(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghĩ tới biển, hầu như ai cũng rộn lên niềm vui sướng, háo hức về những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng, những bữa ăn ăm ắp hải sản tươi ngon bên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Nhưng ở một góc rất nhỏ bé, đời thường, trong lòng các khu du lịch ấy, là những phận đời, phận người lặng lẽ đi bên biển, nương tựa vào biển để mưu sinh.

Nương tựa vào biển

Nghĩ tới biển, hầu như ai cũng rộn lên niềm vui sướng, háo hức về những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng, những bữa ăn ăm ắp hải sản tươi ngon bên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Nhưng ở một góc rất nhỏ bé, đời thường, trong lòng các khu du lịch ấy, là những phận đời, phận người lặng lẽ đi bên biển, nương tựa vào biển để mưu sinh.

Nương tựa vào biển

Hòa trong dòng người đổ về khu du lịch biển để vui chơi, giải trí vẫn luôn có bóng dáng những con người lặng lẽ nương tựa vào biển mà mưu sinh.

Buổi chiều cuối tuần đầy nắng, du khách khắp nơi đổ về các khu du lịch sinh thái biển. Từ trong những khách sạn, nhà hàng sang trọng, hiện đại cho tới những hàng quán dọc bờ biển, đâu đâu cũng rộn ràng vui tươi, sôi nổi bán buôn. Du khách thoải mái tận hưởng những sản phẩm du lịch thú vị mà chỉ ở biển mới có. Mọi người đầm mình trong làn nước biển mát lạnh, khoan khoái. Với những ai ưa thích trải nghiệm cảm giác mạnh, cũng không ngần ngại bỏ ra số tiền mấy trăm nghìn đồng cho một vòng lướt sóng bằng cano. Trong khi đó, hội chị em xúng xính trong váy áo rực rỡ sắc màu, nhiệt tình tạo dáng chụp ảnh…

Một phần quan trọng làm nên cảnh biển sôi động ấy là hoạt động của các hàng quán chạy dọc theo đường bờ biển. Chẳng bài bản đầu tư, cầu kì phục vụ, nhưng bởi cái tính cơ động, gần gũi, bình dân ấy mà hàng, quán nào cũng hút khách. Trong khi chị chủ quán tất bật nướng con mực khô thơm phức thì anh chồng cũng phăm phăm bổ dừa, nhanh mắt nhanh tay kê thêm bàn, sắp thêm ghế cho khách. Còn đứa con trai chừng mới lên 10 mà thạo việc đáo để, vừa lo sắp xếp xe của khách, vừa bán đủ thức quà ăn vặt như: trứng nướng, xúc xích rán, bánh tráng nướng… Cả gia đình làm du lịch chứ chẳng phải chuyện chơi.

Nương tựa vào biển

Những chiếc bè mảng trở về đất liền sau một đêm vươn khơi đánh bắt hải sản

Nhưng cũng trong lòng khu du lịch ấy, ở một góc rất nhỏ bé, đời thường, những phận đời, phận người lặng lẽ đi bên biển, nương tựa vào biển để mưu sinh. Đó là những người ngư dân đã ăn đời ở kiếp vùng đất biển này. Con chữ liêu xiêu chưa tròn hình rõ nét, họ đã theo cha, ông vươn khơi đánh bắt thủy hải sản. Dẫu biết rằng, đời ngư phủ “hồn treo cột buồm”, lắm bất trắc, nhiều rủi ro, nhưng họ vẫn quyết tâm, bền bỉ gắn bó với nghề. Bởi lẽ, đó là tất cả nguồn sống của họ…

Giờ đây, vì nhiều lí do khác nhau, nghề biển không chỉ có “cánh mày râu” mà nhiều phụ nữ cũng tham gia vào công việc này. Khi đã bước chân lên thuyền, bè, những người phụ nữ ấy cũng làm việc như bất kì một người đàn ông nào. Họ chịu đựng những cơn say sóng đến rạc người; đôi bàn tay từng một thời e ấp nay cũng gồng lên kéo những mẻ lưới nặng... Đàn bà đi biển, chẳng vất vả, nhọc nhằn nào bằng. Nhưng với họ, đó cũng là niềm hạnh phúc, để lòng thôi thấp thỏm, bất an mỗi chiều trên bến đợi chồng về...

Nương tựa vào biển

Ngư dân cùng nhau gỡ lưới

Giữa nhiều gam màu rực rỡ trong bức tranh mùa du lịch biển, du khách còn dễ dàng cảm nhận được những nốt trầm rất đời, rất thực khác đang hiện diện. Đó là hình ảnh ông, bà già khắc khổ dắt theo đứa cháu, nhặt nhạnh từng vỏ chai nước ngọt, mảnh bìa các tông… mà du khách bỏ lại dọc bờ biển để bán phế liệu, thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Những đứa trẻ cứ thế hồn nhiên nắm chặt tay ông bà, vai khoác chiếc túi đã đầy ắp các loại vỏ chai, miệng cười nói vui vẻ, nhảy chân sáo trên đường đi… Ông, bà già bước đi chậm chạp, không theo kịp các cháu nhưng rất tỉ mỉ, cần mẫn và ý tứ nhắc đám trẻ không nghịch ngợm làm ảnh hưởng đến du khách và công việc làm ăn của quán.

Bức tranh du lịch biển, bởi sự góp mặt của muôn cảnh đời, gương mặt như thế mà cảm thấy chân thực, gần gũi, gợi thương…

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]