(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi Tổ quốc cần, lớp lớp những thế hệ người Việt đã sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của non sông. Đất nước thanh bình, rời chiến trận khói lửa trở về với đời thường bình lặng, những người lính Cụ Hồ không ngừng vươn lên trong cuộc sống, xây dựng kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương... Và luôn giữ gìn tình cảm đồng đội một thuở “sinh tử” cùng nhau.

Khi người lính trở về

Khi Tổ quốc cần, lớp lớp những thế hệ người Việt đã sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của non sông. Đất nước thanh bình, rời chiến trận khói lửa trở về với đời thường bình lặng, những người lính Cụ Hồ không ngừng vươn lên trong cuộc sống, xây dựng kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương... Và luôn giữ gìn tình cảm đồng đội một thuở “sinh tử” cùng nhau.

Khi người lính trở vềSau nửa thế kỷ, CCB Nguyễn Ngọc Vớn (ngoài cùng bên phải) và những đồng đội tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị vẫn giữ mối liên hệ với nhau thường xuyên.

Bố tôi là một người lính. Trong ký ức thuở ấu thơ của mình, tôi vẫn luôn nhớ những câu chuyện bố tôi kể về những ngày ông ở chiến trường. Bố tôi đi bộ đội và trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Hơn 40 năm trước, gác lại công việc và những dự định, bố tôi cùng những người bạn đồng trang lứa lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian chiến đấu, bố tôi bị thương nên được đưa về một bệnh viện ở Sài Gòn để điều trị. Gần một năm sau đó ông xuất ngũ.

Chiến trường khói lửa vốn tàn khốc, nhưng bố tôi ít khi kể về điều đó. Ông thường bảo, người lính ra chiến trận chỉ có một mục tiêu duy nhất, dù phải hy sinh cũng phải bảo vệ non sông gấm vóc của tiên tổ. Ngược lại, ông thường nhắc đến những đồng đội và cả người thủ trưởng vô cùng trân quý. Là chú Long - người đồng đội cùng đơn vị đã dìu bố tôi đi hàng cây số đường rừng sau khi ông bị thương mà không một lời thở than. Còn cả người thủ trưởng tên là Quý mà bố tôi chỉ nhớ ông quê ở Quảng Nam. Ông thường nhắc: “Toàn bộ giấy tờ và cả giám định thương tật của bố đều do thủ trưởng Quý đã lần theo địa chỉ khi nhập ngũ của bố gửi ra ngoài này. Nhờ vậy mà bố mới được hưởng các chính sách dành cho người có công, các con đi học cũng được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ”. Và rồi sau hơn 40 năm, bố tôi vẫn không thôi hy vọng, một ngày có thể tìm được chính xác địa chỉ của “thủ trưởng Quý” để đến thăm và nói lời cảm ơn.

Bố tôi còn có những đồng đội một thuở “vào sinh ra tử” cùng nhau. Khi trở về đời thường mỗi người một công việc mưu sinh. Người mở cửa hàng bán thuốc; người từ xưởng cơ khí nhỏ giờ đã thành ông chủ một doanh nghiệp lớn... Còn bố tôi trở về với những đục, chạm, làm ông thợ mộc tại nhà, rồi thêm dăm sào ruộng, cùng vợ nuôi các con khôn lớn... Những người lính ra khỏi chiến trận, bận rộn với cuộc sống mưu sinh vốn không có nhiều thời gian dành cho nhau. Vậy nhưng nhiều năm trôi qua, bố tôi và những người đồng đội của ông vẫn không quên lời hẹn, mỗi năm gặp nhau một lần, vào ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Khi người lính trở vềNhững người lính thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện của những người lính chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mà tôi có dịp gặp cách đây không lâu. Lần đó, tôi có hẹn với cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Vớn ở xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Nhưng khi ghé thăm, tôi bất ngờ được gặp những đồng đội của ông. Họ từng cùng nhau chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong những ngày khói lửa ác liệt. Và sau hơn nửa thế kỷ, họ vẫn thương nhớ, dành cho nhau tình cảm quý mến.

Tôi vẫn nhớ chia sẻ của CCB Nguyễn Ngọc Vớn: “Đó là cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc, người lính vào chiến trường đều một mục tiêu như nhau, vậy nên dù có ở vị trí nào, cấp bậc lớn, nhỏ ra sao thì cũng rất khó để nói ai đóng góp nhiều hơn, công lao lớn hơn. Hôm nay, chúng ta hãy chỉ kể câu chuyện của người lính chiến trận mà thôi”. Rồi quay sang tôi, ông nói: “Đây là những người lính đã từng vào sinh ra tử với tôi, chúng tôi là đồng đội”. Hai tiếng “đồng đội” được người CCB nhắc đến thật tự nhiên mà vô cùng trân quý.

Nhắc đến hai tiếng “đồng đội”, tôi lại nhớ đến hình ảnh người CCB mà mình gặp ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng cách đây chỉ vài tháng vào ngày 27/7. Trong dòng người viếng thăm nghĩa trang ngày hôm đó, tôi bắt gặp một người đàn ông vẻ ngoài mộc mạc ngồi trước một bia mộ khá lâu. Người đàn ông ấy cẩn thận rót chén rượu, rồi châm một điếu thuốc lên chân nhang, thì thầm điều gì đó... Hỏi ra mới biết, ông đang thắp hương cho người đồng đội đã hy sinh của mình. Người đàn ông ấy kể: “Tôi và anh ấy là người cùng làng, thân nhau như anh em ruột và tham gia nhập ngũ một đợt, cùng đơn vị. Anh ấy không may hy sinh nơi chiến trường. Từ khi biết anh ấy được đưa về an nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, năm nào tôi cũng ghé thăm, để châm cho bạn điếu thuốc, rót cho bạn chén rượu, kể cho bạn tôi nghe về cuộc sống của mình...”.

Nghe chia sẻ của người đàn ông tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, khóe mắt tôi rưng rưng. Không phải bởi những khói hương nghi ngút trong ngày lễ đặc biệt, mà vì tình cảm “thiêng liêng” mà những người đồng đội đã dành cho nhau...

Để giành và giữ cho tròn vẹn độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, có biết bao máu xương của cha ông đã “thấm sâu” vào lòng đất mẹ. Rồi những chàng trai, cô gái không tiếc tuổi thanh xuân lao vào chiến trường khói lửa, hiểm nguy... Trong đó, chỉ riêng Thanh Hóa, đã có gần 56.000 liệt sĩ; trên 43.000 thương binh; gần 16.000 bệnh binh.

Trở về đời thường, với bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, những người lính lại không ngừng vươn lên làm kinh tế, xây dựng cuộc sống và giúp nhau thoát nghèo. Theo thống kê, Hội CCB tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 208.000 hội viên. Có 831 doanh nghiệp do hội viên hội CCB làm chủ, tạo việc làm cho trên 21.000 lao động. Bên cạnh còn có 192 HTX; 335 tổ hợp tác; 1.350 trang trại cũng do các CCB thành lập và làm chủ. Ông Phạm Văn Thân, Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào, Hội CCB tỉnh cho biết: “Cùng với làm kinh tế, các hội viên hội CCB còn quan tâm, hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, hoạt động hỗ trợ làm nhà nghĩa tình CCB có ý nghĩa thiết thực. Từ nguồn quỹ đóng góp, năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 103 hội viên hội CCB được hỗ trợ xây nhà với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng và gần 5.000 ngày công”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]