(vhds.baothanhhoa.vn) - Ông bà xưa thường nói: "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng (Tết nguyên tiêu hay Tết thượng nguyên). Ý nói, ngày Rằm tháng Giêng rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt nói chung và người dân miền biển nói riêng. Vào ngày này họ thường đi chùa lễ Phật, cầu mong an lành cho bản thân và gia đình. Việc cúng Rằm tại nhà và nhà thờ họ cũng hết sức được chú trọng.

Lễ tế tổ Rằm tháng Giêng ở miền biển

Ông bà xưa thường nói: "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng (Tết nguyên tiêu hay Tết thượng nguyên). Ý nói, ngày Rằm tháng Giêng rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt nói chung và người dân miền biển nói riêng. Vào ngày này họ thường đi chùa lễ Phật, cầu mong an lành cho bản thân và gia đình. Việc cúng Rằm tại nhà và nhà thờ họ cũng hết sức được chú trọng.

Lễ tế tổ Rằm tháng Giêng ở miền biển

Lễ tế tổ Rằm tháng Giêng của dòng họ Hoàng Đức, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.

Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt, chính vì thế dòng họ nào, chi tộc nào cũng xây dựng nhà thờ làm nơi để cho con cháu tưởng nhớ, tri ân tổ tiên. Vào ngày Rằm tháng Giêng các dòng họ miền biển lại tổ chức nghi thức tế tổ. Không chỉ người ở gần mà hầu hết con cháu trong dòng họ trên mọi miền đất nước đều ghi nhớ truyền thống này, trở về nhà thờ họ để thắp hương, bày cỗ dâng lên tổ tiên. Ngoài ra, đây còn là dịp để cầu yên đầu năm, mong cho quốc thái dân an, gia đình, dòng họ đắc yên, đắc tài, đắc phúc lộc.

Sở dĩ, người dân làng biển chọn ngày Rằm tháng Giêng để tổ chức nghi thức tế tổ bởi đầu xuân, ánh trăng rằm sáng tỏ làng quê, là dịp tốt để con người ta hoài niệm vẻ đẹp văn hóa truyền thống của nơi mình sinh ra. Ngoài ra, người xưa cũng có nhiều cách lý giải về lễ Rằm tháng Giêng. Theo đó, những gia đình khá giả tiếp tục ăn tết và chơi đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày Rằm tháng Giêng mới lên đường; Tết muộn cho những người thân đi làm ăn xa do tính chất công việc không kịp về quê ăn tết nguyên đán; những người không may đau yếu vào đúng dịp tết, sau tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp tết nguyên đán được ăn tết “bù”... Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, Rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày tết mguyên đán.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, chia sẻ: “Tế tổ đầu năm là một truyền thống tốt đẹp, ăn sâu vào tâm khảm và trí óc của mỗi người. Nó thể hiện lòng nhớ ơn sinh thành của các cụ tổ tiên, đồng thời nhớ đến dòng họ của mình”.

Lễ tế tổ Rằm tháng Giêng ở miền biển

Với người dân ven biển, Tết nguyên tiêu có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Có lẽ vì vậy mà dù gia đình đã “sinh cơ, lập nghiệp” ở Hà Nội, nhưng năm nào cũng vậy cứ đúng dịp Rằm tháng Giêng là vợ chồng con cái ông Hoàng Biên Cương lại trở về nơi “chôn rau cắt rốn”. Ông Cương cho rằng: “Có thể tết không về quê được nhưng nhất thiết phải về trong Tết nguyên tiêu. Đó cũng là cách thể hiện lòng hiếu kính với tiên tổ”.

Là một dòng họ lớn của huyện Hậu Lộc, dòng họ Hoàng Đức đã duy trì truyền thống tế tổ ngày Rằm tháng Giêng suốt hàng trăm năm nay. Thông thường, mỗi năm, gia tộc sẽ bầu ra một gia đình “đăng cai”, gia đình này có trách nhiệm đi mời anh em trong họ đến nhà mình họp họ và chuẩn bị công tác “hậu cần”, đó là việc tính toán chi phí, phân công các công việc cần thiết cho ngày chính thức tế tổ.

Theo thứ tự phân công trong dòng họ Hoàng Đức, năm nay đến lượt gia đình ông Hoàng Đức Đoàn, thôn Minh Hùng, xã Minh Lộc chuẩn bị cỗ để cúng họ ngày rằm. Mâm cỗ cúng rằm tháng giêng thường không cần cầu kỳ, cũng không nhất thiết phải bài trí công phu, cốt là đầy đủ và sung túc. Tuy nhiên, mâm cúng cơ bản sẽ có một con gà trống nặng từ 1 đến 1,5 kg trở lên, 5 kg xôi, 1 chai rượu nếp và đĩa trầu cau.

Sáng ngày rằm, sau khi cỗ bàn được chuẩn bị xong thì lấy hai mâm cỗ đầy đủ nhất, một mâm cúng ở nhà “đăng cai”, còn một mâm cỗ kia thì phải gánh đến nhà thờ ông tổ họ, thắp hương tại nghĩa trang, mời tổ tiên và các bậc tiền nhân về từ đường. Tối trước, dòng họ lại tổ chức lễ cúng túc yết. Mục đích là cho con cháu trong dòng họ tụ họp trước ngày Rằm tháng giêng, để không khí trong từ đường thêm ấm cúng, tránh tình trạng cúng xong ai về nhà nấy, nhà thờ không có người trông nom. Đến sáng ngày rằm đông đảo con cháu quy tụ tại nhà thờ tổ để thực hiện lễ chính tế. Đến đây, ai ai cũng thắp một nén hương lên ban thờ tổ tiên, cầu chúc cho anh linh những người đã khuất được siêu thoát, phù hộ độ trì cho quê hương, cho con cháu dòng tộc những điều tốt đẹp nhất.

Khi phần lễ cho tổ tiên của mình hoàn tất thì đến phần họp với con cháu trong họ. Đã là họ thì phải có hàng trên hàng dưới, dù trong họ có nhiều ông chú, bà thím cao niên nhưng bao giờ chủ trì cuộc họp vẫn là ông trưởng họ. Họp xong là đến phần tiệc liên hoan, vẫn theo trật tự của từng hàng trong họ để ngồi theo từng mâm, các ông bác, ông bà cao niên thì ngồi mâm trên, các chú ngồi mâm dưới, rồi đến các cháu, chắt… Mỗi người khi về đều được chia một phần “lộc” là miếng thịt, nắm xôi và hoa quả để mang về.

Lễ tế tổ Rằm tháng Giêng ở miền biển

Mầm cỗ cúng Rằm tháng Giêng của một gia đình ven biển.

Ngoài những dòng họ lớn như: Hoàng, Nguyễn, Tăng... nhiều dòng họ khác ở miền biển vẫn còn giữ nếp đi lễ nhà thờ họ dịp đầu năm như một trong những nghi thức quan trọng nhất trong năm. Tuy nhiên vì ít người, con cháu đi làm ăn xa, cách thức tổ chức lại có phần giản đơn.

Ông Tăng Văn Kiềng, Trưởng tộc dòng họ Tăng (xã Hưng Lộc), cho biết: “Vào ngày Rằm tháng Giêng, những thành viên trong họ được phân công thường chỉ lên nhà thờ phụ giúp việc quét dọn hương khói, mua hoa quả... để bày tỏ lòng thành. Còn làm mâm cúng xôi gà, ăn tập thể... thì bao giờ có lễ lớn trong họ mới làm”.

Lễ tế tổ đầu năm ở miền biển đã tồn tại hàng nghìn năm nay. Cùng với những biến đổi, phát triển kinh tế là sự biến đổi trong văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Giờ đây, người Việt không còn ăn tết như trước kia, mà chuyển sang chơi tết, vì thế lễ tế Tổ Rằm tháng Giêng vẫn được các họ tộc lưu giữ. Việc làm mâm cúng họ đầu năm cũng gọn nhẹ hơn trước nhưng ý nghĩa của nó thì vẫn vậy. Đó là cách để con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, nguồn cội của mình để từ đó phấn đấu tốt hơn trong công việc, học hành.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]