(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng Hội Triều, xã Hoằng Phong là địa danh nổi tiếng ở huyện Hoằng Hóa. Theo sách: “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa”, lịch sử hình thành dân cư ở đây có từ rất sớm, khởi đầu với cái tên làng Hội Triều: “Cuối thiên kỷ thứ nhất, toàn địa bàn Hoằng Hóa đã có làng mạc dân cư.

Làng Hội Triều ngày ấy, bây giờ

Làng Hội Triều, xã Hoằng Phong là địa danh nổi tiếng ở huyện Hoằng Hóa. Theo sách: “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa”, lịch sử hình thành dân cư ở đây có từ rất sớm, khởi đầu với cái tên làng Hội Triều: “Cuối thiên kỷ thứ nhất, toàn địa bàn Hoằng Hóa đã có làng mạc dân cư.

Làng Hội Triều ngày ấy, bây giờCổng chào thôn Nam Hội Triều, xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa).

Có thể kể đến một số làng mà đến thời Lý cư dân đã sinh cơ lập nghiệp, như: Hội Triều, Nhuệ Hoàng, Đại An, Đặc Đạt, Đạt Tài, Hạ Vũ... Đến thời Trần, làng xã không mở rộng thêm. Về sau cư dân từ nơi khác đến hoặc là từ các làng xã cũ san ra chỉ là xen kẽ vào vùng dân cư còn thưa thớt mà thôi”. Người xưa gọi tên làng Hội Triều chỉ đơn giản là do địa thế của làng ở vào nơi có các con sông hội tụ và có nước thủy triều lui tới. “Địa chí làng Hội Triều” ghi rõ: “Từ hơn ba trăm năm trở lại đây, sông Mã đổi dòng, đổ ra biển ở cửa Hội Triều, bến nước sát rìa phía Đông Nam của làng...”.

Trải qua nhiều thay đổi về mặt địa lý và biến thiên của lịch sử, làng Hội Triều ngày nay có 2 thôn: Bắc Hội Triều và Nam Hội Triều. Lịch sử hình thành và phát triển làng Hội Triều gắn liền với vai trò của các dòng họ như: Lương, Trương, Hoàng Đình, Hoàng Văn, Trần, Cao, Nguyễn, Lê... Đây còn là địa danh được xem là “cái rốn” khoa bảng của đất học Hoằng Hóa, là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất cho quê hương, đất nước. Trong đó không thể không nhắc đến những đóng góp quan trọng của hai nhân vật tiêu biểu, lưu danh sử sách quê hương, đất nước là: Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (1472-1516), Thượng thư Lương Hữu Khánh (1517-1590) - con trai của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Những tinh thần, cốt cách, sự nghiệp như Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, Thượng thư Lương Hữu Khánh gắn với các di tích lịch sử - văn hóa đã góp phần làm nên truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Theo thời gian, những tác động về mặt tự nhiên và nỗ lực quai đê, lấn biển của con người khiến cho biển lùi, làng Hội Triều không còn nằm sâu trong cửa biển mà cửa biển cũng theo đó lùi xa về phía Đông Nam, chính là cửa biển Lạch Hới, TP Sầm Sơn hiện nay. Song miền quê ấy vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tinh thần, cốt cách, truyền thống của quê hương vẫn luôn ảnh hưởng sâu sắc đến hệ tư tưởng và tính cách của người dân ở làng Hội Triều qua nhiều thế hệ. Họ luôn sáng tạo trong học tập và lao động sản xuất, dũng cảm, kiên cường trong kháng chiến, đoàn kết, mạnh mẽ, quyết đoán trong thực hiện các phong trào chung. Hơn ai hết, những người từng sinh ra, lớn lên và gắn bó với mảnh đất này cảm nhận rõ điều đó.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng quê này đã sinh ra, nuôi dưỡng những thế hệ thanh niên hăng hái lên đường chiến đấu, cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chỉ tính riêng ở 2 thôn Bắc Hội Triều và Nam Hội Triều đã có 8 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 8 lão thành cách mạng, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, 68 liệt sĩ, hàng chục thương binh, bệnh binh đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường.

Trong giai đoạn phát triển mới ngày nay, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết đoán trong làm ăn, kinh tế phát triển, đời sống nâng lên, người dân quan tâm hơn đến đời sống tinh thần, họ đóng góp nhiều hơn cho công cuộc kiến thiết quê hương. Tinh thần hăng hái, xung kích đi đầu cũng là nhân tố quan trọng tạo “đòn bẩy” để 2 thôn gắn liền với cái tên Hội Triều trở thành 2 thôn đầu tiên của xã Hoằng Phong “cán đích” thôn NTM kiểu mẫu và cũng là những thôn kiểu mẫu đầu tiên trong vùng Đông Nam của huyện Hoằng Hóa.

Thôn Bắc Hội Triều được công nhận là thôn NTM kiểu mẫu năm 2021. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng thôn NTM kiểu mẫu ở Bắc Hội Triều trong năm 2021 là hơn 5,1 tỷ đồng, trong đó, Nhân dân đóng góp hơn 2,7 tỷ đồng để xây dựng các công trình trong thôn. Có nguồn vốn để đầu tư, chỉnh trang, xây mới, diện mạo nông thôn, cảnh quan khu dân cư khởi sắc rõ rệt.

Ông Lương Anh Mát, sau nhiều năm đi xa về sống tại quê nhà đã cảm nhận rõ rệt sự đổi thay phát triển của làng quê, phấn khởi cho biết: "Ngày xưa khốn khó bao nhiêu thì nay nhờ xây dựng thôn NTM kiểu mẫu mà đường làng, ngõ xóm mở rộng, nhựa hóa sạch sẽ thông thoáng, giao thương hàng hóa thuận lợi, Nhân dân có điều kiện để mở rộng phát triển sản xuất, đời sống tinh thần được nâng lên. Thế mới thấy giá trị của sự nỗ lực, đoàn kết và tinh thần quyết tâm vì mục tiêu làng quê ngày càng đẹp hơn".

Ở thôn Nam Hội Triều, thôn NTM kiểu mẫu năm 2022, có diện tích tự nhiên lớn và dân số đông. Theo ông Trương Thế Duyên, trưởng thôn, toàn thôn có 267 hộ với 1.016 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên là 95,3 ha. Khu dân cư của thôn được chia thành 13 cụm với 2 tuyến đường chính và 13 đường ngõ xóm gắn với 13 cổng vào các cụm dân cư, hệ thống giao thông với chiều dài khoảng hơn 3 km. Khi xây dựng thôn NTM kiểu mẫu thì tiêu chí khó khăn nhất có lẽ là tiêu chí giao thông, làm rãnh thoát nước trong khu dân cư bởi tiêu chí này cần nhiều kinh phí, cần sự chia sẻ của Nhân dân trong việc hiến đất, hiến công trình để mở rộng đường. Vì vậy, trên tinh thần “càng vận động ủng hộ, càng giảm mức đóng góp cho Nhân dân”, cán bộ, Nhân dân trong thôn đã vận động từ các hộ có con em là cán bộ, đảng viên để gương mẫu thực hiện trước, rồi đến các hộ dễ vận động và lan tỏa dần đến các khu dân cư. Các hộ hiến đất được thôn tuyên dương trên loa của thôn và lấy đó để nhân rộng điển hình. Riêng thôn Nam Hội Triều có 36 hộ hiến 305m2 đất thổ cư; 415m2 tường rào và 25 cổng ngõ và cây lâu năm để mở rộng làm đường giao thông và rãnh thoát nước, với tổng giá trị tài sản trên đất lên đến 725 triệu đồng.

Ông Duyên tự hào: Khi xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, thôn Nam Hội Triều huy động người dân đóng góp theo khẩu ở mức thấp nhất trong xã, song lại là thôn có tổng số tiền ủng hộ cao nhất xã. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng thôn NTM kiểu mẫu trong năm 2022 là hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp, ủng hộ để xây dựng các công trình với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Trong số đó, nguồn kêu gọi xã hội hóa đầu tư chỉnh trang nhà văn hóa, đường giao thông, cổng chào, điện sáng cao áp... đã đạt trên 1,1 tỷ đồng.

Ông Duyên hào hứng kể về những công trình điểm nhấn mà thôn đã làm được, nào là tổ chức xây dựng rãnh thoát nước có nắp đậy khu dân cư 1,5 km; nâng cấp rải thảm nhựa 4 tuyến đường giao thông chiều dài 1,2 km; nào là hệ thống điện sáng cao áp công cộng 2,7 km; chỉnh trang khuôn viên sân, khu vui chơi thể thao nhà văn hóa; xây dựng mới 1 cổng chào thôn và 7 cổng chào cụm dân cư; bổ sung bồn hoa với tổng chiều dài 0,9 km, quét vôi ve tường rào, cổng ngõ... Tất cả những công trình đều ghi dấu ấn của Nhân dân và những người con xa quê.

Làng quê đổi mới và phát triển, những người đi xa mỗi lần trở về lại thêm phần phấn khởi bởi không đâu bằng quê hương. Truyền thống làng quê Hội Triều ấy luôn thôi thúc những thế hệ ngày nay chung tay góp sức vẽ lên bức tranh làng quê hội đủ các yếu tố sản xuất phát triển, đời sống văn minh, thôn làng sạch đẹp. Đúng như lời đồng chí Nguyễn Sỹ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong, nhận định: Với bề dày về truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa, Nhân dân và cán bộ ở 2 thôn Bắc Hội Triều và Nam Hội Triều đã phát huy truyền thống, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân, huy động sự tham gia tích cực vào thực hiện chương trình xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, thực sự trở thành “hạt nhân” góp phần quan trọng vào phong trào chung của xã Hoằng Phong.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]