(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN): Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, với diện tích 66.831,87ha rừng. Nhiều năm qua, người dân nơi đây đã cùng với các lực lượng chức năng chung sức giữ màu xanh cho những cánh rừng.

Sớm ổn định đời sống người dân sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên

Chung sức giữ màu xanh cho rừng

Thanh Hóa có 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN): Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, với diện tích 66.831,87ha rừng. Nhiều năm qua, người dân nơi đây đã cùng với các lực lượng chức năng chung sức giữ màu xanh cho những cánh rừng.

Chung sức giữ màu xanh cho rừngLực lượng chức năng huyện Quan Hóa tích cực tuyên truyền Luật Lâm nghiệp góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

Thôn Mười được giao quản lý, bảo vệ hơn 355ha rừng Khu BTTN Pù Luông. Để công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao, thôn Mười đã họp bàn và thống nhất xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng. Trong hương ước của thôn quy định cụ thể trách nhiệm của từng thành viên tổ tuần tra, bảo vệ rừng; trách nhiệm của người dân; quy định xử phạt các hành vi phá rừng... Chính điều này mà diện tích rừng thôn Mười luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ông Bùi Văn Tươi, một trong những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ rừng thôn Mười cho biết: “Bao đời nay người dân thôn Mười sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà ven rừng, cuộc sống của người dân có “mối quan hệ” chặt chẽ với rừng. Hiện người dân cũng sống dựa vào rừng, hằng ngày đi bảo vệ rừng và có thu nhập từ tiền nhận giao khoán bảo vệ rừng. Khoản thu nhập tuy không lớn nhưng là nguồn động viên cho tôi và mọi người nỗ lực vượt khó để bảo vệ cho những cánh rừng được an toàn”.

Ông Ngân Mạnh Hùng, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Mười, cho biết: “Thôn Mười có 62 hộ dân với 265 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Với vai trò bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng của thôn, tôi luôn tuyên truyền cho bà con các chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ rừng. Nói một lần bà con chưa hiểu thì giải thích nhiều lần, khi hiểu bà con tích cực tham gia giữ rừng hơn. Ngoài ra, thôn còn sử dụng các quy ước, hương ước để giữ rừng, xử lý những hành vi vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thành lập tổ bảo vệ rừng. Tổ quản lý rừng, tổ tuần tra rừng là các đảng viên, thanh niên gương mẫu đi đầu chấp hành bảo vệ rừng để bà con làm theo".

Ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao (Bá Thước) cho biết: Xã Lũng Cao có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều khe suối, giao thông cách trở, dân cư sống không tập trung khiến cho công tác bảo vệ và phát triển rừng gặp nhiều khó khăn. Để công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm, xã tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tăng cường phối hợp với kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở, chủ động tham mưu với chính quyền xã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, xã Lũng Cao phối hợp với người có uy tín của xã tích cực vận động, tuyên truyền bà con chấp hành Luật Lâm nghiệp, ký cam kết không vi phạm các quy định trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời vận động người thân, anh em trong dòng họ tích cực trồng, chăm sóc, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Từ cách làm này, nhận thức của Nhân dân trên địa bàn ngày một được nâng cao, các thôn đã chủ động đưa công tác phát triển, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng vào hương ước, quy ước của thôn được người dân hưởng ứng. Hiện diện tích rừng của xã Lũng Cao được giữ vững và đang trên đà phát triển.

Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông cho biết: Cùng với người dân xã Lũng Cao, Nhân dân sinh sống ở vùng đệm, vùng lõi của Khu BTTN Pù Luông tại các huyện Bá Thước, Quan Hóa, đang ngày đêm sát cánh cùng với lực lượng chức năng băng rừng, vượt suối tuần tra, kiểm soát giữ rừng. Ngoài việc, tham gia giữ rừng, người dân còn là “tai mắt”, cung cấp cho lực lượng kiểm lâm những thông tin quý giá, giúp cơ quan chức năng bắt và xử lý những trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp. Những đóng góp của Nhân dân rất quan trọng trong việc giữ mãi màu xanh cho rừng.

Tại thôn Lửa, xã Yên Nhân (Thường Xuân) suốt những năm qua, bất kể dù ngày hay đêm, dù nắng hay mưa các thành viên tổ bảo vệ rừng theo định kỳ mỗi tháng 2 lần thực hiện tuần tra các khu vực rừng đã nhận giao khoán, bảo vệ. Mùa nắng nóng, các thành viên chia nhau trực 24/24 để đề phòng tình huống xảy ra, có biện pháp xử lý kịp thời.

Chung sức giữ màu xanh cho rừngLực lượng kiểm lâm Bá Thước cùng Nhân dân tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Hà Thanh Hắng, Phó Chủ tịch xã Yên Nhân cho biết: Không chỉ người dân thôn Lửa, mà người dân của xã Yên Nhân sinh sống tại vùng đệm của Khu BTTN Xuân Liên luôn có ý thức giữ rừng. Cả những ngày lễ tết, khi mọi người được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình, các thôn vẫn chia ca tuần tra, kiểm soát bảo vệ diện tích rừng được giao. Hiện kinh phí chi trả khoán, bảo vệ rừng thấp, nhưng người dân vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, chung sức cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương bảo vệ an toàn diện tích rừng.

"Để công tác bảo vệ rừng đạt mục tiêu đề ra, ngoài sự chủ động của các lực lượng thì vai trò của người dân hết sức quan trọng. Vì thế, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên cùng với việc giao khoán diện tích rừng cho các cộng đồng dân cư, đơn vị còn chú trọng công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp tại các thôn vùng đệm, vùng lõi. Qua đó, từng bước thay đổi hành vi và ý thức của cộng đồng dân cư đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hiện Khu BTTN Xuân Liên có 12 tổ đội tham gia quản lý bảo vệ rừng cộng đồng với 1.248 lượt tổ viên tham gia. Trong 5 năm qua, các tổ bảo vệ rừng đã tổ chức tuần tra, kiểm tra 2.905 lần. Việc giao rừng cho cộng đồng dân cư bảo vệ đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh rừng. Trong 8 tháng của năm 2022, Khu BTTN Xuân Liên không xảy ra các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp”, ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên, cho biết.

Các khu BTTN Pù Luông, Xuân Liên, Pù Hu quản lý, bảo vệ, bảo tồn hơn 66.831,87ha rừng. Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, các khu BTTN đã giao khoán hơn 50.000ha rừng cho cộng đồng thôn, bản quản lý, bảo vệ. Việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng các thôn, bản đã góp phần giữ vững an ninh rừng. Theo báo cáo của các khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, trong 8 tháng của năm 2022 xảy ra 4 vụ liên quan đến an ninh rừng, trong đó các khu BTTN Pù Hu, Xuân Liên không để xảy ra vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Ông Mai Hữu Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, người dân vùng lõi, vùng đệm các khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên luôn đồng hành, chung sức quản lý, bảo vệ rừng và trở thành “tai, mắt”, “cánh tay” nối dài của lực lượng chức năng trong việc phát hiện các đối tượng có hành vi xâm hại rừng. Qua từng năm, số lượng vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp ở các khu BTTN đều giảm. Sự chung sức của người dân đã góp phần giữ cho những cánh rừng mãi xanh tươi.

Bài và ảnh: Hải Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]