối lỗi.

Rồi một hôm nó không về thật. Đám thanh niên hay rượu trong làng, thấy ngon mắt đã biến nó thành mồi nhậu. Mụ Đốp “độp” dò dẫm đi tìm nó trong bóng chiều nhập nhoạng, gọi đến đục cả tiếng mà không thấy. Rồi mụ ngửi thấy mùi chó nướng, mùi mắm tôm. Rồi mụ quờ quạng bên vết rơm thui mớ lông vàng còn vương lại của nó.

“Ối giờ ơi là giời,… Độc ác ri hở trời!”. Mụ cứ rên la, còn đám thanh niên choai choai ngồi trong sân vẫn cười hô hố tận hưởng khoái cảm và chế nhạo cái con người rúm ró bên ngoài tường rào.

Một hôm rồi hai hôm không thấy mụ Đốp “độp” ra khỏi căn lều rách, không thấy mụ đi mò trai bắt ốc. Mụ nằm bẹp, cô quạnh trên cái giường đơn xập xệ. Mụ đã muốn cứ nằm vậy mà chết quách cho rồi. Mà dễ lúc ấy mụ chết, hẳn ở làng cũng chẳng người nào biết.

Tinh mơ ngày thứ 3 thì mụ Đốp “độp” trở người dậy, cuộc sống kham khổ khiến sức chịu đựng của con người dẻo dai hơn thì phải. Mụ vét nắm gạo còn sót lại, đặt nồi, châm lửa để nấu cháo. Dù sao thì, mụ có chết cũng chẳng vương đến ai. Nên phải cố mà sống vậy.

Cháo vừa chín tới thì có tiếng lao xao ngoài sân. Một đoàn chừng chục người, cả người làng và người lạ đứng trước khoảnh đất lẹp nhẹp – tạm gọi là sân nhà mụ Đốp “độp”. Một người phụ nữ trẻ trung, nhỏ nhắn, gương mặt phúc hậu bước tách khỏi đoàn, tiến về phía cửa rồi cất tiếng gọi vừa đủ nghe: “Bác Đào ơi. Bác Đào…”.

Mụ Đốp “độp” lò dò tiến ra cửa, ngước cặp mắt mờ đục lên nhìn mọi người, gương mặt đã nhàu nhĩ, lại càng xác xơ. “Ai hỏi chi tôi…?”.

Người phụ nữ nhẹ nhàng tiến tới đỡ lấy tay người đàn bà nghèo khổ, hành động chưa từng ấy khiến mụ Đốp “độp” giật mình co người lại.

“Cháu là con mẹ Xuân, đồng đội của bác hồi trong chiến trường đây ạ”.

Mụ Đốp “độp” lặng nhìn người phụ nữ đoan trang trước mặt hồi lâu, rồi quay mặt đi, nước mắt ầng ậc tuôn.

Trò chuyện một hồi, người phụ nữ ấy đỡ mụ Đốp “độp” lên xe, chở đến trạm xá xã để kiểm tra sức khỏe, thay quần áo mới, tắm táp vệ sinh, thuốc thang bồi bổ. Khi sức khỏe mụ Đốp “độp” đã hồi, chị lại đỡ mụ Đốp “độp” lên xe, nói là đưa mụ đến một tỉnh nào đấy xa làng tôi lắm, để gặp lại người đồng đội cũ.

Sau đấy chừng nửa năm, khi mụ Đốp “độp” trở về với da dẻ hồng hào hơn, phục trang tinh tươm - thì túp lều rách cũng đã được thay bằng ngôi nhà mái bằng khang trang, đầy đủ vật dụng cần thiết. Người làng tôi dần năng qua lại hơn và được nghe mụ Đốp “độp” – tên thật là bác Đào kể lại một phần câu chuyện của đời mình.

Ấy là trong những năm phục vụ chiến đấu, bác Đào đã lấy thân mình che chắn cho người đồng đội trong một đợt bom. Một cành cây to đè lên người, khiến cho tấm lưng người phụ nữ ấy gánh chịu thương tật và ngày càng rạp xuống vì mưu sinh theo thời gian. Bác Đào lưu lạc đến làng tôi, tứ cố vô thân, không giấy tờ và trở thành mụ Đốp “độp” sau đó.

Người đồng đội năm xưa cố giữ bác ở lại sinh sống, hoặc làm một công việc phù hợp trong công ty của gia đình, song bác Đào từ chối để được về nơi – dù kham khổ, cực nhọc nhưng bác coi là quê hương của mình.

Bác Đào lại nuôi một con chó và ngôi nhà với mảnh vườn rộng dần được phủ xanh bởi những giàn bầu, mướp và rau xanh. Một khoảnh vườn lại được chăng lưới cao để thả gà, vịt. Bác Đào không phải đi mò cua bắt ốc đổi gạo nữa. Mỗi dịp lễ tết, gia đình người đồng đội cũ lại về thăm, quây quần cùng bác Đào bên mâm cơm rau quả vườn nhà.

Đầu ngõ, dưới gốc cây hoa giấy, bác Đào có chôn nắm lông vàng vương lại của con chó xấu số.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]