(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong cái tĩnh lặng của miền biên giới nơi bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát) ngày ngày vẫn vang lên tiếng đánh vần từ lớp học xóa mù của “Thầy Túc Biên phòng”. Đây là lớp học đặc biệt với 45 học viên, người cao tuổi nhất gần 50, nhỏ nhất là 10 tuổi là người dân tộc Mông và đều thuộc diện hộ nghèo.

Lớp học “xóa mù” nơi biên viễn

Trong cái tĩnh lặng của miền biên giới nơi bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát) ngày ngày vẫn vang lên tiếng đánh vần từ lớp học xóa mù của “Thầy Túc Biên phòng”. Đây là lớp học đặc biệt với 45 học viên, người cao tuổi nhất gần 50, nhỏ nhất là 10 tuổi là người dân tộc Mông và đều thuộc diện hộ nghèo.

Lớp học “xóa mù” nơi biên viễnLớp học xóa mù tại bản Suối Lóng.

Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung cho biết: Với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” cũng như thực hiện có hiệu quả nội dung “Ba bám, bốn cùng” với đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với cấp cơ sở và Trung tâm học tập cộng đồng đã mở lớp xóa tái mù chữ trong năm 2023 tại bản Suối Lóng.

Chúng tôi về bản Suối Lóng cách trung tâm xã Tam Chung khoảng 10 km lúc trời vừa tối, lớp học xóa mù đang mở cửa, điện bật sáng, các học viên đã sắp xếp công việc để đến lớp đúng giờ. Vì lớp học vào buổi tối nên những đứa trẻ cũng theo bố mẹ tới trường. Nhỏ thì ngồi cùng mẹ, ngủ trên lưng, đứa lớn thì chơi trò đuổi bắt ngoài sân. Trò chuyện thầy Túc (Đại úy Đào Nguyên Túc, Đồn Biên phòng Tam Chung là giáo viên của lớp học xoá mù), chúng tôi càng hiểu hơn lý do vì sao người dân lại thiết tha được biết chữ đến thế.

Thầy Túc cho biết: Đây là một lớp học rất đặc biệt. Lớp học có hai cặp vợ chồng, một ở độ tuổi trung niên, gần 50 tuổi, thấy vợ đi học vui thì chồng cũng đi theo, và tham gia học luôn để biết chữ. Một cặp vợ chồng có con 1 tháng tuổi cũng bồng bế con đến lớp học. Trong lớp có một học viên người Lào lấy chồng Việt Nam. Có hai trường hợp bé gái 10 tuổi, trong đó một bé bố mẹ nghiện ma túy chết sớm, phải ở với ông bà ngoại, khi ông bà thấy có lớp xóa mù được mở tại bản đã đến xin cho cháu vào học; một bé bố mẹ bỏ đi biệt xứ, cháu sống một mình nên đã xin vào lớp. Đa phần học viên trong lớp là phụ nữ mong muốn được biết chữ để giao lưu với bên ngoài được tốt hơn. Nếu biết chữ họ có thể tự đi tìm công việc khác thay vì chỉ ở nhà hoặc làm nương rẫy.

Những đôi bàn tay chai sần vì cầm dao, cầm cuốc, phát nương, làm rẫy, nay đã viết được những con chữ mềm mại, thành thạo từ sự hướng dẫn, giảng dạy tận tình, cầm tay uốn nắn từng con chữ của thầy giáo mang quân hàm xanh.

Chứng kiến bà con đi học, chúng tôi mới hiểu được bà con nơi đây không ngại tuổi tác, vẫn khát khao đi tìm con chữ. Thế nhưng, không phải mọi thứ đều thuận lợi, dễ dàng. Cả ngày làm việc trên nương, buổi tối về cơm nước cho gia đình rồi lại đi học sẽ không tránh khỏi việc các học viên mệt mỏi. Với phương pháp học kết hợp trao đổi, trò chuyện vui vẻ giữa thầy và học viên về đời sống, sản xuất, sinh hoạt và chuẩn bị những phần thưởng cho học viên là những cái bánh, cái kẹo, khiến lớp học trở nên sôi nổi, rôm rã tiếng cười.

Thầy Túc chia sẻ thêm: Giai đoạn này bà con đang vào mùa thu hoạch sắn, có những hôm trời mưa rét chị em vẫn đến lớp đông đủ. Học viên không quản ngại, thì thầy cũng cảm thấy ấm lòng, nên khó khăn mấy thầy cũng vào bản để dạy học. Nói rồi thấy Túc chỉ tay lên những bó hoa đã khô treo ở góc lớp và nở một nụ cười đầy hạnh phúc. Thầy cho biết dịp 20/11 vừa rồi các chị em đã chuẩn bị những bó hoa rừng tặng thầy, rồi mang những củ sắn thu hoạch trên rẫy về biếu thầy. Chỉ đơn giản thế thôi, mà ấm lòng lắm.

Chị Thào Thị Chu ở bản Suối Lóng cho biết: "Mình không biết chữ nên muốn đi học. Có cái chữ, biết đọc sách, báo để học làm kinh tế. Giờ đây có tin nhắn trên điện thoại không cần nhờ người đọc nữa, mình tự đọc được rồi". Thào Thị Chu cũng không quên chia sẻ niềm vui với chúng tôi rằng: “Mình học giỏi nên được thầy Túc cho làm lớp trưởng đấy”.

Khi tan học, tiếng chào thầy giáo, ánh đèn pin của học viên theo từng con dốc về bản. Còn người thầy giáo quân hàm xanh lại thu xếp sách vở, đi qua những cung đường ngoằn nghoèo từ điểm trường trở về đơn vị đã rất quen...

Bài và ảnh: Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]