(vhds.baothanhhoa.vn) - Khua luống là loại hình diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc Thái nói chung và đồng bào dân tộc Thái huyện Quan Sơn nói riêng. Để diễn xướng khua luống sẽ phải chọn cây gỗ to đục một lỗ hổng rộng để tạo âm thanh và dùng những chiếc gậy bằng gỗ vừa tay cầm dài khoảng 1,5m để đánh vào thân gỗ. Tham gia khua luống thường có từ 6 đến 8 người nữ, trong đó một người làm cái, một người gõ nhịp và các cặp còn lại dùng những chiếc gậy gỗ gõ vào thành của cây gỗ theo nhịp phách, tạo thành một loại âm thanh rộn ràng hòa lẫn tiếng trống, tiếng chiêng tạo nên không khí lễ hội tưng bừng, rộn rã.

Quan Sơn gìn giữ và phát huy nghệ thuật khua luống

Khua luống là loại hình diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc Thái nói chung và đồng bào dân tộc Thái huyện Quan Sơn nói riêng. Để diễn xướng khua luống sẽ phải chọn cây gỗ to đục một lỗ hổng rộng để tạo âm thanh và dùng những chiếc gậy bằng gỗ vừa tay cầm dài khoảng 1,5m để đánh vào thân gỗ. Tham gia khua luống thường có từ 6 đến 8 người nữ, trong đó một người làm cái, một người gõ nhịp và các cặp còn lại dùng những chiếc gậy gỗ gõ vào thành của cây gỗ theo nhịp phách, tạo thành một loại âm thanh rộn ràng hòa lẫn tiếng trống, tiếng chiêng tạo nên không khí lễ hội tưng bừng, rộn rã.

Quan Sơn gìn giữ và phát huy nghệ thuật khua luốngKhua luống của đồng bào dân tộc Thái huyện Quan Sơn được biểu diễn tại Lễ hội Mường Xia năm 2023.

Các cụ cao niên ở đây cho biết, khua luống có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Khua luống bắt nguồn từ lao động, sản xuất của người dân nơi đây. Với người phụ nữ dân tộc Thái, giã gạo là việc làm quen thuộc hàng ngày để tạo nên bữa cơm gia đình. Trong khi giã gạo, người phụ nữ thường khua thêm vài nhịp chày vào thành luống hay gõ các chày với nhau tạo nên những âm thanh hấp dẫn, xua tan những áp lực của cuộc sống. Trải qua thời gian, khua luống trở thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ, tết, ngày cưới...

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy Hà Văn Thể cho biết: Trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Thái chiếm 70%. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số nói chung, khua luống nói riêng, cấp ủy, chính quyền xã Sơn Thủy đã xây dựng kế hoạch, huy động nguồn kinh phí khôi phục các giá trị văn hóa, trong đó có khua luống.

Bà Lương Thị Tượm (55 tuổi), người tâm huyết với loại hình diễn xướng khua luống ở bản Muống, xã Sơn Thủy cho biết: Khua luống đã ngấm vào “máu thịt” tôi từ khi mới lên 8 tuổi. Khi ấy, nhìn các bà, các mẹ diễn xướng tôi rất đam mê và quyết tâm học tập. Được sự chỉ dẫn của bà, của mẹ, 13 tuổi tôi đã biểu diễn thành thạo khua luống. Để gìn giữ và phát huy loại hình diễn xướng này, tôi tranh thủ thời gian nông nhàn, tập luyện cho nhiều chị em trong bản cách trình diễn xướng khua luống. Thông qua những buổi tập luyện nhiều chị em am hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc, cùng nhau gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của ông cha.

Ông Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn cho biết: “Thời gian qua huyện Quan Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục những giá trị tốt đẹp của loại hình diễn xướng khua luống. Khuyến khích các địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; quan tâm đưa nghệ thuật trình diễn khua luống vào các chương trình văn nghệ. Động viên những người am hiểu về loại hình diễn xướng khu luống truyền dạy cho thế hệ trẻ. Vào những dịp lễ, tết, âm thanh rộn ràng, náo nức của tiếng khua luống hòa trong tiếng trống, tiếng chiêng của đồng bào Thái lại vang lên khắp núi rừng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân".

Bài và ảnh: Hải Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]