(vhds.baothanhhoa.vn) - Chuyện mà tôi kể đây, dù vẫn chỉ là chuyện của làng tôi, nhưng cam đoan rằng làng nào, phố nào cũng có, tuổi thơ ai cũng từng được hòa mình. Thì chuyện tập thiếu nhi ấy mà!.

“Mốt hai mốt...”

Chuyện mà tôi kể đây, dù vẫn chỉ là chuyện của làng tôi, nhưng cam đoan rằng làng nào, phố nào cũng có, tuổi thơ ai cũng từng được hòa mình. Thì chuyện tập thiếu nhi ấy mà!.

“Mốt hai mốt...”

(Ảnh minh họa)

Để chuẩn bị cho trại hè của xã thường tổ chức tầm trung tuần tháng 8, nên cứ đầu tháng 7 hàng năm là lũ trẻ làng tôi lại tụ tập về sân đình tập nghi thức Đội – mà nơi nơi đều gọi là tập thiếu nhi. Trẻ nít bọn tôi ngày ấy học thì ít, chơi là nhiều. Có mỗi bộ sách giáo khoa nhàu nhĩ, lớp anh chị chuyển lại cho lớp em út. Nghỉ hè là quãng thời gian tuy có tất bật vì phải phụ giúp người lớn chuyện mùa màng, chăn trâu, cắt cỏ, nhưng vẫn là “thiên đường” của tuổi thơ khi thỏa sức tắm sông, thả diều, đánh khăng, đá bóng bưởi...

Thích nhất vẫn là đi tập thiếu nhi. Con nít cả làng tập trung về sân đình, tha hồ mà nô mà nghịch. Thanh niên và người già cũng tụ tập cả về đấy, mang theo nào chè xanh, khoai luộc, mít, ổi... vừa túm năm tụm ba rôm rả chuyện trò, vừa quản lý, hướng dẫn lũ con nít đi “mốt hai mốt”.

Bữa cơm chiều còn chưa kết thúc, tiếng trống cái, trống con đã dội từ đình về “Tùng tùng tùng tùng tùng... dinh dinh dinh dinh... tùng... dinh tùng...”, thế là mười đứa như một quáng quàng quăng đũa, bỏ bát, ba chân bốn cẳng chạy. Bố mẹ chẳng những không trách mắng, mà còn quở yêu: Cha mi... lúc giục dọn cơm thì cứ kề cà!.

Đi tập thiếu nhi, đứa nào cũng tranh được cầm cờ, được đánh trống và nhất là được cầm ảnh Bác. Nhưng năm nào cũng thế, bọn tôi thừa biết thể gì cái con bé lớp trưởng xinh xắn, học giỏi nhất trường sẽ được cầm ảnh Bác. Còn thằng Béo kiểu gì cũng được cầm trống cái, nó nện trống cái cầm nhịp chắc nịch thế cơ mà. Không được đánh trống, cầm cờ, nên trước buổi tập, đội “lính tráng” bọn tôi cứ phải “tranh thủ” tình cảm của anh chị phụ trách Đội và mấy đứa giữ trống, để được đánh ké một lúc cho sướng tay.

Nhịp trống tùng dinh bao năm tuổi thơ cứ thế được ghi âm và bảo quản nguyên vẹn trong một cái kho - mà tôi nghĩ là bộ não đã dành riêng để lưu trữ.

Các nghi thức theo nhịp trống cũng thế, “mốt hai mốt... mốt hai mốt... nghiêm... báo cáo... nghỉ... bên phải quay... bên trái quay...”, đã như cuốn phim màu hiển hiện trong ký ức.

Lũ trẻ nít chúng tôi ngày ấy thích đi tập thiếu nhi còn vì nguyên nhân để được may và diện bộ quần áo mới, năm thì quần soóc kaki, năm thì quần kiểu “Alibaba” với áo trắng... Đứa nào nhìn cũng bảnh bao, chỉnh mỉnh. Khoác lên mình bộ đồng phục với cái mũ ca nô đội lệch, mũi đứa nào cũng phập phồng, mắt ánh lên tia hãnh diện.

Lại nữa, đấy là dịp hiếm hoi mà lũ trẻ các xóm trong làng bắt tay “ký” tạm ước hòa bình, cho trâu ăn cùng bãi, cỏ cắt cùng nơi, không còn cảnh “hỗn chiến” trên sông với đạn dây mơ và quả găng đến sứt đầu mẻ trán.

Người lớn cũng trở thành “đồng minh” thân cận và hết sức hào phóng. Sân đình luôn sẵn sàng nào chè đỗ đen và cơ man củ, quả để sẵn sàng bồi dưỡng cho đội quân chuẩn bị đại diện cho làng đi... thi đấu, giành vinh quang trong ngày hội trại ở sân vận động xã. Chẳng còn cảnh chó sủa, người lớn vừa lùa vừa bai bải la chửi, trẻ con chạy tán loạn vì một vườn cây ăn quả nào đấy bị vặt trộm tan tác.

Năm nào đội quân thiếu nhi thắng giải, năm đấy cả làng hoan hỷ, hồ hởi phấn khởi giết gà, mổ lợn ăn mừng kéo dài cả tuần. Năm nào giải thấp thì đỏ mặt tía tai chê nào ban tổ chức thiên vị, nào trống đánh sai, cờ lạc nhịp... Nhưng thể gì cũng có một buổi liên hoan tưng bừng trong đêm dỡ trại.

Tiếng trống tùng dinh và nhịp hô “mốt hai mốt” đã lại bắt đầu trong hè này. Tin tôi đi, đó chính là bản hành khúc đầu tiên và ngọt ngào nhất trong tâm hồn mỗi người.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]