(vhds.baothanhhoa.vn) - Khu vực miền núi Thanh Hóa với nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, kết tinh giá trị văn hóa, chính là tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, để các sản phẩm thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh và trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân địa phương đang là bài toán khó...

Phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền núi - nhiều khó khăn cần khắc phục

Khu vực miền núi Thanh Hóa với nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, kết tinh giá trị văn hóa, chính là tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, để các sản phẩm thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh và trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân địa phương đang là bài toán khó...

Phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền núi - nhiều khó khăn cần khắc phụcGian hàng thực phẩm sạch và nông sản vùng miền Ngọc Điệp (Bá Thước) góp phần quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, nông sản của khu vực miền núi tại các hội chợ, triển lãm. Ảnh: Lê Hòa

Lang Chánh là huyện miền núi có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Huyện cũng đã tích cực xây dựng cơ chế khuyến khích hỗ trợ 50 triệu đồng/sản phẩm 3 sao, 80 triệu đồng/sản phẩm 4 sao... để các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Nhưng hơn 5 năm thực hiện, huyện Lang Chánh mới có 6 sản phẩm OCOP, trong đó 100% là sản phẩm OCOP 3 sao, nhiều sản phẩm tiềm năng, như: nông sản, cá tầm, sản phẩm du lịch... chưa thể gắn sao OCOP. Nguyên nhân được đưa ra là do các sản phẩm đặc trưng của huyện chủ yếu vẫn mang tính tự phát, theo phương thức thủ công; chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm hạn chế, thiếu sức cạnh tranh. Hầu hết các chủ thể sản xuất chưa có sự chủ động, linh hoạt phù hợp với sản xuất quy mô lớn, quảng bá sản phẩm để đẩy mạnh khâu tiêu thụ.

Bà Hà Thị Xem, chủ thể sản xuất sản phẩm muối chấm Mắc Khẻn Mường Đeng xã Yên Thắng, cho biết: "Như nhiều cá nhân, đơn vị khác ở miền núi có sản phẩm OCOP, chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: vùng nguyên liệu sản xuất không ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào việc thu hái của người dân; công nghệ chế biến chưa được đầu tư đồng bộ, chủ yếu là chế biến thủ công nên chưa thể tạo ra sản phẩm chất lượng đồng đều, số lượng lớn. Ngoài ra, việc tiếp cận thị trường gặp nhiều khó khăn nên việc tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế".

Khảo sát thực tế ở các huyện miền núi của tỉnh cho thấy, khó khăn trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP chính là năng lực sản xuất, khả năng chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ nên việc tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn. Tính đến tháng 5/2024, 11 huyện miền núi của tỉnh đã phát triển được 111 sản phẩm. Trong đó, chỉ 1 sản phẩm 4 sao và 110 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm chủ yếu tập trung trong nhóm thực phẩm, dược liệu và đồ uống như thịt gác bếp, măng khô, chè, rượu... Mặc dù được sáng tạo, lưu truyền lâu đời song những sản phẩm này đều được sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, việc ứng dụng sản xuất theo những tiêu chuẩn kỹ thuật còn hạn chế. Một số sản phẩm đặc thù khác như vịt Cổ Lũng, gạo nếp, thịt trâu gác bếp, khâu nhục... có giá trị kinh tế cao nhưng rất khó mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất. Các sản phẩm hiện đang duy trì ở quy mô cấp hộ gia đình, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến, bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu khiến các sản phẩm trên chủ yếu mang tính thời vụ, chưa thể đáp ứng được các đơn hàng lớn, liên tục...

Để sản phẩm OCOP của khu vực miền núi phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa là câu chuyện không hề dễ. Bởi, bên cạnh một số sản phẩm sau khi được “gắn sao” có sự ổn định về sản xuất, tiêu thụ thì cũng có nhiều sản phẩm loay hoay cầm cự trên thị trường, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại. Chị Ngọc Điệp, hộ kinh doanh thực phẩm sạch và nông sản vùng miền Ngọc Điệp (Bá Thước), cho biết: "Trên địa bàn có nhiều sản phẩm OCOP tương đồng có tiềm năng phát triển mạnh, song các chủ thể chưa biết cách để quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Do đó, gia đình tôi đã liên kết thu mua, hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm, như: vịt Cổ Lũng, măng khô, gạo nếp, mật ong và nhiều loại nông sản khác. Thông qua việc tham gia hội chợ thương mại, kênh sản phẩm quà tặng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp địa phương, chúng tôi quảng bá giới thiệu để khách hàng hiểu, tin tưởng vào sản phẩm. Từ đó, sử dụng và giới thiệu rộng rãi hơn với người tiêu dùng".

Được biết, chị Ngọc Điệp luôn tích cực tham gia các hội chợ, không gian trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp do tỉnh, các sở, ngành, địa phương tổ chức. Thông qua việc tích cực tham gia xúc tiến thương mại truyền thống, gian hàng thực phẩm sạch và nông sản vùng miền Ngọc Điệp Bá Thước đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Qua đó, nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm với các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP Thanh Hóa đã được ký kết.

Ông Bùi Công Anh, Phó chánh văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, nhấn mạnh: Muốn sản phẩm OCOP phát triển bền vững thì cần giải được bài toán xây dựng nhãn hiệu, mở rộng thị trường cho sản phẩm và thương hiệu cho chủ thể. Do đó, các huyện miền núi cần tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP chặt chẽ, khách quan, đúng quy định; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm và duy trì điều kiện, chất lượng sản phẩm sau công nhận. Khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số để quảng bá, mở rộng thị trường cho sản phẩm.

Đối với các chủ thể, cần thay đổi tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng, chú trọng hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường theo hướng đa dạng các kênh phân phối... Xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, bảo đảm cung ứng theo yêu cầu của thị trường.

Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]