Trong miền ký ức: “Kho báu” xèng
Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời...
Trong “kho tàng” ký ức tuổi thơ mỗi người, chắc chắn có một ngăn rất rộng để đựng những trò chơi. Đám trẻ làng tôi ngày ấy, có cả “thời vụ” trò chơi. Mùa quả xoan (đu) thì chơi súng “ống tóc” hoặc “ống phốc” - là súng làm bằng thân cây - mà làng tôi gọi là cây trảy, họ nhà tre, bắn quả xoan non. Mùa hè thì đánh đáo, đánh khẳng (hoặc khăng). Thu, đông thì đá bóng bưởi trên sân kho hoặc những cánh đồng khô nứt nẻ... Ban ngày thì chơi nở nụ xòe hoa, đá ngựa, bắn bi, đánh đáo, bả xèng, câu cá, bắn chim, thả diều... Tối thì chơi bắn toe, trốn tìm, thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây...
Chơi xèng là mất nhiều thời gian nhất. Xèng là nắp chai bia, chai nước ngọt được đập bẹp hoặc gò thành hình nón. Có nhiều cách chơi xèng. Nào dùng xèng thay đồng xu để chơi đánh đáo; đánh “bả” là dùng xèng hình nón – bọn tôi gọi là “xèng cộp” đập vào tường, xèng nào nảy ra xa hơn thì được quyền mổ vào xèng đối thủ, nếu xèng đối thủ bị lật mặt thì thắng. Nguy hiểm nhất là trò kéo xèng, là cắt xèng bẹp thành hình răng cưa, dùng đinh đục 2 lỗ ở giữa, xuyên dây xi măng hoặc dây dù qua 2 lỗ rồi để biến cái xèng thành một “lưỡi cưa” xoay tít để “đấu” với đối thủ, bên nào đứt dây trước sẽ thua. Bao nhiêu sẹo trên tay, trên mặt là do xèng văng hoặc cứa vào. Rồi thì đánh bài ăn xèng, lia dép ăn xèng, cho nhìn bài đổi xèng...
Ngày ấy kiếm được xèng khó lắm. Họa hoằn lắm mới có tiền để mua một chai nước khoáng Quang Hanh hay nước đậu nành lờ lợ vị đường hóa học, để có được cái nắp chai. Hoặc có khi cả bọn kéo nhau lên tận phố huyện, lê la, chờ chực ở các bãi rác ven đường, các quán giải khát, cửa hàng ăn uống để tranh nhau nhặt một vài cái nắp chai vừa rời tay khách. Bởi thế, đứa nào sở hữu một túi xèng, thỉnh thoảng lúc lắc cái túi để phát ra tiếng lắc xắc, lắc xắc... là đang sở hữu một kho báu.
Trong đám trẻ làng tôi ngày ấy, thằng Ré - hàng xóm nhà tôi, chơi xèng “nghệ” nhất. Mùa xèng năm nào nó cũng gom được cả một túi xèng to, đứa nào nhìn cũng thèm thuồng. Mỗi lần chơi xèng, nó nhét xèng căng phồng 2 túi quần, rồi sau mỗi cuộc chơi, nó phải nhét thêm cả vào 2 túi áo. Bao nhiêu “xèng cộp” mà đứa nào cũng mất rất nhiều công sức để gò, đều vào túi nó cả.
Những lúc chẳng còn cái xèng nào, tôi thường phải chơi ké, hoặc vay xèng nó, để rồi phải trả lại nào bằng bột canh mỳ tôm, kẹo mút hình quả ớt, kẹo mấu, bỏng ngô,... Một hôm, cũng gần cuối “mùa xèng” rồi, nó chìa cả túi xèng to, dễ phải đến vài trăm cái trước mặt tôi, bảo mày thích không, tao đổi lấy một thứ.
Vốn là mấy ngày trước đó, anh họ tôi ở tận Thủ đô về quê, mang về được một đôi cá vàng - đẹp mê mẩn luôn, thả vào cái bể nhỏ có hòn non bộ đắp bằng xỉ than trước nhà. Đám con nít trong làng thỉnh thoảng được bác tôi cho vào ngắm đôi cá một tí, đứa nào đứa nấy cứ gọi là ngẩn ngơ. Bác tôi còn bảo, cá vàng sắp đẻ, sắp tới sẽ có nguyên một bể cá vàng, khiến cả đám càng thêm suýt xoa.
Thứ mà thằng Ré muốn đổi là con cá vàng sắp đẻ, nó xúi tôi trộm con cá để đổi lấy túi xèng. Tôi gào lên mày điên à, muốn tao bị xé xác à.
Nhưng hôm sau, rồi hôm sau nữa, biết trong túi tôi chẳng còn xèng nào, thằng Ré cứ thỉnh thoảng lại đi ngang qua, hếch mặt lên và xúc xắc hai túi đầy ứ xèng. Thành ra cái tiếng lóc xóc ấy ám tôi cả ngày, để rồi nhân một buổi trưa, đã quen với con chó nhà bác tôi, tôi tìm đến cái bể... Cảm giác lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời đi ăn trộm, là toàn thân run lẩy bẩy, thế mà không sao ngăn được cám dỗ từ những đồng xèng.
Bác tôi tiếc con cá vàng, đi tìm khắp cả xã, thẩn thờ đến bỏ cả bữa, ốm mệt cả tháng trời. Con cá vàng về tay thằng Ré được mấy hôm, ngày nào nó cũng đi đãi con tơ hồng về cho ăn, rồi cả cám viên cho gà. Cái giống cá vàng ăn vô tội vạ, nên con cá bục cả ruột mà chết.
Còn túi xèng của tôi, được ít hôm cũng... hết mùa chơi nên có khoe cũng chẳng đứa nào màng. Thằng Ré bảo tôi cùng đào cái hố to ở góc vườn, chôn túi xèng cùng cái túi bóng đựng xác con cá vàng, năm sau đào lên chơi tiếp, chứ nhỡ để người lớn biết được, sinh nghi ngờ.
Mùa xèng năm sau, tôi tìm đào lại túi xèng, nhưng đào tung cả khoảng đất cũng chẳng thấy một mảnh xèng nào. Chỉ có cảm giác run lẩy bẩy, mồ hôi toát ra đầm đìa lúc ăn trộm con cá vàng quay trở lại, cộng với nỗi uất ức vì mọc đôi tai lừa to tướng trên đầu, dâng lên thành một cục nghẹn cả đời khó nuốt trôi.
Nguyên Phong
- 2024-10-02 16:40:00
“Hệ sinh thái” Píc-cồ-bôn làng tôi
- 2024-09-29 21:12:00
Vẫn chuyện Píc-cồ-bôn về làng tôi
- 2023-11-30 14:24:00
Công việc đếm dép!