(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhận được yêu cầu khẩn từ bệnh viện, anh Nguyễn Sỹ Đức dừng lại ngay công việc đang làm, tức tốc đến viện để hiến những “giọt vàng” tiểu cầu cứu bệnh nhân.

“Giọt vàng” tiểu cầu

Nhận được yêu cầu khẩn từ bệnh viện, anh Nguyễn Sỹ Đức dừng lại ngay công việc đang làm, tức tốc đến viện để hiến những “giọt vàng” tiểu cầu cứu bệnh nhân.

“Giọt vàng” tiểu cầuCác cá nhân hiến máu tiêu biểu được tôn vinh năm 2022.

Là lái xe taxi, đây là lần thứ “n” anh Đức phải nói lời xin lỗi, xin khách hàng thông cảm, bắt xe khác cho khách, còn mình vội vàng đến bệnh viện để hiến tiểu cầu. Việc hiến tiểu cầu phức tạp và mất thời gian hơn nhiều so với hiến máu. Bởi từ việc xét nghiệm, hiến tiểu cầu và nghỉ ngơi phải đảm bảo quy trình vì rất dễ bị sốc. Vì vậy, buổi làm việc hôm nay và rất nhiều lần làm việc trước đó anh Đức đều phải bỏ dở.

Việc hiến máu, nhất là hiến tiểu cầu ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, thu nhập gia đình. Tuy nhiên, điều đó không làm anh Đức bận tâm. Với anh “sống trên đời cần có một tấm lòng”, nên anh mới trở thành thành viên của “ngân hàng máu sống”. Anh tâm sự: “Nhiều lần vào bệnh viện nhìn thấy cảnh bệnh nhân vật vã nằm chờ máu, nhiều gia đình bệnh nhân nghèo không đủ tiền để mua máu… tôi biết máu hay tiểu cầu là nguồn sống rất đặc biệt. Không có máy móc hiện đại nào điều chế ra máu, chỉ có bản thân con người mới sản xuất được chế phẩm kỳ diệu ấy… Mình nên và phải cho những người cần”. Anh Đức không nhớ chính xác, chỉ áng suốt 16 năm qua anh có khoảng 40 lần hiến máu. Trong đó tại các đơn vị có cấp giấy chứng nhận như Hành trình đỏ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh… khoảng 20 lần. Ngoài ra, với những người là “ngân hàng máu sống” như anh thì việc vội vã vào viện hiến tiểu cầu cấp cứu là thường xuyên và… không có chứng nhận, thống kê. “Thực chất tôi không quan tâm đến được ghi nhận, đền đáp, mục đích của tôi là làm sao cứu được nhiều người nhất”.

Hiện, anh Đức là chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hiến máu nhân đạo Giọt hồng xứ Thanh, là người cho đi “giọt vàng” nhiều nhất trong hơn 3.000 tình nguyện viên của CLB.

Đặc biệt, trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, anh Đức vận động, tổ chức được 3 lần hiến máu quy mô với khoảng trên 50 người tham dự và đều đặn hàng tháng cùng các thành viên CLB hiến máu tình nguyện tại bệnh viện.

Cùng có “một tấm lòng” như anh Đức, anh Nguyễn Khắc Công, thành viên CLB Tuyeen truyền vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thanh Hoá đã có khoảng 50 lần hiến máu toàn phần và tiểu cầu. Bắt đầu từ năm 18 tuổi, năm nay 26 tuổi, như vậy trung bình mỗi năm anh hiến máu 6 lần. Con số ấy khiến chúng ta yêu mến và nể phục về tinh thần của chàng trai trẻ.

Anh Công nhớ lại: “Lần đầu tiên tình nguyện hiến máu nhưng vì sức khỏe yếu, tôi đã không thể hiến. Sau lần đó, tôi duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, đồng thời chơi thể thao để nâng cao sức khỏe. Trước khi đi hiến máu, tôi thường cân đối chế độ ăn, không ăn quá nhiều chất đạm và hạn chế rượu, bia. Dù làm việc tại hiệu thuốc nhưng tôi luôn chủ động sắp xếp thời gian để tham gia hiến máu tình nguyện và tiểu cầu”.

“Giọt vàng” tiểu cầuAnh Nguyễn Sỹ Đức (trái) và anh Nguyễn Đức Hạnh, thành viên CLB hiến máu nhân đạo Giọt hồng xứ Thanh.

Sau ba lần hiến máu, Công được tư vấn hiến tiểu cầu. Khi đó ở bệnh viện, nhu cầu về tiểu cầu cao, nhưng ít người biết đến. Thời gian hiến máu toàn phần phải cách nhau khoảng 3 tháng, còn hiến tiểu cầu thì sau 21 ngày là có thể hiến tiếp, cho nên Công tham gia… cả hai hình thức. Công chia sẻ: “Những lần đến bệnh viện hiến máu, hiến tiểu cầu, tôi bắt gặp rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. Có những bệnh nhân tuổi còn rất nhỏ đã phải chịu sự hành hạ đau đớn bởi căn bệnh ung thư quái ác… Các em cần máu để duy trì sự sống mỗi ngày. Vì thế tôi muốn được giúp đỡ người bệnh, muốn lan tỏa việc hiến máu và tham gia các hoạt động tình nguyện đến cộng đồng”.

Trong hai năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Công đều đặn cùng các thành viên của CLB tham gia việc hiến máu. Công hiểu, dịch bệnh gây khó khăn, lượng máu dự trữ cạn dần trong khi rất nhiều người bệnh cần đến máu, anh chỉ tạm ngừng đến bệnh viện hiến máu khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Không những tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, anh Đức, Công còn tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè cùng tham gia hiến máu và tiểu cầu. Như anh Đức đã nhiều lần vận động hội những người lái xe taxi “bạn hữu xa gần” tham gia cùng hiến máu. Anh Nguyễn Đức Hạnh (51 tuổi), lái xe taxi, thành viên CLB hiến máu nhân đạo Giọt hồng xứ Thanh đã có 10 lần hiến máu toàn phần. Anh chia sẻ: “Với mình lượng máu có thể hồi sinh, còn với người bệnh đó là sự sống. Tôi nghĩ đây là cách làm từ thiện đơn giản, minh bạch, phù hợp nhất”. Không những thế, từ ngày hiến máu tình nguyện anh Hạnh cũng hình thành thói quen giữ gìn sức khỏe tốt, như hạn chế rượu, bia, chất kích thích, có thói quen ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý… để có một cơ thể khỏe mạnh cùng lượng máu “khỏe” dành tặng người khác.

Theo các bác sĩ Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì “giọt vàng” tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt, được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3 - 5 ngày).

Với những người mắc bệnh suy giảm tiểu cầu như ung thư máu, ung thư khác di căn đến tủy xương, sốt xuất huyết… thì cần phải được truyền tiểu cầu gấp để không nguy hiểm đến tính mạng. Còn những người hiến tiểu cầu thường xuyên chính là những người đem đến những chế phẩm máu an toàn nhất, chất lượng nhất cho người bệnh.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]