(vhds.baothanhhoa.vn) - "Tôi cũng phải dành thời gian tìm hiểu thêm về sắc màu âm nhạc của giới trẻ bây giờ. Nhưng trước hết phải nhờ mấy đứa nhỏ chọn cho bài nào dễ nghe trước đã..."

Tập nghe nhạc “gen Z”

"Tôi cũng phải dành thời gian tìm hiểu thêm về sắc màu âm nhạc của giới trẻ bây giờ. Nhưng trước hết phải nhờ mấy đứa nhỏ chọn cho bài nào dễ nghe trước đã..."

Tập nghe nhạc “gen Z”

Ảnh minh họa.

Từ dạo câu lạc bộ Tuồng của làng được thành lập, nhà văn hóa làng trở nên nhộn nhịp hơn mỗi tối cuối tuần, người đến xem tập luyện, người đến thử giọng, thử diễn, trẻ có, già có. Đợt này, câu lạc bộ lại chuẩn bị tham gia hội diễn ở huyện, nên không khí tập luyện càng trở nên rộn ràng.

Tiện đường đến nhà văn hóa, tối nào bác bí thư chi bộ cũng tạt qua nhà gọi thầy hiệu trưởng về hưu, anh Dế “dẹo” với tôi cùng đến nhà văn hóa xem các “nghệ sĩ” làng tập luyện. Vừa đi vừa nghe ông giáo với bác bí thư bình luận về những Tuồng đồ, Tuồng tân thời; bộ gõ, bộ hơi, bộ dây cho đến những đào, kép, hề;... dù “như vịt nghe sấm” nhưng vẫn thấy cái đầu sáng ra đến mấy phần.

Mấy hôm nay, thay vì bình phẩm về vở diễn của làng, bác bí thư chi bộ lại cắm tai nghe thứ gì lạ lắm. Có khi đang đi thì giật mình đánh thót mội cái, có khi vuột ra một điệu cười, lúc thì lắc đầu sang bên này, lúc nhún chân sang bên kia... Ông giáo nói một hồi, không thấy đáp lời, mới giật dây cái tai nghe của ông bạn già rồi càu nhàu: Ông nghe cái thứ gì mà cứ đùng đùng... chát chát thế.

Bác bí thư cười ồ lên: Nhạc “gen Z” đấy ông ạ!. Ông giáo lại càng ngơ ngác. Bác bí thư chi bộ mới đưa cái tai nghe cho ông giáo nghe thử. Mới cắm được một bên tai nghe, ông giáo già đã giật nảy người, dựng tóc gáy: Ối trời, nhạc gì mà hệt như cạo mảnh sành vào nồi gang thế này.

- Tôi tưởng chỉ mấy đứa thanh niên choai choai nghe cái thứ nhạc nhí nha nhí nhố, tưng tửng từng tưng này, thế ra ông cũng mê à - Ông giáo già hỏi người bạn đồng niên.

- Chẳng là, mấy đứa cháu nhà tôi, cả ngày thấy chúng nó mở “Diu Túp” “Tích Tốc” nghe thể loại nhạc này, tôi bảo chúng nó nhạc gì mà không rõ lời, giai điệu thì hỗn tạp, chẳng có thông điệp gì cả. Tại sao không chọn nghe những bài hát, bản nhạc bất hủ, có giá trị vượt thời gian... - Bác bí thư chi bộ phân trần. Thế rồi, chúng nó bảo mỗi thời có mỗi “gu” thưởng thức âm nhạc khác nhau, chúng cháu mà nghe nhạc của ông, thì lên lớp chúng cháu nói chuyện với ai được. Thế là tôi đành chịu.

- Cũng phải, mấy đứa cháu nhà tôi cũng thế, có lần chúng còn giải thích cho tôi, nào đấy là những bài hát “Tốp Tren Đinh”, những “Hót Chen” với nào là “Sỳ Tai”, “Cun Ngầu”... gì đấy, mà tôi không tài nào hiểu được - Ông giáo tiếp lời bạn.

- Mình mà cứ khăng khăng bảo vệ quan điểm âm nhạc của mình, sẽ thành ra xung khắc với chúng nó ngay ông ạ. Thế nên mấy ngày nay, tôi đang tập nghe và tìm hiểu thêm về xu hướng âm nhạc của chúng nó. Thế hệ các cháu lớn lên trong thế giới trực tuyến, một sản phẩm âm nhạc mới có khi tạo sức hút ngay lập tức đến giới trẻ toàn cầu, lại đang ở độ tuổi sùng bái thần tượng, nên mình phải hiểu chúng nó thích gì, mới kéo gần khoảng cách giữa các thế hệ được ông ạ. Biết đâu, chúng nó mới đang thưởng thức âm nhạc một cách phóng khoáng, cởi mở, còn chúng ta thì còn khắt khe, bó buộc tư duy cảm thụ nghệ thuật - Bác bí thư chi bộ vỗ vai bạn chia sẻ.

- Cũng đúng, thì cũng giống như các bà bên chi hội phụ nữ, sáng nào cũng tập thể dục nhịp điệu với các bài hát cách mạng trên nền nhạc “Dăm Ba” với “Cha Cha Cha” đấy thôi ông nhỉ? Tôi cũng phải dành thời gian tìm hiểu thêm về sắc màu âm nhạc của giới trẻ bây giờ. Nhưng trước hết phải nhờ mấy đứa nhỏ chọn cho bài nào dễ nghe trước đã. Chẳng phải nhiều cháu thiếu nhi làng mình, khi hiểu Tuồng rồi thì rất mê xem Tuồng đấy sao! - Ông giáo kết lại câu chuyện, cũng là lúc tới cổng nhà văn hóa, giọng ca ngâm vọng lên sang sảng.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]