Giáo viên vẫn được dạy thêm
Giáo viên tiểu học được đàng hoàng dạy thêm các môn văn hóa và cũng không còn cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa, là hai trong những nội dung tại Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Theo dự thảo, sẽ gỡ bỏ việc cấm dạy thêm, học thêm.
Bỏ “cấm”, nới lỏng
Như vậy là so với trước đó, tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành “lệnh cấm” thì tại dự thảo lần này, quy định đã được nới lỏng. Đặc biệt đối với giáo viên tiểu học, đây là điều đáng mừng. Thực tế, đã từng có nhiều giáo viên tiểu học khi tổ chức dạy thêm đã phải “lén lút” vì sợ cơ quan chức năng phát hiện.
Quy định thay đổi đồng nghĩa việc dạy thêm, học thêm không còn là rào cản đối với giáo viên và một bộ phận phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, với quy định, giáo viên được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường thì dường như lại trở thành “tiêu điểm” đối với không ít phụ huynh. Đầu tiên, bàn đến câu chuyện về tâm lý.
Nếu không cho con học thêm môn của cô giáo chủ nhiệm hoặc môn của thầy, cô giáo bộ môn khác thì con có bị đối xử khác? “Xét ở một khía cạnh nào đấy, tôi nghĩ là có. Con tôi đã về kể thế này, trong giờ kiểm tra trên lớp, những bạn không đi học thêm ở nhà cô thì giải đề chậm nhưng ngược lại, những bạn học thêm nhà cô, giải đề rất nhanh, kể cả bạn học kém. Tức là ai học thêm nhà cô đều được cô định hướng dạng đề hoặc cho đề trước”, chị T.T.V. (TP Thanh Hóa) cho biết.
Phụ huynh L.V.D. (Đông Sơn), chia sẻ tình huống khá “thú vị”. Con anh không học thêm với cô giáo dạy môn Toán trên lớp, tuy nhiên anh dạy con cách tiếp cận với bạn trong lớp đang học thêm ở nhà cô. Anh D. kể lại: “Khi áp dụng cách này, con tôi đã xin được 1 dạng đề mà cô giáo đã in sẵn cho những ai đi học thêm. Con đã chú tâm làm cái đề này. Giờ kiểm tra trên lớp sau đó, có đến 2/3 số câu nằm trong tờ đề của cô giáo. Và tất nhiên, đã giúp cho con tôi đạt điểm cao. Sau lần này, tôi đã cho con đi học ở chính cô giáo đã dạy con trên lớp. Có thể là suy nghĩ tiêu cực, nhưng tôi vẫn cho rằng, học thêm với chính cô giáo dạy trên lớp sẽ tốt hơn cho con”.
Cũng theo nội dung Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, nếu giáo viên dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường chỉ cần báo cáo và lập danh sách (gồm họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép học trò học thêm. Thực tế, có thể giáo viên không ép nhưng đâu đó vẫn có hiện tượng, giáo viên bằng cách này cách khác thao túng tâm lý học sinh. Điển hình mới nhất là vụ việc xảy ra ở một trường tiểu học tại tỉnh Ninh Bình. Cô giáo đã dùng những lời lẽ thô tục để “tấn công” học sinh và cô hy vọng, càng mắng chửi, học trò của cô sẽ càng đồng ý đi học thêm... Hoặc ở trong một lớp học, như đã đề cập, có giáo viên sẽ luôn đứng về phía những học sinh đi học thêm.
Vấn đề đặt ra, khi nới lỏng việc dạy thêm, học thêm thì quan trọng người thầy đừng “nới lỏng” nhân cách.
Không khuyến khích học sinh học thêm
“Cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả người dạy, người học. Vấn đề dư luận đang bức xúc là giáo viên dạy học sinh ở trường, rồi lại bằng cách này, cách khác “ép” học sinh học thêm bên ngoài khiến phụ huynh và học sinh phải tự nguyện một cách bắt buộc. Đây là vấn đề mà ngành GD&ĐT muốn chấn chỉnh nhất”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh.
Thẳng thắn nhìn nhận, đi học thêm hay không đó là quyền của phụ huynh, học sinh. Còn dạy thêm ở ngoài trường hay không đó là quyền của giáo viên. Không thể đưa ra khẳng định còn rất mơ hồ: Học thêm là nhu cầu chính đáng. Điều này chưa hẳn, có thể việc đi học thêm với học sinh này là quan trọng nhưng học sinh khác thì ngược lại. Và đâu cứ phải ai là giáo viên thì cũng đều mong muốn được dạy thêm...
Thực tế, có những học sinh không đi học thêm mà vẫn học giỏi. Tuy nhiên, cũng cần phải lật ngược vấn đề, không phải cứ đi học thêm là học giỏi hoặc không đi học thêm là học kém... Đã có nhiều phụ huynh xem học thêm là một nguyện vọng lớn để con được củng cố, nâng cao kiến thức... Nguyện vọng này không ai ép buộc, đó là sự tự nguyện và đây mới là nhu cầu chính đáng. PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Việc học thêm là sự tự nguyện của người dân. Việc này cha mẹ học sinh phải tính toán. Việc học thêm với bản chất không nhằm đáp ứng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà nhằm phát triển hơn về năng lực của con em, có lẽ nếu cần cũng chỉ 1 - 2 môn. Bộ GD&ĐT quy định về việc dạy thêm, học thêm nhằm bảo đảm việc này nếu có diễn ra thì được thực hiện minh bạch, tự nguyện, chứ không phải là khuyến khích học sinh phải đi học thêm”.
Bài và ảnh: Bằng An
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2024-10-10 16:04:00
Hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Thu hút đầu tư vào hệ thống giáo dục ngoài công lập vẫn khó
Điểm nhấn chất lượng giáo dục của một trường huyện
Chuyện học ở Ché Lầu
Lan tỏa hành động đẹp của thiếu nhi xứ Thanh
Nỗ lực kiên cố hóa trường, lớp
Hướng đi được nhiều bạn trẻ lựa chọn
Trăn trở chuyện dạy thêm, học thêm
Sổ liên lạc điện tử có cần thiết?
Định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên