(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu tạo việc làm ổn định cho người dân, huyện Thiệu Hóa đã và đang chú trọng triển khai công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề dần đi vào thực chất, từng bước nâng cao chất lượng lao động, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

Với mục tiêu tạo việc làm ổn định cho người dân, huyện Thiệu Hóa đã và đang chú trọng triển khai công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề dần đi vào thực chất, từng bước nâng cao chất lượng lao động, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệpLao động học nghề và làm việc tại xưởng sản xuất lông mi giả trên địa bàn xã Thiệu Thành.

Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thiệu Hóa Lê Duy Quang cho biết: Huyện hiện có 348 doanh nghiệp được thành lập và hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động. Một số doanh nghiệp thu hút nhiều lao động như Công ty TNHH may Thiệu Đô; Công ty TNHH may Vạn Hà, doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng... Một số doanh nghiệp mới thành lập, nhưng phù hợp với thị trường nên đã tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp họ nâng cao thu nhập. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 78%; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 75%.

Để có được kết quả trên, hằng năm huyện đã bám sát kế hoạch của tỉnh về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đồng thời xây dựng và ban hành kế hoạch về công tác đào tạo nghề cũng như công tác xuất khẩu lao động, tạo việc làm cho người dân; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, các xã, thị trấn khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Từ đó, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế. Trong 9 tháng năm 2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 11 lớp dạy nghề cho 312 lao động. Các doanh nghiệp tổ chức nâng cao tay nghề, dạy nghề cho 420 lượt lao động.

Để nắm bắt nhu cầu, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và doanh nghiệp thường xuyên tư vấn, giới thiệu việc làm; tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân.

Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương đưa tiêu chí tạo việc làm mới cho người dân và xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động triển khai các chương trình, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích người dân chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất. Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tiêu biểu như xã Thiệu Thành có khoảng 3.400 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 2.000 người có việc làm ổn định. Để tạo việc làm cho người dân nông thôn, xã đã khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn, khảo sát nhu cầu việc làm của người dân. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp, xưởng sản xuất trên địa bàn để tư vấn, đào tạo nghề... nhờ đó nhiều lao động đã có việc làm ngay sau khi học nghề.

Chủ tịch UBND xã Thiệu Thành Thân Văn Dũng cho biết: Trên địa bàn xã có 6 xưởng sản xuất lông mi giả hoạt động hiệu quả, công việc phù hợp với nhiều chị em phụ nữ, do đó xã phối hợp với các xưởng sản xuất vận động người dân học nghề để tham gia làm việc tại xưởng. Nhờ đó, các xưởng sản xuất lông mi giả đã tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương, với thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, xã cũng khuyến khích người dân tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với xu hướng phát triển và đặc điểm của địa phương.

Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với doanh nghiệp tạo việc làm cho người lao động ngay tại địa phương, huyện đã phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa tư vấn giới thiệu lao động đi xuất khẩu nước ngoài. Trong 9 tháng năm 2023, toàn huyện đưa được 238 lao động đi làm việc ở các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Nhờ phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong 9 tháng năm 2023 toàn huyện đã tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho hơn 2.000 lao động, với thu nhập trung bình từ 4 triệu đồng/lao động/tháng trở lên. Nhiều lao động có thu nhập cao ở mức trên 10 triệu đồng/tháng.

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Thiệu Hóa tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường và các doanh nghiệp; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, trong đó đẩy mạnh kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động với các doanh nghiệp. Cùng với đó, khuyến khích các địa phương, người dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với địa phương; đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền định hướng về xuất khẩu lao động...

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]