(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Là anh hùng giải phóng dân tộc kiệt xuất, người đã lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn giành lại giang sơn đất nước, là vị vua khai sáng một vương triều, việc thờ cúng Lê Lợi đã trở thành quốc lễ trên quê hương ông cũng là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa, nơi ông yên nghỉ vĩnh hằng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tục thờ cúng, diễn xướng dân gian và tục ngữ, ca dao về hình tượng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn

(VH&ĐS) Là anh hùng giải phóng dân tộc kiệt xuất, người đã lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn giành lại giang sơn đất nước, là vị vua khai sáng một vương triều, việc thờ cúng Lê Lợi đã trở thành quốc lễ trên quê hương ông cũng là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa, nơi ông yên nghỉ vĩnh hằng.

Ông còn được thờ cúng ở Thái miếu nhà Lê và rất nhiều địa phương khác. Các tướng lĩnh như Lê Lai, Lê Thạch, Lê Khôi, Trịnh Khả, Lê Sát, Lê Văn An, Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Niệm, Võ Uy… cũng như nhiều nhân vật vô danh khác như Quốc Mẫu, Mẫu Hậu… cũng được lập đền thờ ở nhiều địa phương. Loại bỏ những tục lệ tiêu cực trong tín ngưỡng thờ thần, thánh ta thấy yếu tố tích cực nổi trội hơn nhiều. Vật phẩm thông thường để cúng vua là hương hoa, trầu, rượu thịt, trên bàn thờ đôi khi có cả đĩa tép rang, canh rau quì (dền), cơm lam, thịt gà thui, canh uôi, cá nướng, canh thịt khỉ, tấm vải, váy thô…

Trong tâm thức dân gian đó là những vật phẩm mà Lê Lợi được người dân dâng tặng trong những lúc khó khăn. Hoặc đó là vật phẩm, món ăn được Lê Lợi di chúc lại cho con cháu. Với thái độ trân trọng, thành kính những lễ vật dâng cúng giản dị, nhưng đã trở thành tục lệ, tín ngưỡng trong nếp sống, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng từ đời này qua đời khác.

Ở nhiều vùng đồng bào Thái, Mường Thanh Hóa còn lưu giữ một số tục thờ, kiêng khem liên quan đến Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn. Một số vùng người dân kiêng ăn thịt ba ba, chim cuốc, kỳ đà… những con vật giúp Lê Lợi và nghĩa quân thoát nạn những lúc khó khăn. Khi đi lấy củi, làm rẫy trong rừng một số nơi người dân tránh xa vùng có cây xẻ, là loại cây Lê Lợi ẩn nấp thoát khỏi lũ giặc và bầy chó ngao. Trong quan niệm của họ đó chính là cây thần đã có công với nước.

Những tưởng niệm thờ cúng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn đã trở thành tập quán sinh hoạt, gắn với diễn xướng dân gian được phổ biến ở nhiều vùng miền trong tỉnh. Ở làng Sắt, Ngọc Lặc có diễn trò hình nộm để tri ân hành động gan dạ bất khuất của hai vợ chồng ông bà già họ Phạm người Mường dám chịu cực hình để cứu cả dân làng khỏi chết vì đã giúp Lê Lợi trong một trận tấn công đồn giặc.

Ở vùng xuôi tại Cổ Bôn, xã Đông Thanh, Đông Sơn có trò Ngô gắn với khởi nghĩa Lam Sơn. Làng Vệ Yên, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa có trò chạy chữ “Thiên hạ thái bình” trong đó trai tráng diễn trò chia làm hai phe quân ta và quân Ngô xông vào nhau đánh giáp lá cà và bao giờ quân ta cũng thắng. Trò múa rối “Lam Sơn khởi nghĩa ở làng Chuộc (nay là Phúc Lộc, Thiệu Tiến, Thiệu Hóa) gồm các tích Lê Lợi đi cày, Lê Lợi đánh Liễu Thăng, Lê Lợi dạo chơi trên hồ Hoàn Kiếm. Trò Thủy ở Đông Sơn được cho là chúc mừng, ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Nhưng đặc biệt hơn cả là những trò diễn được triều đình tổ chức mỗi dịp các vua triều Lê xa giá về Lam Kinh bái yết lăng miếu. Lễ hội có đánh trống đồng, quan võ múa khúc “Bình Ngô phá trận” quan văn múa khúc “Chư hầu lai triều” mà sử sách từng ghi có người xem cảm động đến phát khóc. Từ lễ hội cung đình được tổ chức qui mô trang trọng trải qua năm tháng dần thu hẹp trở thành lễ hội dân gian phân tán ở các vùng, miền. Rất tiếc vũ khúc “Bình Ngô phá trận” và “Chư hầu lai triều” đã thất truyền. Một số ý kiến các nhà nghiên cứu cho rằng nó còn là những “mảnh vỡ” sót lại trong hệ thống trò Xuân Phả, ngũ trò Bôn. Viên Khê (Đông Sơn) hoặc các trò chơi, trò diễn mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi tại TP Thanh Hóa. (Ảnh: Hữu Ngôn)

Hình tượng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn còn được phản ánh qua tục ngữ, ca dao, thơ ca dân gian với thái độ trân trọng tự hào như:

“Sâu nhất là sông Bạch Đằng

Ba lần giặc đến ba lần giặc tan”

“Cao nhất là núi Lam Sơn

Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra”

-“Ai lên Biện Thượng Lam Sơn

Nhớ vua Lê Lợi chặn đường giặc Minh”

Hay đó còn là khí thế nô nức của nhân dân từ nhiều vùng miền tìm về đất Lam Sơn tụ nghĩa như:

“Người kéo về dằng dặc

Người rước nhau ùn ùn

Từ đất Đô Kỳ, Đô Lam kéo đến

Người Mường cũng vác dao, vác kiếm

Đi chật suối, chật rừng

Để hòng giết hết giặc đang đến mường ta cướp phá”

Hoặc đó còn là niềm tin son sắt vào sự nghiệp đánh đuổi giặc Ngô mà nhân dân vững tin ở vị “minh chủ” của mình:

“Muốn cho lúa đầy bồ

Muốn cho kê đầy dón

Mùa tháng hai, tháng ba trọn

Anh đi theo ông Lê Lợi ở đất làng Cham”

Cuộc chiến đánh giặc oai hùng, oanh liệt của Lê Lợi vẫn còn khắc sâu trong tâm thức nhân dân như:

“Quê tôi ở đất Cẩm Bào

Ai muốn đánh giặc thì vào quê tôi

Ăn trầu thì nhớ đến vôi

Ai muốn đánh giặc nhớ thời vua Lê”

Những khó khăn gian nan, vất vả nơi rừng núi cũng không thể ngăn nổi bước chân khi nhân dân đặt niềm tin thiêng liêng vào sự nghiệp của Lê Lợi:

“Ăn củ nâu, củ môn trong rừng

Dẫu người có phải hóa ra trâu

Thì trâu mài sừng theo vua Lê”

Hình tượng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn còn hiện lên qua sự chào đón, tự hào của người dân như:

“Nhong nhong ngựa ông đã về

Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”

-“Lạy trời cho cả gió lên

Cho cờ vua Bình Định bay trên kinh thành”

Hoặc: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông

Con dắt con bế, con bồng, con mang”

Đó còn là hình tượng đẹp đẽ của Lê Lợi một con người nghĩa tình trọn vẹn đối với những người đã từng cưu mang giúp đỡ mình lúc nguy khốn như:

“Hăm mốt Lê Lai

Hăm hai Lê Lợi

Hăm ba giỗ mụ hàng dầu”

Những tình cảm mến yêu, sự trân trọng, thành kính của nhân dân ta với Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn đều xuất phát từ tấm lòng chân thành, sự tri ân đối với những đóng góp lớn lao, vĩ đại của Lê Lợi với sự nghiệp cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Quan niệm, lý tưởng thẩm mỹ đó lại càng khẳng định truyền thống yêu nước nồng nàn, khát khao hòa bình và sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn để giành, giữ vững độc lập dân tộc trước mọi thế lực hung bạo của thời đại.

Phạm Minh Trị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]