(vhds.baothanhhoa.vn) - Huyện Quan Hóa có trên 86.000 ha đất có rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên 52.721 ha. Ngoài ra huyện còn có trên 27.000 ha luồng với 5.800 ha đã được cấp chứng chỉ FSC. Với tiềm năng lợi thế về phát triển lâm nghiệp, gắn với chế biến, những năm qua Quan Hóa đã có nhiều giải pháp thâm canh phát triển rừng luồng, đồng thời thu hút các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) chế biến lâm sản đầu tư vào huyện. Qua đó, góp phần nâng cao sản phẩm ngành lâm nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Quan Hóa đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, gắn với chế biến

Huyện Quan Hóa có trên 86.000 ha đất có rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên 52.721 ha. Ngoài ra huyện còn có trên 27.000 ha luồng với 5.800 ha đã được cấp chứng chỉ FSC. Với tiềm năng lợi thế về phát triển lâm nghiệp, gắn với chế biến, những năm qua Quan Hóa đã có nhiều giải pháp thâm canh phát triển rừng luồng, đồng thời thu hút các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) chế biến lâm sản đầu tư vào huyện. Qua đó, góp phần nâng cao sản phẩm ngành lâm nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Quan Hóa đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, gắn với chế biến

Người dân xã Nam Tiến chăm sóc rừng luồng.

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế về chế biến lâm sản, năm 2004, gia đình anh Nguyễn Duy Chính ở thị trấn Hồi Xuân quyết định thành lập HTX Hợp Phát ở bản Cổi, xã Xuân Phú (nay là xã Phú Nghiêm) chuyên sản xuất vàng mã, nan tre luồng, ván sàn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc). HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, hệ thống dây chuyền sản xuất theo công nghệ của Đài Loan; hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ tiên tiến của Công ty Xử lý môi trường Hà Nội.

Đến nay, mỗi năm HTX tiêu thụ khoảng 15.000 tấn nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu chủ yếu được cung cấp từ các hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn huyện và một số địa phương trong tỉnh. Mỗi năm sản xuất được 5.500 tấn giấy và vàng mã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và một phần tiêu thụ trong nước, với giá trị xuất khẩu gần 6 triệu USD, tạo việc làm cho trên 178 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 7,5 triệu đến 25 triệu đồng/người/tháng.

Quan Hóa đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, gắn với chế biến

Sản xuất vàng mã xuất khẩu ở HTX Hợp Phát, bản Cổi, xã Phú Nghiêm.

Bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quan Hóa lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong ba chương trình trọng tâm của đại hội, vì vậy những năm qua huyện đã xây dựng kế hoạch, tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, chính quyền các xã, thị trấn và chủ rừng triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành chế biến lâm sản.

Để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Quan Hóa đã có nhiều giải pháp, như hỗ trợ phát triển rừng luồng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm; nâng cấp các tuyến đường lâm sinh để thuận lợi cho việc thu mua, vận chuyển.

Đến nay, mỗi năm huyện Quan Hóa trồng mới từ 300 ha đến 400 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ, đã thâm canh, phục tráng được hơn 5.800 ha luồng, trong đó có gần 2.400 ha luồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC.

Ngoài ra, huyện đã thành lập được 27 tổ, nhóm nông dân hợp tác phát triển rừng luồng, đã có 2 tổ nhóm tham gia ký hợp đồng bán luồng trực tiếp cho nhà máy chế biến. Đến nay, sản lượng khai thác tre luồng của huyện đạt 19 triệu cây/năm, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu của các HTX, DN trên địa bàn huyện và các huyện, thị khác trong tỉnh cùng một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, việc thu hút các HTX, DN chế biến lâm sản luôn được huyện quan tâm. Trên địa bàn huyện đã thu hút được 29 HTX, DN, hộ gia đình cá thể sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu. Các cơ sở này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ tre luồng, với các sản phẩm vàng mã, thanh ván gỗ sàn, gỗ xoan. Các sản phẩm sau khi sản xuất, chế biến được tiêu thụ tại thị trường trong nước và một phần được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Cùng với tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu tại chỗ, các cơ sở còn thu mua lâm sản từ các vùng lân cận để chế biến, tạo việc làm, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, huyện Quan Hóa còn chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ lâm sản để tăng thu nhập cho người dân. UBND huyện giao chỉ tiêu của chương trình OCOP đến các xã, thị trấn; củng cố và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng liên kết hộ sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá đối với sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ lâm sản... Đến nay, huyện đã có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm măng khô Mường Ca Da ở thị trấn Hồi Xuân và măng chua Piềng Cú, xã Phú Nghiêm.

Quan Hóa đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, gắn với chế biến

Sản phẩm măng khô Mường Ca Da được công nhận OCCP 3 sao cấp tỉnh.

Mặc dù có lợi thế về sản xuất lâm nghiệp, nhưng ngành công nghiệp chế biến lâm sản của huyện Quan Hóa vẫn đang gặp nhiều khó khăn, như: Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng rừng còn hạn chế; nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất băm dăm, bán nan, thanh nan, chưa phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, năng lực của các cơ sở chế biến lâm nghiệp trên địa bàn huyện quy mô nhỏ, hệ thống máy móc chưa được đầu tư, thiết bị lạc hậu, chỉ thực hiện chế biến thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu...

Thời gian tới, huyện Quan Hóa tập trung chỉ đạo, vận động, khuyến khích các hộ trồng rừng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thâm canh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề chế biến lâm sản; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào huyện. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến chuyên sâu các sản phẩm lâm nghiệp xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài và ảnh: Khắc Công


Bài và ảnh: Khắc Công

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]