“Tứ tung ngũ hoành” hay “tứ tung ngũ hành”?
Độc giả Trần Ngọc Thơ hỏi: “Có người nói “Tứ tung ngũ hoành” nhưng cũng có người nói là “Tứ tung ngũ hành”. Vậy tôi muốn chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa giải đáp, “hoành” hay “hành” đúng; từ láy “tứ tung” có liên quan gì đến “Tứ tung ngũ hoành/hành” hay không, và tại sao lại nói như vậy? Trân trọng cảm ơn”.
Trả lời:
Bản chính xác là “Tứ tung ngũ hoành”, không phải “Tứ tung ngũ hành”, và “tứ tung”, là nói tắt từ thành ngữ “Tứ tung ngũ hoành” 四縱五橫.
Theo sách Ngọc Hạp thông thư, khi gặp việc cấp bách không thể đợi được ngày tốt, thì chọn một giờ cát lợi để làm, gọi là phương phápTứ tung ngũ hoành.
Vậy “Tứ tung ngũ hoành” là gì? Đây là dùng phép niệm chú (念咒), thủ quyết (手決), kèm “không thư” (空書) (tức dùng ngón tay hoặc kiếm, vạch, viết chữ vào không trung) trong thuật “Kỳ môn độn giáp” (奇門遁甲).
“Kì môn độn giáp” là thuật số lấy “ất, bính, đinh” (乙,丙,丁) trong “thập can” (十干) làm “tam kỳ” (三奇), lấy “bát quái” (八卦) biến tướng thành “hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai” (休,生傷,杜,景,驚,開) làm “bát môn” (八門), nên gọi “kì môn” (奇門); trong “thập can” (十干), thì can “giáp” (甲) là tối tôn quý, nhưng không hiển lộ; “lục giáp” (六甲) thường ẩn giấu ở “mậu, kỉ, canh, tân, nhâm, quý” (戊, 己, 庚, 辛,壬, 癸), nên gọi “lục nghi” (六儀); “tam kỳ”, “lục nghi” phân bố cửu cung, mà “giáp” không độc chiếm “nhất cung”, nên gọi là “độn giáp” (遁甲). Những người theo thuật số này tin rằng, “Kỳ môn độn giáp” có thể tính toán để biết được cát hung, họa phúc.
Phép “Tứ tung ngũ hoành” áp dụng khi có việc cần phải ra đi, không thể chọn được ngày giờ hoặc hướng xuất hành tốt, thì đứng nghiêm trang giữa cổng, quay mặt ra, tặc lưỡi 36 lần, rồi dùng ngón tay trỏ vạch lên không trung 4 đường dọc (tứ tung 四縱), lại vạch tiếp 5 đường ngang (ngũ hoành 五橫), gọi là “cửu tự quyết” (九字決), hay “cửu tự chân ngôn” 九字真言 (gồm: 臨,兵,斗,者,皆,陣,列,前,行 – lâm, binh, đẩu, giả, giai, trận, liệt, tiền, hành). Vạch xong, niệm thần chú để xin thần linh phù hộ, ngăn trừ tà ma ác quỷ quấy nhiễu dọc đường, giúp cho thượng lộ bình an, đi đến nơi về đến chốn. Lời chú như sau:
“Tứ tung ngũ hoành, ngô kim xuất hành, Vũ Vương vệ đạo, Xi Vưu tỵ binh, đạo tặc bất đắc khởi, hổ lang bất đắc xâm, hành viễn quy cố hương. Đương ngô giả tử, bội ngô giả vong, cấp cấp như Cửu thiên Huyền nữ luật lệnh”, nghĩa là: “Tứ tung ngũ hoành, nay ta xuất hành, vua Vũ bảo vệ trên đường, giặc giã lui binh, đạo tặc không được hành sự, ác thú không được xâm hại, đi xa về gần, kẻ chống lại ta sẽ bị chết, kẻ phản ta sẽ bị diệt vong. Cấp cấp như Cửu thiên Huyền nữ luật lệnh”.
Nói xong thì xuất hành, đi thẳng, không quay đầu lại.
Phép “Tứ tung ngũ hoành” được áp dụng trong nhiều việc. Ví dụ: Cầu hôn, thì viết chữ “hợp”, dùng vào lúc nam nữ, bạn bè qua lại với nhau. Chợ búa thì viết chữ “lợi”, dùng khi buôn bán, trao đổi. Xuất hành thì viết chữ “thông”, dùng khi đi ra ngoài hoặc trên đường đi...
Vì “Tứ tung ngũ hoành” tạo thành 4 đường dọc và 5 đường ngang đan vào nhau, nên nó đem đến cho người ta cảm giác về sự lung tung, lộn xộn, tứ phía, dọc ngang, chỗ nào cũng có. Theo đây, trong tiếng Việt, “tứ tung”, hay “tứ tung ngũ hoành” được hiểu là sự lộn xộn, bừa bãi – một nghĩa không có trong tiếng Hán: Theo đây, “Tứ tung ngũ hoành” có tác dụng nhấn mạnh hơn là cách nói tắt “tứ tung”:
Sách Từ điển thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam (Việt Chương) giải thích “Tứ tung ngũ hoành” là “nói đến những hành động dọc ngang theo ý riêng của mình cho thỏa chí bình sanh”. Tuy nhiên, “tung hoành” 縱橫 hay “Tung hoành ngang dọc” khác với “tứ tung” hay “Tứ tung ngũ hoành”. Dường như Việt Chương đã nhầm lẫn giữa hai thành ngữ này.
Tung hoành 縱橫 là hướng tung và hướng hoành; Nam - Bắc là tung, Đông - Tây là hoành. “Tung hoành” là “dọc ngang”, Đông – Tây, Nam - Bắc, tạo cảm giác xông pha tứ phía, không có gì ngăn cản nổi. Trong Hán ngữ, “tung hoành” 縱橫 có một số nghĩa như: vẻ tạp loạn (雜亂貌); phân tán, phát tán (分散貌); hùng kiện, không bị câu thúc (雄健奔放). Trong tiếng Việt, “ngang dọc”, “dọc ngang”, hay “Tung hoành ngang dọc” cũng được dùng với nghĩa hoạt động một cách mạnh mẽ và ngang dọc theo ý muốn, không gì ngăn cản nổi.
Như vậy, chỉ có “Tứ tung ngũ hoành”, chứ không có “Tứ tung ngũ hành”, và “tứ tung” 四縱 (bốn đường dọc) là nói tắt từ thành ngữ “Tứ tung ngũ hoành” 四縱五橫 (Bốn đường dọc, năm đường ngang), vốn là phép niệm chú trong thuật “Kì môn độn giáp”, chứ không phải là “từ láy”.
Hoàng Tuấn Công (CTV)
- 2024-11-14 10:31:00
Trung Quốc khai quật hơn 90.000 hiện vật thời đồ đá cách đây hơn 5.000 năm
- 2024-11-14 10:12:00
500 nghệ sĩ quy tụ tại chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Cùng nhau giữ nước”
- 2024-11-11 15:37:00
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Cuộc đời vẫn đẹp sao”
Những thành tích đầu tiên của Nam vương Tuấn Ngọc tại Mr World 2024
Mỗi thanh niên là một sứ giả văn hóa
Ảnh hưởng của địa lý tới vị thế của quốc gia
Hãy để tuổi trẻ viết tiếp câu chuyện văn hóa
“Hương đảng” không phải là “Phe cánh trong làng”
Tướng quân Nguyễn Phan
Tác phẩm về sự sáng tạo trong việc học ngôn ngữ giành giải cuộc thi Pháp ngữ
Người trẻ và sứ mệnh giữ gìn văn hóa dân tộc: Khi người trẻ giữ “lửa”
Triển lãm nghệ thuật “Phan Huỳnh Điểu-Cánh chim bay về”