(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những dự án, đề án hỗ trợ thiết thực đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về cả đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Mông, nhân lên niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nâng cao đời sống cho đồng bào Mông

Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những dự án, đề án hỗ trợ thiết thực đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về cả đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Mông, nhân lên niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nâng cao đời sống cho đồng bào MôngCó điện lưới, người dân bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) đã đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) có 65 hộ với 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bản Ché Lầu được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, với hệ thống đường giao thông, điện lưới, trường học được xây dựng khang trang. Nằm xen lẫn bên những nếp nhà gỗ là nhiều ngôi nhà xây kiên cố, lợp tôn xanh, đỏ đang dần mọc lên... Trước những đổi thay đó, ít ai nghĩ rằng chỉ gần chục năm về trước bà con nơi đây gần như sống tách biệt với thế giới bên ngoài.

Bí thư chi bộ bản Ché Lầu Thao Văn Lâu chia sẻ: Nhớ lại những năm trước đây, đời sống người dân trong bản rất khó khăn, đồng bào chỉ sản xuất nhỏ lẻ theo hướng tự cung, tự cấp nên nhiều gia đình rơi vào tình trạng đói, nghèo, lạc hậu. Giờ đây bản đổi thay nhiều, đã có đường bê tông giúp cho việc giao thương thuận lợi; lại có điện lưới để bà con được tiếp cận với tri thức mới thông qua ti vi, sách báo, mạng xã hội. Có kiến thức, bà con dân bản đẩy mạnh lao động sản xuất, phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định, từng bước giảm nghèo bền vững.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn Hà Xuân Thành cho biết: Trên địa bàn huyện có 217 hộ, với hơn 1.000 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở 3 bản Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) và Ché Lầu (xã Na Mèo). Để nâng cao đời sống người dân, thời gian qua huyện đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ vốn, vật tư, kỹ thuật để đồng bào Mông đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế. Huyện cũng thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đầu tư ở 3 bản đồng bào dân tộc Mông. Ngoài ra, huyện còn xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học; quan tâm, hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh... qua đó giúp đồng bào được tiếp cận với các dịch vụ xã hội thiết yếu...

Huyện Mường Lát là địa phương có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, với khoảng 3.387 hộ/17.933 nhân khẩu, chiếm 43,61% dân số toàn huyện. Những năm qua đồng bào Mông trên địa bàn được thụ hưởng nhiều chương trình, đề án, dự án của Trung ương, của tỉnh và huyện, góp phần từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư ở những khu vực có đồng bào Mông sinh sống, như: đầu tư cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa - khu thể thao của 2 bản Khằm 1, Khằm 2 (xã Trung Lý); xây mới nhà văn hóa bản Kéo Té (xã Nhi Sơn); sắp xếp, ổn định dân cư các hộ dân bản Ún (xã Mường Lý), dự kiến bố trí sắp xếp, ổn định cho 126 hộ; hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 cho 13 hộ đồng bào Mông; đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung bản Pom Khuông (xã Tam Chung), bản Pá Búa (xã Trung Lý), bản Cá Nọi (xã Pù Nhi), bản Nàng 2 (xã Mường Lý); xây dựng mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại xã Nhi Sơn và xã Trung Lý... Thông qua nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từ đó giúp nhiều gia đình ở bản Mông vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa hiện nay có 3.756 hộ/20.046 nhân khẩu (chiếm 1,5% dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh), sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Trong đó có tới 43/44 thôn, bản người Mông được xem là khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bởi vậy, trong những năm qua đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, các ban, ngành chức năng trong tỉnh. Nhiều đề án, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, quy hoạch dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc Mông được quan tâm đẩy mạnh, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.

Để tiếp tục chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 684 ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa” giai đoạn 2021-2025, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương có đồng bào Mông sinh sống thường xuyên bám nắm cơ sở để có giải pháp giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến đời sống người dân như lương thực, điện, nước sinh hoạt, nhà ở, đất sản xuất... Tạo điều kiện tốt nhất cho bà con được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, để từ đó thay đổi nhận thức, tập quán sinh hoạt, sản xuất của đồng bào, góp phần cùng các dân tộc trên địa bàn tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Bài và ảnh: Xuân Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]