(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mong muốn được chăm sóc các phần mộ của đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, từ năm 1989 đến nay, vợ chồng cựu chiến binh Lê Trọng Tám và Trịnh Thị Hải, phường Hải Ninh (Nghi Sơn) đã tình nguyện là người “canh giấc ngủ” cho đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Nghi Sơn.

Chuyện về vợ chồng cựu chiến binh hơn 30 năm “canh giấc ngủ” cho đồng đội

Với mong muốn được chăm sóc các phần mộ của đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, từ năm 1989 đến nay, vợ chồng cựu chiến binh Lê Trọng Tám và Trịnh Thị Hải, phường Hải Ninh (Nghi Sơn) đã tình nguyện là người “canh giấc ngủ” cho đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Nghi Sơn.

Chuyện về vợ chồng cựu chiến binh hơn 30 năm “canh giấc ngủ” cho đồng độiTrước khi thắp hương, chăm sóc phần mộ cho đồng đội, ông Tám - bà Hải kính cẩn dâng hương Tượng đài liệt sĩ.

Đến Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Nghi Sơn bất cứ khi nào, đều có thể bắt gặp hình ảnh vợ chồng cựu chiến binh già cần mẫn, cặm cụi hương khói, quét dọn và chăm lo cho từng phần mộ của đồng đội đang yên nghỉ tại nghĩa trang này. Hơn 30 năm gắn bó với nghề quản trang, cả 2 vợ chồng ông Lê Trọng Tám và bà Trịnh Thị Hải đã thuộc lòng tên từng phần mộ liệt sĩ, quê quán, ở vị trí hàng nào, lối nào.

Chuyện về vợ chồng cựu chiến binh hơn 30 năm “canh giấc ngủ” cho đồng độiNgày rằm, đầu tháng, 2 ông bà lại đến thắp hương cho các phần mộ liệt sĩ.

Ông Tám cho biết: “Tôi nhập ngũ cuối năm 1967, đến năm 1975 xuất ngũ, rồi chuyển sang làm cho một công ty xây dựng kiến trúc ở Đà Nẵng. Tại đây, tôi đã gặp cô Hải vợ của tôi bây giờ – từng là thanh niên xung phong ở mặt trận Quảng Bình. Suốt 8 năm trong quân ngũ, tôi phục vụ ở các chiến trường Quảng Trị, Đà Nẵng... Có những trận đánh, đồng đội tôi hy sinh gần hết. Dù hiện tại tôi đang là nạn nhân chất độc da cam mất 61% sức khỏe, ốm đau liên miên và cuộc sống gia đình cũng không dư dả nhưng vợ chồng tôi luôn cảm thấy may mắn so với những đồng đội đang nằm ở nơi đây. Vì vậy, khi nghỉ chế độ, cả gia đình từ Đà Nẵng về quê và chúng tôi tình nguyện gắn bó với công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Nghi Sơn từ năm 1989 đến nay”.

Chuyện về vợ chồng cựu chiến binh hơn 30 năm “canh giấc ngủ” cho đồng đội

Ông Tám, bà Hải còn giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các cháu nội của mình

Được biết Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Nghi Sơn là nơi yên nghỉ của 692 phần mộ liệt sĩ, trong đó có cả những liệt sĩ khuyết danh. Để giữ yên “giấc ngủ” cho các Anh hùng liệt sĩ, hàng ngày ông Tám, bà Hải luôn cẩn thận, chăm sóc, bảo vệ từng phần mộ, quét dọn nghĩa trang luôn sạch sẽ, tưới nước cho hoa, cây xanh trong khuôn viên; tiếp đón, hướng dẫn các đoàn khách, thân nhân liệt sĩ khi họ đến đây thăm viếng... Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, không kể nắng mưa, cả hai ông, bà đều cần mẫn, tận tụy với công việc của mình.

Nói về mức trợ cấp của người quản trang, ông bà cho biết: Thời gian đầu, mức trợ cấp chỉ là động viên, không đủ để trang trải cuộc sống sinh hoạt cho gia đình có 4 khẩu (2 vợ chồng và 2 con). Vì vậy, để đảm bảo cuộc sống cũng như có thêm thu nhập nuôi 2 con ăn học nên người, hai ông bà đã nhận thêm ruộng cấy lúa, tích cực chăn nuôi gà, lợn để tăng gia sản xuất. Rồi bà Hải cho hay: Nhờ có các liệt sĩ phù hộ mà 2 đứa con học giỏi chăm ngoan, việc làm nông cũng như chăn nuôi của gia đình luôn “thuận buồm xuôi gió”. Từ khi các con đỗ đại học, ra trường có việc làm và thu nhập ổn định, hai ông bà không làm ruộng, chăn nuôi nữa nên chuyển ra ở hẳn tại khu nghĩa trang, giúp việc chăm sóc mộ phần cũng như đón tiếp thân nhân liệt sĩ và các đoàn công tác khi đến dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang vào dịp lễ, tết và các ngày trọng đại của đất nước. Hiện tại, hai ông bà đang được hưởng mức trợ cấp quản trang là 3 triệu đồng/người/tháng.

Chuyện về vợ chồng cựu chiến binh hơn 30 năm “canh giấc ngủ” cho đồng độiHai ông bà cùng nhau rảo bước về nhà khi đã làm xong việc nghĩa

Chia tay ông Tám, bà Hải – những người cựu chiến binh già hơn 30 năm gắn bó với nghĩa trang để chăm sóc phần mộ cho đồng đội. Dù tuổi đã cao nhưng ông bà luôn hết lòng vì công việc thầm lặng mà cao cả này, dành trọn nghĩa tình cho các liệt sĩ đã ngã xuống. Ông bà thực sự là tấm gương để người dân và thế hệ trẻ noi theo, góp phần thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Bài và ảnh: Minh Lý


Bài và ảnh: Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]