(vhds.baothanhhoa.vn) - ...khi làng, xã tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động phá dỡ hàng rào, nhà chị Cò Mốc nài nỉ giữ lại. Chị nói, làng, xã có trách phạt thì chị chịu, chứ chị nhất quyết không thay hàng rào “di sản” ông cha để thay bằng hàng rào bê tông mà chị cho là vô hồn.

Trồng tường rào

...khi làng, xã tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động phá dỡ hàng rào, nhà chị Cò Mốc nài nỉ giữ lại. Chị nói, làng, xã có trách phạt thì chị chịu, chứ chị nhất quyết không thay hàng rào “di sản” ông cha để thay bằng hàng rào bê tông mà chị cho là vô hồn.

Trồng tường rào

(Minh họa của P.N)

Trong khi bà con ở các làng bên đua nhau xây tường rào, thì làng tôi lại... trồng tường rào. Thế nên tôi mới nói, chuyện làng tôi chỉ làng tôi mới có.

Xã tôi được huyện giao nhiệm vụ phải trở thành một điển hình về nông thôn giàu đẹp, hạnh phúc với một bảng tiêu chí dài. Xã giao nhiệm vụ cho các làng cũng với một bảng tiêu chí dài cần thực hiện.

Người làng tôi cứ hễ có việc làng, việc xã là không nề hà công sức, không tiếc tiền của. Vì thế mà chỉ trong ít lâu, đường bê tông chạy vào đến từng cổng ngõ, len lỏi giữa đồng trên ruộng dưới. Đình làng được tôn tạo lại bề thế, nên các cụ cao niên để râu dài hơn, siêng vận khăn đóng áo dài đi hội họp. Một sân bóng cỏ nhân tạo thay thế cho bãi chăn trâu lổm ngổm gò đống một thời, làm cho tinh thần đội thanh, thiếu niên phấn chấn mỗi chiều. Lũ trẻ nít thì có nguyên một khu vui chơi với thú nhún, cầu trượt, xích đu ở nhà văn hóa. Các bà, các mẹ thì đã có ngôi chùa cổ phong quang, trầm mặc để thỏa mãn nhu cầu tâm linh.

Nếu mà kể hết, thì thành ra tôi khoe về làng tôi quá. Nên tôi sẽ quay lại câu chuyện hôm nay thôi.

Trong cái bảng tiêu chí dài mà làng tôi phải thực hiện, thì có việc phải xây dựng hệ thống tường rào thoáng. Tức là tường rào bằng bê tông đúc sẵn mà đi đâu, đến làng nào, xã nào cũng thấy ấy. Người làng tôi chỉ cần góp công phá bỏ những tường rào cũ, nào xây bằng gạch vồ, gạch đỏ, lưới thép hay dứa dại, xã sẽ hỗ trợ toàn bộ các tấm rào bê tông.

Việc ích nước lợi nhà như thế, nên nhà nào cũng đồng ý. Trừ nhà chị Cò Mốc. Tất nhiên Cò Mốc không phải tên thật của chị rồi, nhưng cả làng đều gọi thế. Mà gần như cả làng tôi có mấy ai gọi nhau bằng tên thật đâu.

Nhà chị Cò Mốc có hàng rào chè mạn trồng từ đời ông cha, được cắt tỉa vuông vắn, chạy dài từ cổng vào đến sân, rồi bao lấy khoảng vườn nhỏ trước nhà. Hàng chè mạn chỉ cao ngang ngực, nên tiếng là hàng rào nhưng chỉ cần với tay là có thể trao nhau bao diêm, gói muối hay bát canh cua, mớ rau, quả bầu. Nhà này phơi lúa có thể nói chuyện với sang sân nhà khác. Phía trên hàng rào chè mạn là giàn cây leo, quanh năm lúc lỉu những bầu, mướp, trĩu chịt đậu ván, gấc.

Thế nên khi làng, xã tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động phá dỡ hàng rào, nhà chị Cò Mốc nài nỉ giữ lại. Chị nói, làng, xã có trách phạt thì chị chịu, chứ chị nhất quyết không thay hàng rào “di sản” ông cha để thay bằng hàng rào bê tông mà chị cho là vô hồn.

Rồi tại các buổi sinh hoạt phụ nữ, nông dân, chị Cò Mốc đề đạt tâm tư rằng, hàng rào chè mạn chân chất, hiền hòa, sống động và nhất là gần gũi hơn với người nông dân. Dù mất thêm thời gian, công sức để gây trồng, chăm sóc, cắt tỉa, nhưng hàng rào chè mạn mới phù hợp với cảnh quan xóm làng. Chồng chị và các con cũng đề đạt nguyện vọng với chi bộ, đoàn thể để được giữ gìn hàng rào hồn hậu, có bàn tay ông cha cắt tỉa bao tháng, bao năm.

Nghe tâm tư của gia đình chị Cò Mốc, bác trưởng làng trầm ngâm lắm. Nhà bác cũng có hàng rào cây chuỗi ngọc hoa tím quả vàng. Hàng rào ấy được bác trồng dễ cũng gần hai chục năm rồi, từ khi còn là giáo viên. Bác nói với cán bộ xã về dự họp rằng, chủ trương của trên thì làng chấp hành, nhưng thực lòng bác muốn giữ lại hàng rào đã gắn bó biết bao kỷ niệm, nơi con cháu mỗi lần đi xa về lại túm tụm chụp ảnh bên hàng rào hoa tím, không quên ngắt vài nhành hoa cắm lên bàn thờ mẹ.

Lời bác trưởng làng đánh động cảm xúc của nhiều người. Có người muốn giữ lại hàng rào dâm bụt, có người không muốn bỏ đi hàng rào trúc quân tử vốn phải đầu tư rất nhiều tiền và công chăm sóc.

Hóa ra những hàng chè mạn, dâm bụt, chuỗi ngọc... tưởng hoang dại ấy lại da diết gắn bó trong lòng mỗi người, mỗi nhà đến thế. Một mảnh hồn làng tôi nằm ở đó.

Thế rồi bác trưởng làng và hội đồng làng tôi cũng thuyết phục được xã, huyện cho làng tôi thí điểm trồng hàng rào cây xanh. Những hàng rào tạm bằng tre gai, dứa dại rồi tường gạch vồ xây vội méo mó, cắm chi chít những mảnh sành... được bà con góp công, góp sức phá dỡ, gọn dẹp phong quang. Đất vườn được đo đạc lại để căng dây, xới đất, đào hố trồng cây. Các nhà chung ngõ sẽ trồng một loại cây phù hợp như chè mạn, chuỗi ngọc, dâm bụt, hồng quế, tóc tiên; có ngõ lại cắm cọc, chăng dây để trồng các loại hoa dây leo như hoàng yến, lan tỏi, sử quân tử, lăng tiêu...

Những hàng rào xanh cứ thế mọc lên, ban đầu thì nhấp nhô, lộn xộn, nhưng vì hợp thủy thổ lại được chăm sóc sớm hôm, nên chẳng mấy chốc mà phủ xanh đường làng ngõ xóm. Lúc này làng mới chọn những người có hoa tay cắt tỉa cho vuông vức, nhấn nhá những hình khối vuông, tròn.

Giờ thì làng tôi đã trở thành hình mẫu về cảnh quan nông thôn đặc sắc để các làng khác, xã khác đến học tập. Hàng rào của làng tôi mùa xuân thì thêm thắm đượm sắc xuân bởi màu xanh, tím của hoa chuỗi ngọc, tử đằng; mùa hè thì thêm rực rỡ bởi màu đỏ của hoa dâm bụt, chùm ớt; mùa thu thì có màu vàng của mai hoàng yến. Thậm chí, mùa đông cũng thêm ấm áp bởi màu đỏ và hương thơm của hồng quế, hồng tường vi.

Những buổi thong dong ngồi chè nước với bà con bên hàng rào xanh mát, bác trưởng làng lại tấm tắc, may nhờ có nhà chị Cò Mốc, mảnh hồn làng mới giữ được và đẹp thêm biết mấy.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]