(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Việc buông lỏng quản lý hoạt động dịch vụ việc làm đã làm cho những Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) trái phép, công khai hoạt động trên địa bàn Thanh Hóa trong một thời gian dài nhưng vẫn không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Viết tiếp chuyện “loạn” trung tâm dịch vụ việc làm không phép: Buông lỏng quản lý hoạt động dịch vụ việc làm

(VH&ĐS) Việc buông lỏng quản lý hoạt động dịch vụ việc làm đã làm cho những Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) trái phép, công khai hoạt động trên địa bàn Thanh Hóa trong một thời gian dài nhưng vẫn không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Chiêu trò của các TTDVVL

Để TTDVVL của mình được người lao động (NLĐ) biết đến, các TTDVVL đã tiến hành chiến dịch “truyền thông” dán, rải tờ rơi, tìm việc làm, tuyển dụng lao động, cần người giúp việc... cùng số điện thoạiở khắp mọi ngõ ngách... NLĐ nhiều khi lầm tưởng đó là các gia đình hoặc cơ sở đang cần tuyển lao động. Khi gọi vào số điện thoại ghi trên tờ rơi sẽ được nhân viên hướng dẫn, chỉ đường đến TTDVVL. Nếu NLĐ không tìm thấy sẽ có nhân viên đến đón. Việc đưa, đón được tính phí riêng.

NLĐ nếu tìm đến các TTDVVL sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, nếu đồng ý sẽ phải đóng kinh phí môi giới với mức thu khác nhau tùy thuộc vào công việc. Thấp nhất là 50 ngàn, cao nhất là 500 ngàn. Các TTDVVL chỉ giới thiệu việc làm không quá 3 lần cho NLĐ, dưới 2 lần giới thiệu sẽ trừ 50% chi phí, qua 3 lần giới thiệu nếu NLĐ không chấp nhận công việc đã được giới thiệu, sẽ mất toàn bộ 100% chi phí môi giới nộp trước đó. Lợi dụng việc trên nhiều TTGTVL muốn chiếm đoạt số tiền chi phí đặt cọc của NLĐ.

Anh Hoàng Văn Thanh (xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân), bức xúc: “Họ cố tình giới thiệu tôi đến những nơi có công việc không đáng tin cậy, sau đó tôi tự nghỉ việc xem như mất không tiền tìm việc”.

Một TTDVVL không có giấy phép hoạt động.

Để mở rộng thị trường lao động các TTDVVL liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc các trung tâm dạy nghề đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, học viên. Khi đã tuyển dụng được NLĐ cho doanh nghiệp, lúc này các TTDVVL sẽ thu thêm kinh phí “2 mang” của cả doanh nghiệp và NLĐ.

Thực tế khi muốn tìm việc làm, NLĐ sẽ tìm đến các TTDVVL mà không quan tâm đến việc các TTDVVL đã được cấp giấy phép hoạt động hay không. Và mặc dù chưa được cấp giấy phép hoạt động DVVL nhưng một số TTDVVL vẫn cố núp bóng dưới “lá bùa” đã đăng ký hoạt động DVVL rồi cho mở ra các cơ sở, văn phòng đại diện thực hiện hoạt động DVVL trái phép. Như vậy, các doanh nghiệp chỉ mới dừng lại ở mức độ “đăng ký hoạt động” chứ chưa được cấp Giấy phép hoạt động DVVL theo đúng quy định.

Nhiều doanh nghiệp có giấy chứng nhận kinh doanh ngành nghề DVVL, nhưng trong giấy chứng nhận kinh doanh có ghi rõ “Ngành nghề kinh doanh có điều kiện” tức doanh nghiệp trên phải có đầy đủ những điều kiện đã quy định tại Quyết định số 52.Do chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh DVVL nên nhiều khi có đoàn các cơ quan chức năng đi kiểm tra hoạt động của các TTDVVL, nhân viên của các TTDVVL không chứng minh được tính hợp pháp của cơ sở, nên đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kiểm tra, giám sát.

Ông Hoàng Ngọc Trung - Trưởng Phòng Việc làm và An toàn Lao động (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa), cho biết: Theo Luật quy định, các TTDVVL phải có giấy phép của Sở LĐ-TB&XH, nhưng hiện nay ngoài 05 TTDVVL có phép kể trên thì không có bất kỳ TTDVVL nào trên địa bàn toàn tỉnh có giấy phép hoạt động.

Nếu như những TTDVVL không phép thu phí tư vấn, giới thiệu việc làm của NLĐ thì tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) - 1 trong 5 TTDVVL được Sở LĐ-TB&XH cấp Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực DVVL, tại đây việc tư vấn, giới thiệu việc làm, thị trường lao động, xuất khẩu lao động, bảo hiểm thất nghiệp, Luật Lao động lại hoàn toàn miễn phí cho người lao động.

Gian nan quản lý DVVL

Trao đổi về vấn đề TTDVVL không phép hoạt động trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch UBND phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa cho hay: “Bản thân chúng tôi không ký cấp phép cho họ nên rất khó quản lý, phường chỉ quản lý về mặt an ninh trật tự. Vừa qua TP cũng có gửi công văn yêu cầu rà soát, kiểm tra các hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn phường, sắp tới chúng tôi sẽ lên kế hoạch để kiểm tra”.

Bà Lê Thị Thêm - Cán bộ Chính sách phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Chúng tôi không đủ thẩm quyền để kiểm tra giấy phép hoạt động của các TTDVVL. Các công ty trên lại thay đổi địa điểm liên tục không ở cố định một chỗ nên rất khó kiểm soát, hơn nữa chúng tôi chỉ được kiểm tra về hộ khẩu đăng ký tạm trú, tạm vắng, an ninh - trật tự”. Bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Chủ tịch UBND phường Đông Sơn cho biết: “Các trung tâm này thường thuê nhà dân ở được một thời gian rồi lại chuyển đi nơi khác. Chúng tôi đã phối hợp cùng công an, kiểm tra nhắc nhở nhiều lần nhưng cũng khó quản lý. Phường, xã chưa được phân cấp quản lý về hoạt động của các doanh nghiệp, chúng tôi chủ yếu quản lý về mặt an ninh trật tự trên địa bàn”.

Bà Trần Thị Hương - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH, TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Lâu nay thành phố không cấp giấy phép nên cũng khó quản lý. Quản lý lĩnh vực này phải là Sở KH&ĐT bởi sở này cấp giấy phép hoạt động. Bên nào cấp ra bên đó phải quản lý nếu không hoạt động thì phải thu hồi lại, bên cấp ra phải có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, ra soát. Hiện chúng tôi đang tiến hành rà soát rồi báo cáo lên sở về các TTDVVL trên địa bàn. Chúng tôi đã có công văn gửi xuống phường, xã rà soát đồng thời đề nghị công an cùng phối hợp”.

Sông Lô



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]