(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày cuối tuần nghỉ ở nhà. Sau giờ ăn sáng tôi mở điện thoại xem tin tức. Đang ngồi trong nhà thì nghe có tiếng gọi í ới ngoài cổng.

Hàng xóm ở quê

Ngày cuối tuần nghỉ ở nhà. Sau giờ ăn sáng tôi mở điện thoại xem tin tức. Đang ngồi trong nhà thì nghe có tiếng gọi í ới ngoài cổng.

Hàng xóm ở quê

Hàng xóm ở quê vẫn thường đối đãi với nhau bằng sự chân thật, hồn hậu (Ảnh minh họa của Khánh Lộc)

- Bác Mai ơi, bác Mai… bác có nhà không?

- Chị gọi mẹ em à? Mẹ em lại vừa vào trong làng đi hỏi thăm người ốm rồi. Chị hỏi mẹ em có việc gì không? Để về em nhắn lại.

- À không. Không có gì quan trọng đâu. Anh nhà chị mới kéo được mớ tôm sông ngon nên mang sang cho bác Mai.

Tưởng mẹ chồng dặn mua nên vừa cầm túi tôm chị hàng xóm đưa, tôi vừa hỏi lại:

- Vậy để em cầm cũng được. Của nhà em hết bao nhiêu tiền? Em gửi chị luôn.

- Không, chị biếu bác và cô chú mà, không lấy tiền đâu.

- Ôi thế ạ, em cảm ơn chị. Chị vào nhà uống nước đã.

- Thôi, chị về luôn đây, ở nhà còn bao nhiêu việc chưa dọn dẹp.

Mang tiếng hàng xóm cách nhau có quãng ngắn, tôi biết chị, nhưng thú thực không nhớ tên. Chỉ nghe mẹ tôi thường gọi, nhà anh chị thuyền chài. Thi thoảng anh chị lại đem cho nhà tôi, khi thì mớ cá, lúc lại tôm.

Đổ túi tôm sông ra chậu. Chao ôi! Tươi rói, nhảy tanh tách. Lại còn có cả một chú tôm càng to như cổ tay con nít. Loại tôm này bây giờ hiếm và đắt… Vậy mà, họ lại đem cho… Tôi vừa làm xong rổ tôm sông sạch sẽ, mẹ tôi cũng vừa về đến nhà.

- Có nhà anh chị thuyền chài mới cho nhà mình túi tôm sông mẹ ạ.

- Vậy à con. Nhà đấy thảo tính lắm. Gần chục năm trước gom góp được tiền mua miếng đất ở phía trong nhà mình rồi xây dựng nhà cửa. Mấy đứa trẻ con nhà đó lại ngoan ngoãn, gặp người lớn là lễ phép chào. Mẹ quý lắm, nên hay cho khi quả mít, lúc dúm vải, nhãn…

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên gia đình tôi được hàng xóm cho đồ. Nhà tôi không làm nông nên vẫn thường được xóm làng quan tâm. Lúc mớ rau đậu, khi đùm lạc tươi, vài bắp ngô, dúm hành, tỏi... mùa nào thức đó, thậm chí có lúc được cho cả con ngan to. Bù lại, mẹ chồng tôi có lương hưu, nên bà cũng thường mua đồng quà tấm bánh mời hàng xóm. Cứ như thế, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó bền chặt.

“Người nhà quê” - đó là cụm từ tôi từng được nghe ở đâu đó với sự thiếu thiện cảm. Nhưng mỗi chúng ta, liệu có mấy ai không sinh ra từ quê, có một phần gốc gác ở nhà quê. Và người nhà quê, vẫn thường sống rất chân thật, hồn hậu. Họ có thể kì kèo bằng được để thêm 500-1000 đồng mỗi mớ rau mang đi chợ bán. Nhưng cũng chính họ, sẵn sàng biếu nhau con gà, mớ cá mà không tính toán. Chẳng phải vì họ khờ khạo. Chỉ đơn giản, họ hiểu được giá trị của những đồng tiền ít ỏi kiếm được bởi mồ hôi, công sức. Nhưng với họ, có những thứ còn quý hơn cả giá trị vật chất được quy đổi… như tình làng nghĩa xóm.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]