(vhds.baothanhhoa.vn) - Dù chỉ cách trung tâm xã Phú Xuân (Quan Hóa) chừng hơn 8 km, nhưng mỗi khi mùa mưa bão về, con đường vào bản Giá trở nên xa xôi, cách trở do nhiều điểm bị đất, đá trên đồi núi tràn xuống mặt đường gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông, cuộc sống của bà con nơi đây cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Gian nan đường vào bản Giá

Dù chỉ cách trung tâm xã Phú Xuân (Quan Hóa) chừng hơn 8 km, nhưng mỗi khi mùa mưa bão về, con đường vào bản Giá trở nên xa xôi, cách trở do nhiều điểm bị đất, đá trên đồi núi tràn xuống mặt đường gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông, cuộc sống của bà con nơi đây cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Gian nan đường vào bản GiáMột góc bản Giá.

Phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được bản Giá - một trong 4 bản đặc biệt khó khăn của xã Phú Xuân. Con đường độc đạo nối từ Quốc lộ 15 vào trung tâm bản với những khúc cua ngoằn ngoèo, một bên núi dựng đứng phía còn lại là vực sâu rất nguy hiểm. Tiếp chúng tôi, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Hà Văn Toán cho biết, trước kia cung đường này là đất, đá gồ ghề, qua nhiều đập tràn, khe suối. Từ Quốc lộ 15 đi sâu chừng vài trăm mét, ngay đầu bản có con sông Mã ngăn cách "án ngữ” đường đi vào, bà con muốn sang bên đường lớn chỉ còn cách đi bằng thuyền bè, rồi xuồng máy qua sông, vào mùa nước lũ rất nguy hiểm nên ít người qua lại. Từ ngày dự án thủy điện Hồi Xuân khởi công, xây dựng một chiếc cầu sắt bắc qua phục vụ công trình, cộng thêm đường giao thông đầu tư cứng hóa giúp các hộ dân trong bản có thêm động lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Bản hiện có 171 hộ với trên 800 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái, Mường, những năm qua, chính quyền địa phương thường xuyên vận động, tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tập trung phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động, buôn bán lâm sản... cuộc sống cũng dần khấm khá hơn trước. Khổ nỗi, cứ mỗi dịp mưa bão, cả bản gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, học sinh phải nghỉ học do một số đoạn đường đất, đá trên núi sạt lở.

Năm nay gia đình anh Cao Văn Uôn (dân tộc Thái) trồng được 4 ha luồng, ngoài ra còn trồng thêm lúa, nuôi ít ngan, gà. Từ ngày có cầu, đường giao thông thông suốt, nhiều xe tải vừa và nhỏ có thể vào tận nhà thu mua keo, luồng, nhờ đó gia đình có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống cũng bớt vất vả. Tuy nhiên, bà con trong bản mỗi lần xem dự báo thời tiết có mưa lớn lại thấp thỏm lo âu, đêm không ngủ được vì nỗi lo đất, đá sạt lở, gây ách tắc đường giao thông, nông sản muốn chở ra bán ở trung tâm xã cũng rất khó. Hơn nữa, vẫn còn một số hộ dân do sinh sống tại khu vực khe suối xen kẽ đồi núi, mùa mưa có nguy cơ xảy ra lũ ống, sạt lở, gây hoang mang, lo lắng, đời sống gặp nhiều khó khăn...

Gian nan đường vào bản GiáVào mùa mưa bão, con đường vào bản Giá, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa trở nên gian nan, vất vả do nhiều điểm đất, đá trên núi tràn xuống, gây sạt lở (ảnh chụp ngày 8/11/2023).

Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, đường giao thông không thuận lợi mỗi khi mưa bão về khiến đôi chân của những giáo viên “gieo chữ” ở bản Giá có đôi lần “chùn bước”. Chia sẻ về những khó khăn gặp phải, thầy giáo Lữ Văn Thuyết, giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân (xã Phú Xuân) tâm sự, gần chục năm về trước, bản Giá còn nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào rừng và gần như bị chia cắt với cuộc sống bên ngoài, thời đó để vào được bản cũng thật lắm gian nan, thử thách vì đường sá chủ yếu là đất, đá lởm chởm, gặp hôm trời mưa chỉ còn cách duy nhất là bỏ xe lại và đi bộ. Ngày đường vào bản được xây dựng, bà con rất phấn khởi, thầy cô giáo mừng vui. Tuy nhiên, ngày mưa thì không nói hết sự vất vả do cung đường rừng trơn trượt vô cùng khó khăn. Đặc biệt, khi một số đoạn tuyến không may sạt lở, nhiều giáo viên đã phải ở lại cả tuần trên điểm trường cho an toàn.

"Bản Giá là một trong 4 bản đặc biệt khó khăn của địa phương. Thời gian qua được sự quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể bà con được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, tập huấn các lớp đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như: luồng, keo... Các chương trình đã giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân. Tuy nhiên, con đường nối liền từ bản ra trung tâm xã, chỉ cần sau cơn mưa lớn là bị ách tắc, sạt lở gây khó khăn cho người và các phương tiện di chuyển. Vào vụ thu hoạch, để vận chuyển sản phẩm hàng hóa ra ngoài tiêu thụ là một trong những việc khó đối với bà con. Trước tình hình đó, hàng năm xã đã trích một phần ngân sách, vận động các hộ dân đóng góp kinh phí thuê máy múc để thông đường cho bà con đi lại", ông Cao Hồng Được, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, thông tin.

Gian nan đường vào bản GiáĐiểm trường lẻ bản Giá.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quan Hóa, ngày 26/5/2020 Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt dự án nâng cấp đường giao thông bản Giá, xã Thanh Xuân (nay là xã Phú Xuân), với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng. Tháng 3/2022, dự án được hoàn thành, đi vào sử dụng góp phần giúp người dân địa phương và các vùng lân cận di chuyển, thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do tuyến đường địa chất phức tạp, cộng thêm ảnh hưởng của mưa bão nên thường xảy ra hiện tượng sạt lở tại nhiều điểm, ảnh hưởng đến tuổi thọ, chất lượng công trình. Để đảm bảo công trình khi đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, UBND huyện Quan Hóa đã có tờ trình đề nghị các sở, ban, ngành chuyên môn tham mưu UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn để xử lý, khắc phục những điểm sạt lở nêu trên...

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]