(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi cho rằng không chỉ những người “nghèo” - từ Dung hay dùng để nói về gia đình mình khi xưa, mà chúng ta, ai cũng cần nỗ lực, nỗ lực bao nhiêu, nhận lại bấy nhiêu. Chữa lành, vượt qua tổn thương, đạt được ước mơ, cảm thấy bình yên… hay bất kì quá trình nào khác đều có thời điểm của riêng nó.

Không có tổn thương “tốt”, chỉ có những tổn thương khiến bản thân nỗ lực hơn

Tôi cho rằng không chỉ những người “nghèo” - từ Dung hay dùng để nói về gia đình mình khi xưa, mà chúng ta, ai cũng cần nỗ lực, nỗ lực bao nhiêu, nhận lại bấy nhiêu. Chữa lành, vượt qua tổn thương, đạt được ước mơ, cảm thấy bình yên… hay bất kì quá trình nào khác đều có thời điểm của riêng nó.

Không có tổn thương “tốt”, chỉ có những tổn thương khiến bản thân nỗ lực hơn

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Tuấn Minh).

“Tôi nhớ khi gia đình mình còn nghèo, bốn bề anh em ai ai cũng khinh ra mặt”. Dung - cô bạn tôi vừa đáp chuyến bay từ Việt Nam qua Nhật đã gọi về tâm sự tỉ tê. Nhớ ngày đó ở cùng làng, cả gia đình nó xây nhà thờ tổ, mọi người đều góp tiền, nhưng vào thời điểm đấy, bố mẹ nó chỉ có thể góp sức được thôi.

Có những trưa nắng, trời như đổ lửa xuống nền sân xi măng, Dung mang cơm ra cho bố mẹ, thấy các cô dì chú bác vẫn đang ngồi trong nhà nói chuyện uống nước vui vẻ còn bố mẹ mình vẫn tay hồ tay vữa quần quật ngoài sân. Cầm khay cơm đi thật nhanh qua gian nhà chính để tránh ánh mắt mọi người, nó vẫn nghe vọng lại tiếng của chú Năm “nghèo, đã không có tiền thì xuống trộn vữa với bố mày đi, còn đứng đấy làm gì?” Dung kể lại đầy vẻ xót xa.

Ngày đấy còn nhỏ, thấy bố mẹ vất vả thì chỉ thấy thương bố mẹ thôi chứ nào biết làm gì hơn. Thời gian sau, chị của Dung đi học đại học, nó kể có những tháng mẹ không xoay sở kịp tiền cho chị, hai mẹ con xuống nhà dì để vay tạm ít bữa. Không mong một lời mời vào nhà chơi hay uống chén nước, dì chỉ đứng trên bậc thềm bĩu môi “Đã nghèo còn bày đặt đi học”.

Mặc dù là chị em họ, học cùng trường nhưng em họ Dung không bao giờ đi chung cùng chị. Vai vế có phần thấp hơn nhưng lúc nào cũng xưng “mày - tao”, không dám đi chung vì cảm thấy xấu hổ khi có họ hàng nghèo. Ngày đó Dung không thiết học, nó xin phép bố mẹ cho đi nước ngoài. “Thời điểm đó mình có suy nghĩ chỉ có đi Nhật thì mới kiếm được tiền, mới làm cho bố mẹ ngẩng đầu lên được”.

Luôn nung nấu trong lòng một điều rằng phải đi Nhật, phải kiếm được tiền, kiếm thật nhiều tiền để người ta không khinh gia đình nó nữa. Lúc đấy 200, 300 triệu là một khoản tiền rất rất lớn với nhà Dung. Nhưng bố mẹ vẫn mang sổ đỏ đi cắm để cô được xuất khẩu lao động sang Nhật.

Sang nơi đất khách quê người, Dung chỉ có thể không ngừng nỗ lực. Có những ngày cô vừa học vừa làm, ngày chỉ ngủ 3 tiếng, nhưng rồi cũng có những ngày dù có cố gắng, vẫn không bỏ ra nổi 100% sức lực. Cô gái tha hương chỉ có thể cho đi 80%, 50%, thậm chí chỉ là 10%. Nhưng 10% vẫn hơn là không có gì. Vì chúng ta vẫn rất “người” mà! Dung tâm niệm rằng “bởi ta muốn nỗ lực vì mục tiêu chứ đâu muốn vì nỗ lực không ngừng nghỉ mà kiệt quệ”.

Không có tổn thương “tốt”, chỉ có những tổn thương khiến bản thân nỗ lực hơn

Không có tổn thương “tốt”, chỉ có những tổn thương khiến bản thân nỗ lực hơn để vượt qua.

Vậy mà cũng hơn 5 năm ở Nhật, Dung học được nghề làm bánh và tích góp được một số tiền không nhỏ để gửi về cho gia đình, bản thân thì viên mãn bên gia đình chồng người Nhật Bản. Chị của Dung năm nay lại được nhận bằng khen giáo viên dạy tiếng Anh giỏi cấp tỉnh. Trở về trong hoàn cảnh đó, các cô các chú như quên hết mọi chuyện cũ, đi đâu cũng khoe nhà có 2 đứa cháu gái giỏi giang, người giỏi kiếm tiền, người là giáo viên giỏi. Chị Dung còn xin cho người em họ khi ấy làm cùng trường với chị luôn.

“Tết năm nay, mọi người quây quần ở nhà mình đông vui, trò chuyện náo nhiệt lắm, nhưng mình nghĩ là cũng chỉ thuận nước đẩy thuyền thêm, chứ chẳng có bao nhiêu là thật lòng! Nhưng có là như vậy thì dù mình không cần, bố mẹ mình vẫn cần, sự tôn trọng mà mọi người đã lờ đi với nhà mình bấy lâu”, giọng Dung hơi ngập ngừng, có phần nghẹn lại khi nhắc về chuyện xưa.

Cái “nghèo” khi xưa đối với Dung là một tổn thuơng tâm lý, nhưng tổn thương đó đã giúp Dung tìm thấy động lực để cố gắng hơn. Chữa lành, vượt qua tổn thương, đạt được ước mơ, cảm thấy bình yên… hay bất kì quá trình nào khác đều có thời điểm của riêng nó. Tiến lên chỉ đơn giản là tiến lên. Tiến lên là để tốt hơn ngày hôm qua một chút, chăm chỉ hơn một chút, mạnh mẽ hơn một chút.

Phải chăng nghèo thì thường không có tiếng nói? Cho nên bằng mọi cách, chúng ta phải nỗ lực vươn lên. Sự thành công của chúng ta sẽ quyết định thái độ của người khác dành cho mình và cho bố mẹ mình. Mong rằng đến cuối cùng, khi nhìn vào gương, ta sẽ cảm thấy hài lòng với người đang nhìn lại!

Hoàng Sơn


Hoàng Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]