(vhds.baothanhhoa.vn) - Bị khuyết tật vận động, nhưng anh Nguyễn Văn Lĩnh lại có nghị lực tuyệt vời, vượt lên nghịch cảnh chinh phục cuộc sống.

Chàng trai khuyết tật vượt lên nghịch cảnh

Bị khuyết tật vận động, nhưng anh Nguyễn Văn Lĩnh lại có nghị lực tuyệt vời, vượt lên nghịch cảnh chinh phục cuộc sống.

Chàng trai khuyết tật vượt lên nghịch cảnhAnh Nguyễn Văn Lĩnh tỉ mỉ sáng tạo sản phẩm.

Trong cái se lạnh của tiết đông, chúng tôi đến thăm xưởng mộc của anh Nguyễn Văn Lĩnh (xã Hòa Lộc, Hậu Lộc) và không khỏi thán phục trước nghị lực và tài hoa của chàng trai khuyết tật vận động này. Tiếp chúng tôi trong bộ đồ lao động lấm lem, anh Lĩnh vừa trò chuyện vừa tỉ mỉ chạm trổ từng họa tiết.

Lúc mới sinh, Nguyễn Văn Lĩnh khỏe mạnh như nhiều đứa trẻ khác. Tuy nhiên, sau một lần gặp tai nạn, cột sống, lưng và chân của anh bị ảnh hưởng dẫn đến hạn chế đi lại, có giai đoạn không thể đi lại được. Dù đã chạy chữa khắp nơi, tốn rất nhiều công sức, tiền bạc nhưng anh không thể nào vận động bình thường.

Anh Lĩnh chia sẻ: Tôi sinh ra lớn lên trong gia đình làm nông, cuộc sống tương đối vất vả, nên khi học xong THCS tôi đã quyết định đi học nghề mộc để phụ giúp gia đình. Bởi tôi có đam mê với nghề mộc từ nhỏ. Tôi đã quyết định Nam tiến để học nghề. Song trong một lần không may mắn tôi dẫm phải chốt tre và bị ngã ảnh hưởng đến cột sống, lưng và chân. Sau lần gặp nạn ấy, tôi đã mất đi khả năng đi lại. Khi ấy tôi đã hoàn toàn hụt hẫng, mất niềm tin và hy vọng trong cuộc sống. Mấy năm ròng rã, mẹ và các anh đã đưa tôi đi chạy chữa khắp nơi. Nhìn thấy gia đình đã khó khăn nay còn vất vả hơn nên tôi đã không cho phép mình được chịu thua số phận.

Sau hơn 6 năm nỗ lực điều trị, năm 2012 anh Lĩnh bắt đầu đi lại được trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình. Dù việc đi lại vẫn rất khó khăn song điều đó với anh Lĩnh đã là một “kỳ tích”. Khi có thể vận động trở lại, điều anh nghĩ đến đầu tiên đó là tiếp tục với đam mê của mình để hỗ trợ gia đình. Thời gian đầu, anh ở nhà tự đục đẽo, làm quen trở lại với nghề.

“Biết những khó khăn của mình, nên tôi đã nỗ lực gấp năm, gấp mười lần lúc bình thường để có thể thực hiện được đam mê và nuôi sống bản thân, hỗ trợ gia đinh”, anh Lĩnh nói.

Với đam mê, nghị lực và quyết tâm cao, anh Lĩnh luôn hăng say học hỏi, làm việc, trau dồi kinh nghiệm. Những sản phẩm tượng gỗ, tranh gỗ... từ đôi bàn tay tài hoa của anh dần được hình thành. Tiếng lành đồn xa, nhiều người biết đến sản phẩm của anh và đã chủ động tìm đến mua. Nghề mộc đã giúp anh tìm lại được niềm tin vào cuộc sống và dần khẳng định bản thân, khẳng định những người khuyết tật vẫn có thể cống hiến và thành công.

Khi những sản phẩm gỗ của anh được nhiều người biết đến và đặt hàng, anh đã quyết định mở rộng sản xuất. Để chuẩn bị cho việc thành lập xưởng, anh thường xuyên giới thiệu những sản phẩm của mình lên mạng xã hội để nhiều người biết đến. Đồng thời anh cũng lên mạng xã hội học hỏi các mẫu mới, xu hướng thịnh hành để tạo ra những sản phẩm đẹp, phù hợp với xu hướng của khách hàng.

Năm 2022, với nguồn vốn ít ỏi của mình, anh quyết định mở xưởng sản xuất. Nhờ sự chuẩn bị tương đối tốt nên xưởng sản xuất của anh vẫn duy trì ổn định, nhiều đơn hàng được sản xuất, nhiều sản phẩm gỗ mỹ nghệ được đến tay người dân. Chia sẻ về nghề, anh Lĩnh cho biết: Để chế tác ra một sản phẩm gỗ mỹ nghệ chất lượng, tôi phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu bởi nguyên liệu chế tác rất quan trọng. Tiếp đó tôi chủ động học hỏi kỹ thuật, mẫu mã, đa dạng các sản phẩm. Và cuối cùng là tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo anh Lĩnh, một sản phẩm gỗ mỹ nghệ phải trải qua rất nhiều công đoạn như cưa xẻ, đục, bào, đánh bóng. Các công đoạn được thực hiện trong một thời gian dài. Mặc dù có máy móc hỗ trợ song người làm vẫn cần sự tỉ mỉ, cẩn thận và khéo léo.

Sau hơn 1 năm thành lập, xưởng gỗ của anh đã có 3 lao động với thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng/người/tháng. Anh cùng các anh em trong xưởng luôn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng. Tấm gương chàng trai khuyết tật vươn lên nghịch cảnh đã được nhiều người khâm phục, yêu mến. Để hỗ trợ anh Lĩnh phát triển sản xuất, chính quyền địa phương và Hội Bảo trợ người khuyết tât, trẻ em mồ côi và Bảo vệ quyền trẻ em các cấp đã thường xuyên thăm hỏi, động viên anh Lĩnh.

Đặc biệt, năm 2023 từ nguồn quỹ hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật vươn lên vượt khó, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi và Bảo vệ quyền trẻ em đã hỗ trợ anh Lĩnh 20 triệu đồng để mua dụng cụ, máy móc sản xuất, giúp anh có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]