(vhds.baothanhhoa.vn) - “Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại”, câu nói là phương châm, là lẽ sống của nhiều người khi quyết định hiến dâng một phần cơ thể của mình cho y học sau khi qua đời. Từ nghĩa cử cao đẹp ấy, nhiều cuộc đời tưởng chừng tắt hy vọng sống đã được hồi sinh.

Hồi sinh

“Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại”, câu nói là phương châm, là lẽ sống của nhiều người khi quyết định hiến dâng một phần cơ thể của mình cho y học sau khi qua đời. Từ nghĩa cử cao đẹp ấy, nhiều cuộc đời tưởng chừng tắt hy vọng sống đã được hồi sinh.

Hồi sinh

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chúc mừng anh Hoàng Văn Nhất ra viện.

“Hồi sinh” là câu nói Hoàng Văn Nhất, sinh năm 1988, ở Trịnh Thôn, xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) khẳng định sau khi thực hiện ca ghép thận vào cuối năm 2019 từ người cho chết não. Gần 15 năm sống chung với cơ thể yếu đuối, nhiều bệnh tật, không thể làm việc nặng, nay một quả thận mới khỏe mạnh thay thế hai quả thận suy nặng, mang lại luồng sinh khí mới. Và cơ thể Nhất đã được hồi sinh.

Nhất bị suy thận bẩm sinh, sức khỏe yếu từ nhỏ, ước mơ trở thành người lính Cụ Hồ cũng theo đó tan biến. Mong ước cho con có được sức khỏe như người bình thường, ngay khi Nhất tốt nghiệp THPT, mẹ anh là Lê Thị Châu đã đưa anh ra Hà Nội chữa trị. Người mẹ đơn thân đã 65 tuổi cùng người con bệnh tật, nỗi vất vả và sự khó khăn có lẽ chẳng cần phải kể thì ai cũng tưởng tượng được. Ròng rã 8 năm trời xa quê bám trụ ở Hà Nội, Nhất và mẹ đã trải qua không biết bao nhiêu công việc để có tiền chữa bệnh. Song, dù được sử dụng nhiều phương pháp y khoa hiện đại nhưng bệnh tình của Nhất không giảm mà ngày càng nặng. Anh phải lọc máu, từ 1 lần/tuần, đến 2 lần/tuần, rồi 3 lần/tuần. Hai mẹ con quyết định về quê chữa trị và chờ đợi vào một phép màu.

Thương con, bà Châu muốn hiến tặng con 1 quả thận, nhưng không được do bà có nhiều bệnh nền trong đó có bệnh lý về thận. Không còn cách nào khác, Nhất và mẹ chỉ mong chờ vào nguồn tạng hiến. Nhìn bảng danh sách dài dằng dặc của bệnh nhân chờ ghép, hai mẹ con vẫn thầm cầu nguyện rằng sẽ đến lượt mình.

Sau 2 năm chờ đợi, phép màu thực sự đã đến. Gia đình một bệnh nhân chết não đã đồng ý hiến tạng, trong đó có 1 quả thận được Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phân phối ghép tại Thanh Hóa. Có 4 bệnh nhân được chọn để ghép trong đó có Nhất. Bởi anh có các chỉ số phù hợp nhất với quả thận khỏe mạnh chuẩn bị được ghép. “Quá bất ngờ và vui sướng. Tôi và con chỉ biết khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc không ngừng lăn dài trên má. Con tôi có cơ hội sống khỏe mạnh rồi”, nhớ lại khoảnh khắc lúc đó, bà Châu vẫn rưng rưng xúc động.

Theo Nhất chia sẻ thì cuộc sống của những bệnh nhân suy thận nặng, phải lọc máu 3 lần/tuần thực sự “lay lắt”, khi bản thân không thể làm chủ được cuộc sống, phải sống nhờ vào máy móc, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Còn trai trẻ nhưng không làm được gì, ngược lại còn trở thành gánh nặng cho mẹ. “Mỗi lần nhìn thấy mẹ ốm đau mà vẫn gắng sức đưa tôi đi viện, chắt chiu từng đồng có được để mua thuốc cho tôi, cảm giác bất lực, xấu hổ ngập tràn trong tâm hồn”. Vì vậy, khi biết mình được ghép tạng, Nhất biết mình sẽ có cuộc sống như bao người bình thường khác.

Đến nay, sau gần 2 năm ghép tạng, cuộc sống của hai mẹ con đã không còn kim tiêm, không chọc ven, không lọc máu, bầu không khí nặng nề trong nhà cũng tiêu tan mà thay vào đó là tiếng cười, niềm hạnh phúc. Tuy không thể thực hiện được ước mơ, nhưng Nhất hiện tại đã có sức khỏe, làm được những công việc mà trước đây anh không thể, trở thành trụ cột của gia đình và điều mong mỏi lớn nhất của Nhất là báo hiếu mẹ già. “Gia đình tuy vẫn còn nhiều lo toan, nhưng mẹ không phải một mình kiếm tiền mà bên cạnh còn có tôi”, Nhất vui vẻ nói.

Hồi sinh

Hai mẹ con anh Hoàng Văn Nhất hạnh phúc khi được trở lại cuộc sống bình thường.

Hoàng Văn Nhất là trường hợp ghép tạng thành công đầu tiên từ người hiến chết não do Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện. Sau anh, nhiều người cũng đã có cơ hội hồi sinh. Nguyễn Như Phú (xã Cát Sơn, thị xã Nghi Sơn) là bệnh nhân may mắn của ca ghép thận thành công thứ 2 từ người cho chết não tại Thanh Hóa.

Từng là người đàn ông có sự nghiệp thành công khi là chủ thầu xây dựng, tạo việc làm cho khoảng 60 nhân công, với mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng, là trụ cột kinh tế chính của gia đình, nhưng khi được chẩn đoán suy thận, anh Phú hoàn toàn suy sụp. Dù cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không đỡ, cuối cùng anh vẫn phải lọc máu 3 lần/tuần. “Đau đớn do bệnh tật là một phần nhưng đau hơn khi nhìn sự nghiệp mấy chục năm của mình cứ thế tan biến đi do không có người quản lý. Cảm giác bất lực khiến tôi khó chịu hơn gấp bội lần. Tôi vừa đau về thể xác lẫn đau cả về tinh thần”, anh Phú cho biết. Từ một người “tung hoành” khắp nơi đến nay phải “bó chân” trong viện, cảm giác hụt hẫng khiến anh Phú nhiều lần nghĩ đến cái chết. Được sự động viên của gia đình, gặp gỡ và chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ, anh Phú lấy lại niềm tin với cuộc sống và hy vọng mình là người may mắn trong số những người chờ ghép tạng.

May mắn đã gọi tên anh khi Thanh Hóa lần thứ 2 có ca hiến tạng từ người cho chết não, trong số các bệnh nhân anh là người phù hợp nhất. Tuy nhiên, sau 8 tháng ổn định, anh gặp phải hiện tượng đào thải sau ghép, quả thận mới không nhận được sự “chấp nhận” của cơ thể. Nhưng lần này anh Phú đã không còn suy sụp như trước, hy vọng ở lần đầu đã tiếp cho anh niềm tin có được cơ hội nữa.

Anh Phú chia sẻ: “Tôi biết ơn món quà vô giá của người hiến, thân nhân của họ dũng cảm làm những việc mà không phải gia đình nào cũng dám hy sinh. Sự dũng cảm của họ giúp những người bệnh như tôi có thêm niềm tin với cuộc sống, hy vọng có thêm những cơ hội để chúng tôi được sống khỏe, sống có ích”.

Quả thật, sự dũng cảm của thân nhân những người chết não đã giúp bệnh nhân suy tạng mà ở đây là những bệnh nhân suy thận được trở về đúng nghĩa cuộc sống.

Bài và ảnh: Vân Anh


Bài và ảnh: Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]