“Mèo tha” hay “Mèo theo”
Độc giả: “Tôi vẫn thường nghe câu ca: “Mèo tha miếng thịt xôn xao/ Cọp tha con lợn ai nào thấy chi”. Thế nhưng xem trên một trang sưu tầm ca dao, tục ngữ lại thấy có bản “Mèo THEO thịt mỡ ồn ào/ Cọp tha con lợn ai nào thấy chi”.
Gần đây một chương trình giải trí về tiếng Việt cũng sử dụng bản “Mèo THEO thịt mỡ ồn ào...” để làm ngữ liệu. Cố vấn chương trình cho rằng câu “Mèo tha miếng thịt xôn xao...” là biến thể của câu “Mèo theo thịt mỡ ồn ào...”, và giải thích “theo” là phương ngữ có nghĩa giống như “tha”.
Xin hỏi, “theo” với nghĩa là “tha” là phương ngữ của vùng nào?
Trả lời:
Tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt, cũng như từ điển phương ngữ chúng tôi có trong tay, không có bất cứ cuốn nào ghi nhận “theo” với nghĩa là “tha”. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nhiều lần lưu ý, nếu một từ ngữ nào đó không có trong từ điển, điều này không có nghĩa là chúng không tồn tại trong thực tế. Vì chưa có điều kiện khảo sát, nên trường hợp này chúng tôi xin thận trọng tạm xếp vào diện “tồn nghi”, trong đó khả năng cao là lỗi văn bản.
Tuy nhiên, kể cả trong thực tế có chuyện “theo” (là phương ngữ) có nghĩa là “tha”, thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn về bản “Mèo theo thịt mỡ ồn ào/ Cọp tha con lợn thì nào thấy chi”.
1- “Miếng thịt” và “thịt mỡ”
Trong câu “Mèo tha miếng thịt xôn xao/ Cọp tha con lợn ai nào thấy chi”, các sự vật, sự việc được hình thành theo từng cặp đối lập: mèo <------> hổ; miếng thịt <------> con lợn; xôn xao <------> nào thấy chi. Trong đó, dân gian đem “miếng thịt” so với “con lợn”, chứ không phải “thịt mỡ” so với “con lợn”. Vì sao vậy? Vì “miếng” và “con” đều là những đơn vị tính: “miếng” = ít ỏi, nhỏ lẻ; “con” = to lớn, nguyên cả. Con mèo tha có mỗi “miếng thịt”, mà làm “xôn xao” lên; trong khi con hổ tha cả “con lợn” thì chẳng ai dám phản ứng gì!
Không ai đem “thịt mỡ” so với “con lợn”, vì chúng không cùng đơn vị tính. “Mỡ” chỉ đặc điểm, tính chất, nên phải so với “nạc” cũng chỉ đặc điểm, tính chất. “Thịt mỡ” chỉ có thể xuất hiện trong bản (giả tưởng): “Mèo tha thịt mỡ xôn xao/ Hổ tha thịt nạc ai nào nói chi” với ý: Mèo tha “thịt mỡ” (loại không ngon) thì làm “xôn xao” lên; trong khi hổ tha “thịt nạc” (loại ngon) thì lại im lặng.
2.“Xôn xao” và “ồn ào”
Xưa kia đời sống khó khăn, chó mèo cùng chịu chung cảnh thèm lạt thịt cá như gia chủ. Bởi thế, mỗi khi mua được miếng thịt, có khi chưa kịp thái, hoặc đang thái thì chỉ một tích tắc sơ hở là mèo cướp sống lấy một miếng bỏ chạy. Trong trường hợp này thì có khi cả nhà hoảng hốt vừa đuổi theo vừa la lối, hò hét, đập gõ ầm ĩ lên để con mèo phát hoảng mà “bỏ của chạy lấy người”. Còn với con hổ, thì dù nó có mò vào làng bắt lợn, nhìn thấy rõ ràng trước mắt, ai nấy cũng đều im thít, nín thở ghé mắt qua khe cửa mà nhìn. Thế nên mới có dị bản “Mèo tha miếng thịt thì đòi/ Hổ tha con lợn mắt coi trừng trừng”!
Như vậy, hai chữ “xôn xao” bị thay bằng “ồn ào”, không chỉ làm hỏng đi sự chính xác, tinh tế trong việc sử dụng từ ngữ của dân gian, mà còn làm hỏng cả vần điệu câu tục ngữ.
3.“Mèo tha” không thể là “biến thể” của “mèo theo”
Về nguyên tắc, nếu B là biến thể của A, thì A là gốc, còn B là “thể” có khác ít nhiều so với gốc (A). Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, nếu xem bản “Mèo tha miếng thịt xôn xao...”, là biến thể của “Mèo theo thịt mỡ ồn ào...” là không đúng. Vì bản “Mèo tha miếng thịt xôn xao...” mới là bản chính, bản gốc, bởi ít nhất nó không chứa đựng “phương ngữ” (“theo”), và lại chính xác hơn trong diễn đạt (dùng “miếng thịt” thay vì “thịt mỡ”, dùng “xôn xao” thay vì “ồn ào”).
Với tất cả những lý do đã phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng, bản “Mèo theo thịt mỡ ồn ào/ Cọp tha con lợn ai nào thấy chi” là một bản thiếu chính xác, cần phải xem lại.
Mẫn Nông (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-04-02 07:39:00
Hiểu thêm về giá trị và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Rộn ràng “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” trong tháng Tư
Nhiều hoạt động tưởng nhớ 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Đình Thi năm 2024
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thanh Hóa
Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh qua lễ hội
Lễ hội có thể liên kết để phát triển du lịch?
Bên khung dệt mùa xuân
Dạy con về tài chính: Việc chưa bao giờ là quá muộn
Bản sắc lễ hội