(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi mà tôm, cá đánh bắt tự nhiên khó khăn hơn, thì những gã người làng tôi, xã tôi đua nhau sắm kích điện, lưới quét. Nước mau thành ra cũng dại đi vì bị chích điện, chẳng còn sinh ra được tôm, cá nữa.

Cái mau làng tôi

Khi mà tôm, cá đánh bắt tự nhiên khó khăn hơn, thì những gã người làng tôi, xã tôi đua nhau sắm kích điện, lưới quét. Nước mau thành ra cũng dại đi vì bị chích điện, chẳng còn sinh ra được tôm, cá nữa.

Cái mau làng tôi

Minh họa của Hà Hiếu.

Trong câu chuyện về mụ Đốp “độp” nghèo khổ mà sau này người làng tôi trìu mến gọi là bác Đào – người phụ nữ đã cống hiến tuổi xuân cho kháng chiến, tôi đã nhắc đến con sông - nơi bác Đào mưu sinh cực nhọc nửa đời người.

Thực ra thì người làng tôi đều gọi đó là cái mau nước - hay một nhánh sông cụt, chạy quanh co chia xã tôi ra làm 2 nửa. Làng tôi nằm ven bờ mau, muốn sang làng bên nhanh nhất thì chỉ có cách chèo thuyền - ban đầu là thuyền thúng, thuyền mui đan bằng tre, trát nhựa đường, sau thì có thêm thuyền tôn.

Các cụ cao niên trong làng nói rằng, cái mau hình thành từ một trận vỡ đê sông lớn từ ngày xửa ngày xưa. Hàng năm vào mua mưa lũ, nước từ sông lớn vẫn tràn vào, có những năm gây lụt lội khắp xã.

Cái dạo bác Đào còn mò trai bắt ốc ven bờ mau, nước mau sạch lắm, nhất là quãng thời gian từ thu sang xuân, sắc nước trong xanh in cả bóng mây trời. Dọc bờ mau, không biết bao nhiêu là bến nước. Làng tôi cũng có bến nước kê bằng những phiến đá dài, được mài nhẵn bóng bởi bước chân của không biết bao nhiêu thế hệ người làng.

Bến nước là nơi chúng tôi một thời thơ dại lao mình xuống dòng nước mát lành mà thi bơi, thi ngụp. Là nơi mỗi buổi chiều các bà, các mẹ băm bèo, thái chuối, rửa rau, giặt giũ; nơi những ông và bố vệ sinh nông cụ sau những giờ lao động cực nhọc trên đồng.

Dòng nước trôi đi những giọt mồ hôi, trôi đi những cực nhọc, lo toan và đắp đổi lại bằng những giọng cười trong trẻo có, sảng khoái có và ý nhị có.

Bến nước cũng là nơi lũ chúng tôi một thời lùa trâu bơi sang bãi chăn, rồi cưỡi trâu trở về với một bọc quả găng trong bụng áo làm đạn, để “thủy chiến” dậy sóng một khúc mau.

Lại có những buổi, sau chiến trận mệt nhoài, cả bọn bì bỏm lặn ngụm, dò dẫm, chừng thấy cồm cộm dưới bàn chân thì hụp xuống mà móc lên những con trai to bằng bàn tay người lớn. Trai mang về trút vào vại nước mưa cho sạch ruột, sau thì nấu cháo hay canh mùng tơi đều ngon ngọt đến tê đầu lưỡi.

Cá, tôm ở mau thì nhiều vô kể. Nhưng đặc biệt nhất là vào những ngày sương mù, cá linh – những con cá nhỏ bằng đầu tăm, trong suốt, nổi lên ken đặc, dùng vợt vớt được cả rá đầy. Cá linh nấu canh chua thì ngon không thể tả.

Dạo ấy, người làng chỉ dùng vài tay lưới bén, hay buộc dây câu vào những tàu lá dừa, cành tre gai là là mặt nước, chừng một buổi là đủ cá ăn cho cả nhà. Chẳng ai có nhu cầu đánh bắt thêm. Bắt được nhiều thì chia bớt phần cho hàng xóm.

Nước mau quanh năm không bao giờ cạn, cũng bởi vậy mà những lúa, ngô trên đồng bãi quanh năm mỡ màng. Nhìn lúa, ngô mây mẩy những bông cùng bắp, đủ biết sự trù phú của làng tôi, xã tôi.

Thế rồi một hôm trên mau xuất hiện cái thuyền tôn với bộ kích điện. Tôm cá dính điện giẫy đành đạch rồi ngửa bụng, phơi trắng một thuyền. Một thuyền cá thời đấy, bán cũng chẳng được mấy đồng, ăn thì không hết, nhưng nó thỏa mãn bản năng của cái - con - người cầm kích điện.

Khi mà tôm, cá đánh bắt tự nhiên khó khăn hơn, thì những gã người làng tôi, xã tôi đua nhau sắm kích điện, lưới quét. Nước mau thành ra cũng dại đi vì bị chích điện, chẳng còn sinh ra được tôm, cá nữa.

Rồi có người làng tôi thầu một đoạn, người làng khác thầu một đoạn, cái mau bị đăng ngăn thành dăm bảy khúc. Đủ các loại cá được thả nuôi, đủ các loại thức ăn được vãi xuống. Cá thu hoạch hàng tấn, béo núc ních. Nước mau thì bị đầu độc đến độ lờ đờ, nhợt nhạt, nổi đầy váng đen váng đỏ với những bọt nước ung nhọt, lều phều.

Những chuồng gà, chuồng lợn lại thi nhau mọc lên hai bên bờ và tống hết xuống mau những sản phẩm sau cùng trong hệ tiêu hóa của vật nuôi.

Đám thanh niên lũ lượt rời làng đi tìm sinh kế. Nhà cao tầng ở làng tôi, xã tôi mọc lên ngày càng nhiều, và bọn con nít từ đó cũng dần thu hẹp không gian giải trí trong màn hình phẳng.

Người già cũng theo nhau ra khu đất bãi ven chân núi. Chẳng còn ai vương vấn về cái mau nước nữa, dù nó vẫn nằm đấy, chia đôi xã tôi làm 2 nửa. Có một lớp bèo tây ken dày phủ lên dòng nước đen kịt và tanh hôi phía dưới. Như người ta đắp cỏ lên mộ vậy.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]