(vhds.baothanhhoa.vn) - Là một trong những bản Mông xa xôi, khó khăn bậc nhất của xã biên giới Quang Chiểu (Mường Lát), những năm qua mặc dù cuộc sống bà con có nhiều đổi khác, điện về, đường đã mở, thế nhưng ở Pù Đứa vẫn còn đói nghèo, lạc hậu.

Chuyện người Mông ở Pù Đứa

Là một trong những bản Mông xa xôi, khó khăn bậc nhất của xã biên giới Quang Chiểu (Mường Lát), những năm qua mặc dù cuộc sống bà con có nhiều đổi khác, điện về, đường đã mở, thế nhưng ở Pù Đứa vẫn còn đói nghèo, lạc hậu.

Chuyện người Mông ở Pù ĐứaNhà văn hóa bản Pù Đứa được xây dựng khang trang.

Từ thiếu ăn, thiếu mặc...

Dự định đã lâu, nhưng mãi cuối tháng 8, chúng tôi mới có dịp ngược ngàn, điểm đến lần này là bản Pù Đứa thuộc xã biên giới Quang Chiểu (Mường Lát) nơi sinh sống của đồng bào Mông. Dù chỉ cách trung tâm xã chừng hơn 7 km, cuộc sống của bà con nơi đây gần như “tách biệt” với thế giới bên ngoài. Cái đói, nghèo, lạc hậu cứ bủa vây, bám riết lấy họ không rời.

Theo chia sẻ của Trưởng bản Lâu Văn Pó: Pù Đứa có 75 hộ dân thì 100% đều là hộ nghèo, trước đây khi bản chưa có đường giao thông, điện lưới, cuộc sống người dân thiếu thốn đủ bề, con đường từ bản xuống trung tâm xã hoặc đi các bản ở xã khác trong huyện chỉ là những con đường rừng ngoằn ngoèo, chênh vênh. Vào mùa mưa đường sình lầy, trơn trượt, giao thông đi lại rất vất vả. Gian nan nhất là những khi người dân đau ốm, sinh đẻ... phải cáng võng đi bộ xuống trạm y tế xã mất hàng giờ đồng hồ. Rồi những cô giáo cắm bản, từng ngày đi vận động học sinh tới trường học con chữ, lên được với bản cả tháng chẳng dám xuôi vì đường khó. Nỗ lực là vậy, nhưng rồi cuộc sống khó khăn khiến cho nhiều học sinh bỏ học giữa chừng, chưa đủ tuổi kết hôn đã có con bồng con bế.

Chuyện người Mông ở Pù ĐứaNgười dân trong bản xây dựng các công trình vệ sinh gia đình.

Cũng do tập quán du canh, du cư, mỗi năm chỉ gieo cấy lúa nước một vụ, sản xuất lại manh mún, nhỏ lẻ với ít lúa, ngô, sắn nên nhiều nhà không còn cái ăn vào lúc giáp hạt. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ đầu tư, đường sá nay đi lại thuận tiện hơn trước, điện lưới phủ kín khắp bản, nhưng do dân trí còn thấp, sự lựa chọn định cư ở những vùng đồi núi cao đang khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở nơi đây trở nên khó khăn hơn. Nếu không thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì khó thoát nghèo bền vững, vì đất sản xuất ít, mỗi năm lại bạc màu thêm, năng suất kém đi...

Tranh thủ thời tiết những ngày có nắng, nhiều chị em trong bản lại gói cơm, mang nước rủ nhau lên rừng tìm hái măng tươi đem về phơi khô bán để kiếm thêm thu nhập. Theo chia sẻ của chị Ly Thị Va (23 tuổi): Ngoài làm ruộng, chị em phụ nữ còn làm nương rẫy, rảnh rỗi vào rừng hái măng. Mặc dù đường rừng rất khó đi, phải chui vào bụi nứa nhiều gai góc, bị muỗi, vắt, ong đốt, nhưng đối với chị và người dân trong bản, măng không chỉ là thực phẩm dự trữ trong mùa mưa lũ mà còn là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Đến thay đổi tư duy để thoát nghèo

Nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, nâng cao mức sống cho đồng bào Mông bản Pù Đứa, năm 2021 xã Quang Chiểu đã tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động đồng bào khai hoang, từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu, cũ kỹ, thay thế bằng phương pháp sản xuất mới. Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp, đưa giống lúa nếp N97 vào gieo trồng thí điểm ở 6 hộ. Đồng thời, đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tập huấn kỹ thuật sản xuất cây lúa cho bà con như: ngâm, ủ mạ, cấy và chăm sóc. Thời điểm ấy, khi thu hoạch năng suất lúa đạt 46 tạ/ha. Nhờ hiệu quả mang lại lớn, đến nay 100% người dân trong bản đều trồng giống lúa này. Từ những kết quả thành công ban đầu đã giúp cho bà con dân tộc Mông ở bản thay đổi cách thâm canh cũ, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Người Mông Pù Đứa giờ đã có điện xem ti vi, có điều kiện tiếp thu, học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật sản xuất, hàng hóa giao thương thuận tiện...

Chuyện người Mông ở Pù ĐứaNgoài cây lúa, thì ngô, sắn vẫn là nguồn lương thực quan trọng ở Pù Đứa.

“Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của chính những người Mông, hành trình tìm đến con chữ của con em họ đã bớt gian nan. Ở điểm trường Pù Đứa có 4 phòng học với 52 em học sinh, cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị đầy đủ, trẻ em trong bản được đến trường đầy đủ, đúng độ tuổi. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng giáo viên, học sinh nơi đây không ngừng nỗ lực dạy tốt học tốt, nền nếp, kỷ cương luôn được giữ vững...”, cô giáo Trần Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Chiểu 1, cho biết.

Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu khẳng định: Từ khi có điện, đường giao thông, cuộc sống bà con bản Mông Pù Đứa đã thay đổi rõ rệt. Song, do trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nên công tác giảm nghèo ở bản còn khó khăn. Nhận thức được điều này, ngoài triển khai một số hoạt động hỗ trợ của Nhà nước về nông cụ, giống cây trồng, vật nuôi... đến tay bà con, xã còn tích cực huy động các nguồn lực, cân đối làm hệ thống thủy lợi, đường nước tưới tiêu, nhân rộng mô hình trồng lúa nước; vận động, tuyên truyền, tạo cơ chế hỗ trợ cho con em trong bản đi xuất khẩu lao động, cải thiện thu nhập.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]