(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây nhờ các chương trình, chính sách đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà con vùng cao huyện Mường Lát đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình trồng sắn năng suất cao xen canh với đất rừng sản xuất mang lại hiệu quả, hứa hẹn là cây sinh kế giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Phát triển “cây xóa nghèo” ở Mường Lát

Những năm gần đây nhờ các chương trình, chính sách đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà con vùng cao huyện Mường Lát đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình trồng sắn năng suất cao xen canh với đất rừng sản xuất mang lại hiệu quả, hứa hẹn là cây sinh kế giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Phát triển cây xóa nghèo ở Mường LátNgười dân xã Mường Lý vận chuyển sắn xuống chân đồi bán cho thương lái.

Đứng bên những bì sắn đã xếp gọn bên vệ đường chờ xe ô tô đến để vận chuyển, anh Ma Xeo Xanh ở bản Xa Lung, xã Mường Lý nói: "Hai năm qua được sự vận động, hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình tôi và các hộ trong bản bắt tay vào trồng cây sắn năng suất cao trên đất đồi. Nay gia đình tôi và các hộ trong bản đang thu hoạch sắn. Vụ sắn năm nay được giá, cao gần gấp đôi năm trước, với khoảng 15 tấn sắn tươi, gia đình tôi thu nhập hơn 30 triệu đồng".

Còn anh Hà Văn Lại ở bản Nàng 1, xã Mường Lý cho biết, trước đây gia đình anh và người dân trong bản trồng cây xoan theo Dự án 147 nhưng không hiệu quả. Cách đây 2 năm, chính quyền địa phương vận động người dân trồng cây sắn và vụ này gia đình anh thu hoạch được khoảng 50 tấn sắn tươi, với giá công ty nhập từ 2.100 đến 2.600 đồng/kg, cho thu nhập trên 120 triệu đồng. So với cây trồng khác thì cây sắn rất dễ trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sắn sinh trưởng và phát triển khá tốt, bình quân mỗi cây có sản lượng tốt sẽ cho 2 - 3kg củ sắn tươi.

Chỉ tay lên phía đồi trước mặt, anh Lại nói: "Vào vụ thu hoạch sắn người dân trong bản thu hoạch nông sản giúp nhau theo phương thức “đổi công”, cả bản tập trung thu hoạch cho từng hộ gia đình, xong gia đình này mới chuyển sang gia đình khác. Trên đồi sắn, mỗi người một công việc, đàn ông có nhiệm vụ dùng cuốc để đào, nhổ sắn, phụ nữ dùng dao chặt củ sắn ra khỏi gốc rồi gom vào bì, thanh niên trai tráng có nhiệm vụ khuân vác từng bì sắn chất lên xe ô tô tải đang chờ sẵn dưới chân đồi...

Được biết, Mường Lý là một trong những xã có diện tích sắn lớn của huyện Mường Lát với gần 1.000ha. Trung bình 1ha sắn cho sản lượng khoảng 18 - 20 tấn, giá công ty nhập từ 2.100 đến 2.600 đồng/kg. Sắn được người dân trồng từ đầu tháng 3 đến tháng 12 là có thể thu hoạch. Hệ thống giao thông thuận lợi đã giúp cho hoạt động thu mua, vận chuyển sắn đi tiêu thụ thuận lợi hơn rất nhiều.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát Trần Văn Thắng, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, năm 2023 huyện đã xây dựng được bản đồ thổ nhưỡng, lựa chọn cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, tổ chức triển khai đồng bộ đến tận người dân. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức chính quyền vào cuộc, xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, triển khai danh mục dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Sắn chủ yếu được trồng xen canh với đất rừng sản xuất tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi và Tam Chung. Huyện đã kêu gọi được doanh nghiệp nông nghiệp là Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (địa chỉ tại huyện Ngọc Lặc) vào hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giúp bà con nông dân chuyển đổi cây trồng từ trồng xoan kém hiệu quả sang trồng sắn và bao tiêu sản phẩm. Năm 2023, diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện đạt khoảng gần 3.000ha, năng suất ước đạt 180 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.000 tấn, với giá sắn hiện tại toàn huyện đạt hơn 100 tỷ đồng.

Sắn đang là cây sinh kế giúp người dân nhanh chóng có thu nhập, đảm bảo cuộc sống, từ đó yên tâm trồng rừng và các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao hơn để thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Ngọc Tiến



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]