(vhds.baothanhhoa.vn) - Độc giả Cao Xuân Thiện (21/4 Kha Vạn Cân - TP Vũng Tàu) hỏi: “Tôi thấy nhiều người viết “Thuốc đắng dã tật”, nhưng có người lại viết là “Thuốc đắng đã tật”. Đề nghị chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết bản nào của thành ngữ này đúng?”.

“Đã tật”, “Rã tật”, hay “Dã tật”?

Độc giả Cao Xuân Thiện (21/4 Kha Vạn Cân - TP Vũng Tàu) hỏi: “Tôi thấy nhiều người viết “Thuốc đắng dã tật”, nhưng có người lại viết là “Thuốc đắng đã tật”. Đề nghị chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết bản nào của thành ngữ này đúng?”.

“Đã tật”, “Rã tật”, hay “Dã tật”?

Trả lời:

Hầu hết các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay, đều thu thập bản Thuốc đắng dã tật. Điển hình như:

- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên): “thuốc đắng dã tật • thuốc tuy đắng nhưng chóng khỏi bệnh, cũng như lời nói thẳng tuy khó nghe nhưng bổ ích [vì vậy chớ tự ái, nóng giận khi nghe lời nói thẳng, nói thật]”.

- Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên): “thuốc đắng dã tật • (thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng), Thuốc đắng thì chóng khỏi bệnh (dùng như một lời khuyên: lời nói thẳng khó nghe nhưng bổ ích, chớ nóng giận, tự ái khi nghe lời nói thẳng)”.

- Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung – Vũ Thúy Anh – Vũ Quang Hào): “thuốc đắng dã tật [Dược khổ lợi bệnh; Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng] (dã: làm giảm, làm mất tác dụng của chất độc hại đã hấp thụ trong cơ thể; tật: bệnh tật, thói xấu). Thuốc đắng thì chóng khỏi bệnh, lời nói thẳng khó nghe nhưng bổ ích, chớ nóng giận, tự ái khi nghe lời nói thẳng”.

- Riêng Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân) đưa ra dị bản “thuốc đắng rã tật” và giảng: “Nói phương pháp sửa chữa mạnh mẽ nhằm khắc phục khuyết điểm của ai: Thuốc đắng rã tật, sự thật mất lòng (tng)”.

Đọc những dòng giải thích trên đây, chúng ta thấy có một điểm chung, là các nhà biên soạn từ điển đều giảng hai chữ “dã tật” là “chóng khỏi bệnh”. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, dã không có nghĩa nào là “khỏi”, mà chỉ có nghĩa là “làm giảm, làm mất tác dụng của chất, thường là có hại, đã hấp thu vào trong cơ thể; VD: ăn chè đậu xanh cho dã rượu” (Từ điển Hoàng Phê); “làm giảm, làm mất tác dụng của chất độc hại đã hấp thụ trong cơ thể” (Từ điển của Nhóm Vũ Dung).

Ngoài ra, trong thực tế còn có cả bản Thuốc đắng ĐẢ tật, trong đó, “đả” được hiểu là “đánh” (thuốc đắng “đánh” vào bệnh tật); Thuốc đắng GIÃ tật (“giã” được hiểu là “đâm” vào bệnh tật).

Tuy nhiên, “đả tật”, “giã tật”, hay “rã tật” (bản của GS Nguyễn Lân) cũng đều không có nghĩa là “khỏi bệnh” (“rã” = rời nhau ra, không còn kết dính với nhau thành khối như ban đầu; “đả”; “giã” = đánh, đâm, nhưng kết quả đến đâu thì không thể khẳng định).

Như vậy, mặc dù cách nhà biên soạn từ điển có sự thống nhất khá cao khi thu thập bản Thuốc đắng DÃ tật, nhưng trong khoa học, cái đúng có khi lại không thuộc về số đông.

Vậy, bản nào mới là đúng?

Câu trả lời: Thuốc đắng ĐÃ tật, là bản chính xác và là bản chính của các dị bản Thuốc đắng DÃ tật; Thuốc đắng RÃ tật; Thuốc đắng ĐẢ tật; Thuốc đắng GIÃ tật.

“Đã” là từ cổ (hiện còn phổ biến trong phương ngữ Thanh Hóa), có nghĩa là khỏi, hết; đã tật nghĩa là khỏi bệnh, hết bệnh. Ví dụ: Ông/bà uống thuốc có thấy đã không?; Tôi uống hết ba thang thuốc mà vẫn chưa thấy đã; Uống nhiều nước mới đã khát; Đã thèm...

Về từ điển, chúng ta có thể dẫn ra hàng loạt cứ liệu đáng tin cậy trong các thư tịch cổ có uy tín như:

- Từ điển Việt - Bồ - La (Alexandre de Rhodes - 1651) ghi nhận: “đã: được khỏi bệnh. Đã đã: nó đã khỏi bệnh, hoặc nếu nó đã khỏi bệnh”.

- Đại Nam Quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của - 1895): “Đã lành: Lành bịnh rồi”; “Lành đã [id] Không còn bịnh nữa”; “Đau chóng đã chầy: Tiếng khuyên người bệnh chẳng khá sờn lòng”.

- Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức - 1931): “đã • Khỏi <> Đau chóng, đã chầy (T-ng). Văn-liệu: Khó muốn giàu, đau muốn đã. Thuốc đắng đã tật, sự thật hay mất lòng (T-ng).”.

Không chỉ có từ điển cổ xưa, chính các cuốn từ điển hiện đại đã thu thập bản “Thuốc đắng DÃ tật” mà chúng tôi liệt kê trên đây, cũng giảng nghĩa từ đã, với nghĩa khỏi bệnh, như sau:

- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê): “đã Iđg. [cũ] khỏi hẳn bệnh: Mẹ tôi uống đủ các thứ thuốc mà bệnh vẫn chưa đã ~ Chẳng biết đến khi nào bệnh của tôi mới đã.”.

- Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý): “đã • tt., (đgt.) Khỏi hẳn bệnh: thuốc đắng đã tật (tng.) <> đau chóng đã chầy”.

- Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung, sách đã dẫn): “đau chóng đã chầy [...] (đã: khỏi; chầy: chậm). Khuyên người bệnh không nên ngã lòng (vì lúc mới mắc bệnh tăng rất nhanh, lúc sắp khỏi bệnh giảm từ từ)”.

- Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân): “đã • đgt. 1 Chữa khỏi <> Thuốc đắng đã tật (tng); Khó muốn giàu, đau muốn đã (tng)”.

Có thể nói, các nhà biên soạn từ điển đã đúng khi thu thập và giảng từ đã với nghĩa là khỏi, khỏi hẳn bệnh. Tiếc rằng, phần lớn các soạn giả lại không kết nối, sử dụng được tri thức này để viết cho chính xác câu Thuốc đắng ĐÃ tật, dẫn đến cho ra đời nhiều dị bản không chuẩn về từ ngữ.[*]

Như vậy, bản chính xác của câu tục ngữ là THUỐC ĐẮNG ĐÃ TẬT. Đây là bản rút gọn của “Thuốc đắng [thì] đã tật”. Câu này có khi được ghép thêm vế sau thành Thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng.

Một số bản như: Thuốc đắng dã tật, Thuốc đắng đả tật, Thuốc đắng giã tật,... có thể được xem là dị bản của bản chính Thuốc đắng ĐÃ tật. Tuy nhiên, một khi chúng ta đã hiểu rõ nghĩa của từ “đã” trong Thuốc đắng đã tật, là khỏi, khỏi hẳn bệnh, thì không nên dùng các dị bản thiếu chính xác nói trên.

Hoàng Tuấn Công

[*]- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, sách đã dẫn), có thu thập Thuốc đắng ĐÃ tật, nhưng không giải thích, mà chuyển chú xem Thuốc đắng DÃ tật. Theo đây, cuốn từ điển này coi “dã tật” là bản chính, còn “đã tật” là dị bản, trong khi phải làm ngược lại mới đúng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]