(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) “Xây dựng NTM là mục tiêu khó khăn”, xác định được điều đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) đã thống nhất ý chí, cùng nhau chung sức vượt qua khó khăn để làm thay đổi diện mạo của một xã vốn thuần nông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Hoằng Thịnh: Sắc xuân ở một vùng quê

(VH&ĐS) “Xây dựng NTM là mục tiêu khó khăn”, xác định được điều đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) đã thống nhất ý chí, cùng nhau chung sức vượt qua khó khăn để làm thay đổi diện mạo của một xã vốn thuần nông.

Công sở xã Hoằng Thịnh.

Về xã Hoằng Thịnh vào thời gian này, mọi thứ dường như đang chuyển mình đầy sắc tươi sáng. Những cung đường phong quang, sạch sẽ, những căn nhà cao tầng mọc lên san sát... và những gương mặt người dân phấn khởi, tươi vui như nói với chúng tôi rằng, có nhiều điều đang thực sự thay đổi.

Đổi thay bắt đầu từ nghề truyền thống

Tôi vẫn nhớ, lần đầu tiên ghé thăm xã Hoằng Thịnh cùng một người bạn, lúc đó nghề mây tre đan của các hộ gia đình đã thực sự cuốn hút khiến tôi bất chợt suy nghĩ: hình như người dân nơi đây sinh ra để làm nghề vậy! Từ những cụ già, người lớn, em nhỏ, mỗi người một việc, chẳng thấy ai ngơi tay và hình như, người nào cũng thạo nghề như một nghệ nhân thực thụ. Một người dânchia sẻ với chúng tôi: “Ở đây, chỉ cần sáng đi mua nguyên liệu thì chiều tối đã có sản phẩm để bán, mang lại thu nhập trong ngày rồi”. Có lẽ vì vậy, mà đến thôn nào, nhà ai vào ngày nông nhàn, chúng tôi cũng thấy những guồng quay mây, tre, đan khép kín.

Điều đặc biệt, không giống những làng nghề truyền thống thường phải loay hoay với đầu ra cho sản phẩm. Với người làm nghề xã Hoằng Thịnh, mọi thứ gần như đã được bao tiêu trọn vẹn bởi chính các chủ thu mua địa phương. Vì vậy mà câu chuyện ép giá hay hàng tồn kho gần như rất ít tồn tại ở vùng quê này.

Được biết, làng nghề mây tre đan ở địa phương đã có lịch sử hàng trăm năm tồn tại và phát triển đến tận ngày nay. Người ta nói đây là nghề phụ, song thực tế thì tự bao giờ với nhiều hộ gia đình thì nghề phụ đã trở thành nghề chính rồi.

Được biết, với một gia đình thạo nghề mây tre đan, nếu làm tích cực thì một ngày có thể mang lại thu nhập 500 nghìn đồng, trừ chi phí vẫn còn trên 300 nghìn đồng. Con số tuy không quá lớn, nhưng đối với một nghề cho thu nhập ổn định, quanh năm thì đó lại thực sự là ước mong của không ít người lao động ở các làng nghề truyền thống hiện nay.

Sau hàng chục năm thịnh phát, đến nay, nghề mây tre đan ở Hoằng Thịnh đã thực sự trở thành “thương hiệu” nổi tiếng khắp vùng, sản phẩm bà con làm ra, theo những chuyến xe đến mọi miền của Tổ quốc, phục vụ đời sống người dân. Và có những sản phẩm, đã sang cả thị trường châu Âu, ngoại quốc.

Ghé thăm Công ty TNHH Quốc Đại (xã Hoằng Thịnh) chuyên sản xuất hàng mây tre đan như: lồng đèn, chậu hoa... chúng tôi thực sự ngỡ ngàng về quy mô cũng như sự hiện đại của hệ thống máy móc được đầu tư tại xưởng. Vượt qua khoảng thời gian khủng hoảng, đến nay, Công ty Quốc Đại vẫn khẳng định là đơn vị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có tiếng trên địa bàn. Năm 2016, với việc duy trì ổn định sản xuất, năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, Công ty Quốc Đại đã có doanh thu trên 48 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động, trong đó, 60% là người dân địa phương với mức thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/ người/ tháng.

Anh Bùi Văn Nam - Giám đốc Công ty TNHH Quốc Đại cho biết: mây tre đan vốn là ngành sản xuất thủ công, đòi hỏi sự tỉ mẩn trong từng chi tiết. Tuy nhiên, hiện nay có một số công đoạn, máy móc đã có thể thay thế cho con người, bởi vậy, để giảm tải sức ép công việc cho người lao động thì công ty đã nhập về hệ thống máy móc, đáp ứng trên 20% khối lượng công việc, còn lại thì vẫn phải do bàn tay con người hoàn thiện.

Nhìn những đổi thay rõ nét ở xã Hoằng Thịnh, dễ dàng nhận ra dấu ấn đóng góp của nghề mây tre đan truyền thống. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh, có lẽ vẫn chưa nhiều những làng nghề truyền thống với sức sống bền bỉ, trường tồn và đem lại đời sống sung túc cho người làm nghề như nơi đây.

Được biết, với sự phát triển của làng nghề truyền thống đã kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu nguồn lao động trong các lĩnh vực. Theo đó, lao động trong ngành nông nghiệp của địa phương hiện chỉ còn 16%; dịch vụ, thương mại chiếm 24,5% và59,5% lao động trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu ngành nghề lao động đã từng tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 25,58 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 4,74%.

Sản phẩm mây tre đan của Hoằng Thịnh trở thành mặt hàng có thương hiệu trên thị trường.

Tập trung đầu tư cho văn hóa, giáo dục

Xác định văn hóa, giáo dục là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM, văn hóa, giáo dục luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đến nay, 100% trường học các cấp của xã đều đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Cùng với việc nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, địa phương không ngừng đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất cho các trường học với tổng nguồn kinh phí 11,5 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu cao hơn tiêu chí chuẩn về trường học theo quy định.

Từ sự đầu tư, quan tâm đó, đến nay, chất lượng giáo dục các cấp của xã Hoằng Thịnh đã vươn lên nằm trong tốp đầu của huyện Hoằng Hóa, tỉ lệ học sinh giỏi năm sau thường cao hơn năm trước và 100% học sinh tốt nghiệp THCS đã tiếp tục theo học THPT, bổ túc, học nghề. Nâng tỉ lệ lao động địa phương qua đào tạo đạt trên 40%.

Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương cũng được đầu tư khang trang, đồng bộ. Ngoài nhà văn hóa đa năng của xã được xây dựng theo đúng quy chuẩn của Bộ VH,TT&DL với diện tích trên 12.000m2 thì 8/9 thôn trong xã đã có nhà văn hóa, khu thể thao được trang trí đúng quy định. Được biết, tổng mức đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất văn hóa của địa phương là 19,5 tỷ đồng. Đến nay, 8/9 thôn của xã đã được công nhận tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định hiện hành.

Với việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, đến nay, Hoằng Thịnh là một trong những địa phương có phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao (bóng chuyền) mạnh của huyện. Cùng với đó, sinh hoạt của các CLB Liên thế hệ, hội người cao tuổi... đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, được các cấp hội đánh giá khá cao.

Nếu ví xây dựng NTM của xã Hoằng Thịnh giống một bức tranh thì trên bức tranh ấy là sự hiện hữu của những gam màu tươi sáng thực sự. NTM đã thực sự làm thay đổi diện mạo, đời sống của một xã vốn thuần nông.

Bùi Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]