(vhds.baothanhhoa.vn) - Để kiếm được số tiền từ 400 - 500 nghìn đồng mỗi ngày, những người lao động làm nghề khai thác đá (phu đá) phải bám mình trên những vách đá cheo leo, làm công việc nặng nhọc và nguy hiểm như đặt mìn, khoan, cắt đá...

Những mảnh đời... cheo leo trên vách đá

Để kiếm được số tiền từ 400 - 500 nghìn đồng mỗi ngày, những người lao động làm nghề khai thác đá (phu đá) phải bám mình trên những vách đá cheo leo, làm công việc nặng nhọc và nguy hiểm như đặt mìn, khoan, cắt đá...

Những mảnh đời... cheo leo trên vách đá

Thợ cắt, xẻ đá không trang bị bảo hộ. (Ảnh chụp tại mỏ đá Minh Tân, Vĩnh Lộc)

Mưu sinh trên đá

Theo Phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn tỉnh có 219 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác đá, tập trung nhiều ở các huyện: Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung, thị xã Nghi Sơn... Việc các doanh nghiệp được cấp phép tham gia hoạt động khai thác đá, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn và đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề an toàn, vệ sinh lao động trong khai thác, chế biến đá còn nhiều câu chuyện đáng bàn.

Có mặt tại mỏ đá Hà Tân, xã Hà Tân (Hà Trung) trước mắt tôi là những người thợ đá đang đu mình giữa lưng chừng núi để khoan đá, đặt mìn. Giữa núi đá đồ sộ, cao khoảng trăm mét, thoạt nhìn người thợ chỉ như chấm nhỏ li ti, phía trên đầu là những khối đá có thể rơi bất cứ lúc nào. Còn phía dưới là vực đá sâu thăm thẳm, chỉ cần sơ suất, thiếu tập trung, rất dễ xảy ra tai nạn liên quan đến tính mạng.

Anh Quang Văn Diệp, xã Đồng Hợp, Quỳ Hợp (Nghệ An) làm thợ khoan đá, nổ mìn cho Công ty TNHH xây dựng thương mại Tuấn Hiền, cho biết: “Trước khi làm nghề đá, tôi đã từng làm công nhân cho một hãng điện tử ở tỉnh Bắc Ninh, với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng nên tiền gửi về phụ giúp bố mẹ không được nhiều. Gần 1 năm chuyển sang làm thợ khoan đá, đặt mìn cho doanh nghiệp Tuấn Hiền, với ngày công dao động 400 - 500 nghìn đồng/ngày, mỗi tháng tôi gửi 10 triệu đồng về vừa giúp bố mẹ trang trải cuộc sống, vừa có một phần tích lũy để sau này mở cửa hàng kinh doanh”. Theo anh Diệp, thợ khoan đá, nổ mìn sợ nhất vẫn là cảnh cheo leo trên núi cao hàng trăm mét, trong khi đó, đồ bảo hộ trang bị cho thợ đá chỉ là sợi dây thừng quấn quanh bụng. Vậy nên, nguy hiểm luôn rình rập nhưng đành chấp nhận để có chút tiền tích cóp.

Trải lòng về nghề làm đá xẻ cho Công ty TNHH Trung Nam, xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn), anh Quàng Văn Phong, xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng (Điện Biên), cho biết: “Vợ chồng tôi làm ruộng, đông con, nên thuộc hộ nghèo. Hiện tại mỗi tháng tôi gửi về cho gia đình 12 - 13 triệu đồng nuôi 5 con ăn học. Tôi dự tính làm đá thêm một vài năm rồi chuyển nghề. Thợ xẻ đá thường xuyên phải làm việc trên núi cao, địa hình hiểm trở, dễ mắc các bệnh nghề nghiệp. Nhẹ thì ù tai nhức đầu, khó thở bởi khói, bụi, tiếng ồn, nặng thì đá văng vào người, bầm dập, xây xát chân tay, thậm chí trượt ngã hoặc bị đá rơi, nguy hiểm đến tính mạng”.

Không chỉ có thợ khoan đá, đặt mìn như anh Diệp hay anh Phong phải làm việc trong môi trường vất vả, nặng nhọc và đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập mà hàng nghìn lao động khác đang làm việc tại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh đều có chung tình cảnh. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng điểm chung của họ đều khó khăn về kinh tế, nên chấp nhận đánh đổi để có mức thu nhập cao, trang trải cuộc sống.

Tử vong vì đá

Đã có nhiều tai nạn dẫn đến chết người liên quan đến nghề đá, như vụ việc xảy ra vào ngày 27-3-2021 tại khu vực khai thác đá ở bản Poọng, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) làm 1 người thiệt mạng là anh Hoàng Văn M. (35 tuổi) quê ở xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa); hay tại mỏ đá Đại Lâm, xã Trường Lâm (thị xã Nghi Sơn) vào đầu tháng 6-2021, nạn nhân Nguyễn Văn T. (38 tuổi), thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm tử vong tại chỗ... Điều đáng nói, sau khi để xảy ra các vụ tai nạn lao động gây chết người, để tránh ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động thường thỏa thuận với gia đình nạn nhân để bù đắp thiệt hại bằng một khoản tiền lo việc hậu sự cũng như khắc phục khó khăn trước mắt.

Dẫu gần một năm trôi qua kể từ vụ tai nạn ở mỏ đá Đại Lâm cướp đi người chồng, chị Hồ Thị T., thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn. Kéo tay áo lau hai hàng nước mắt, giọng chị chua xót: “Chồng tôi là thợ đá giỏi của làng và có thâm niên làm thợ xẻ đá, nổ mìn hơn 10 năm. Khi mới nghe anh bị tai nạn, tôi không tin đó là sự thật, chỉ đến khi mọi người đưa anh về...”. Từ ngày chồng chết, gánh nặng trụ cột gia đình đè nặng lên vai chị. Để có tiền lo cho 2 con trai ăn học và mẹ chồng tuổi 80, chị tất tả, bươn chải bằng nghề chạy chợ cả hai buổi trong ngày.

Đá núi cho người dân nghèo chén cơm manh áo và chuyện học hành của con cái. Nhưng nó cũng lấy đi nhiều thứ, trong đó sự mất mát không bao giờ lấy lại được là mạng người. Dẫu biết nghề đá “bạc như vôi” nhưng vì miếng cơm, manh áo, những phu đá vẫn chấp nhận mưu sinh.

Bài và ảnh: Minh Lý


Bài và ảnh: Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]