(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm trước, các quán cơm chay luôn thu hút thực khách đến thưởng thức trong tháng 7 âm lịch. Nhưng qua khảo sát tại TP Thanh Hóa hiện nay, hầu hết các cửa hàng đang gắng gượng hoạt động, chờ đợi sau mùa dịch.

Thực phẩm chay trong cuộc sống hiện đại: Âm thầm đến với người tiêu dùng

Những năm trước, các quán cơm chay luôn thu hút thực khách đến thưởng thức trong tháng 7 âm lịch. Nhưng qua khảo sát tại TP Thanh Hóa hiện nay, hầu hết các cửa hàng đang gắng gượng hoạt động, chờ đợi sau mùa dịch.

Thực phẩm chay trong cuộc sống hiện đại: Âm thầm đến với người tiêu dùngQuán chay cô Hiền (số 12, Bến Ngự, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa).

Vắng như quán cơm chay

11h trưa, Quán chay cô Năm (29, Bến Ngự, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) không một người khách. Cô Nguyễn Thị Năm (sinh năm 1966) chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu mở quán được hai năm nay, trước khi bùng phát dịch COVID-19. Thời điểm này, nấu ra tôi chỉ mong hết hàng cho phấn khởi, chứ có ngày lỗ cả triệu đồng. Hai vợ chồng nhìn nhau buồn không ai muốn nói với ai một câu”.

Vốn là người khéo tay, chịu khó, cô Năm tự tay đi mua rồi sơ chế thực phẩm từ tối đến 12 giờ đêm. 4 giờ sáng cô dậy nấu vì sợ để đồ qua đêm dễ ôi thiu. Trong quán chỉ kê 3 bộ bàn ghế. Khi được hỏi tại sao không bố trí thêm bàn ghế cho đông khách, cô Năm nói: “Chỉ cần có khách bằng 2/3 lượng chỗ ngồi là vợ chồng tôi đã hài lòng lắm rồi”.

Chạy xe một vòng quanh đường Bến Ngự - nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đồ chay và cơm chay nhất ở TP Thanh Hóa, nhưng những Tuệ Lâm thiền quán, Dưỡng sinh Tâm Như, Quán chay cô Hiền… ngày thường trong tuần đều hiu hắt. Thỉnh thoảng một vài người đỗ xe vội vàng vào mua gói ruốc nấm, rong biển, chả giò chay...

Đến quán chay Thanh Hương (Lô PH01, Khu Thương mại dịch vụ và dân cư B-TM, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa), chủ quán là cô Nguyễn Thị Tuyển (sinh năm 1957), cho biết: “Với phương châm “Ăn chay sống xanh cứu chính mình”, từ 5 năm trước tôi mở quán với mong muốn là địa chỉ để những người ăn thuần chay đến thưởng thức và giao lưu. Nhưng hiện nay, dù không mất tiền thuê nhà, nhưng ngày nào ít nhất tôi cũng phải bù lỗ 600-700 nghìn đồng”.

Hướng đến nhu cầu của khách

Ăn chay không chỉ dành riêng cho Phật tử mà ngày càng được nhiều người chấp nhận bởi có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Việc đến quán chay ăn vào ngày rằm, mùng 1 đã trở thành lựa chọn hợp lý để thay đổi khẩu vị, giúp thanh lọc cơ thể và phòng, chống một số loại bệnh, như: Béo phì, táo bón, huyết áp cao,... Hiểu được nhu cầu của khách hàng, nhiều quán chay đã chuyển hướng tập trung bán buffet chay (đồ ăn chay tự chọn) chỉ 2 ngày trong tháng.

Với 69.000 đồng/suất, Tuệ Lâm thiền quán (số 45, Bến Ngự, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) là địa chỉ quen thuộc của những người muốn ăn đồ chay. Chia sẻ với chúng tôi, chủ quán Cù Minh Khôi, cho biết: “Tại nhà hàng, vào các ngày thường, chúng tôi phục vụ các món ăn sáng như: Bún Huế, bún riêu, phở Hà Nội, bún Nam bộ, hủ tiếu và cơm trưa gọi món, hoặc lẩu chay. Ngoài ra, vào các ngày rằm và mùng 1 hàng tháng thì có buffet chay. Có thời điểm chúng tôi phục vụ 300 khách ăn tại quán và 50 mâm cho gia chủ đặt ăn tại chùa. Còn hiện nay, để đảm bảo thực hiện thông điệp “5K”, chúng tôi bố trí các bàn ăn đủ khoảng cách 2m”.

Thực phẩm chay trong cuộc sống hiện đại: Âm thầm đến với người tiêu dùngNhiều người trẻ thích ăn buffet chay ở Tuệ Lâm thiền quán (số 45, Bến Ngự, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa).

Không gian đẹp, nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, Làng chay Trúc Thôn (số 1A/129, Dương Đình Nghệ, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) được nhiều khách hàng tìm đến. Đây là một trong số ít quán chay ở Thanh Hóa có lượng khách tạm ổn trong mùa COVID-19. Đa phần khách đến đây là những người trẻ thích ăn quà chay hơn là cơm chay. Chị Mai Anh (số 1, Lý Nhân Tông, phường Điện Biên), cho biết: “Tôi thích đến đây ăn những món như: Cháo gạo lứt đậu đỏ, súp nấm thập cẩm, canh rong biển đậu non, gỏi rau muống lạc vừng... cảm giác rất nhẹ nhõm sau khi thưởng thức. Giá mỗi suất ăn là 59.000 đồng, vì thế tôi duy trì ít nhất mỗi tuần đến đây ăn từ 2-3 lần”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số gia đình lựa chọn đặt mâm cỗ chay, tiệc chay về nhà. Đáp ứng nhu cầu của khách, một số quán đã nhận đặt mâm cỗ với giá trung bình từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/mâm.

Do đặc tính của đồ chay là đồ tự làm, tự tay chế biến, không chất bảo quản, qua rất nhiều khâu nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và nhiều thời gian. Đặc biệt, với những gia đình đặt đồ chay về để cúng, lễ thì nhà hàng càng phải cẩn thận hơn. Chị Phạm Thị Yến (số 57 Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa), cho biết: “Do tình hình dịch và thời tiết nóng bức nên tôi dọn dẹp cửa hàng, tập trung cho việc bán online. Lúc này quan trọng nhất là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tụ tập nơi đông người, nên tôi nghĩ mọi người sẽ có nhu cầu ship đồ ăn chay về nhà”.

Đồ chay công nghiệp “lên ngôi”

Cửa hàng Minh Cường (số 73, Đào Duy Từ, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa) là cơ sở cung cấp thực phẩm chay, đồ ăn chay uy tín của Công ty TNHH Âu Lạc tại Thanh Hóa đã được kiểm định về chất lượng sản phẩm cũng như công đoạn đóng gói, bảo quản. ​Cô Lê Thị Minh sau khi nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội đã mở cửa hàng này vì nhận thấy xu hướng người sử dụng đồ chay ngày càng nhiều. Đến cửa hàng Minh Cường, người mua có thể tìm thấy rất nhiều món chay, như: Đồ hộp chay, các loại gia vị chay, các món chay từ thực phẩm khô, sản phẩm nước; sản phẩm chay lạnh, sản phẩm ăn liền; các loại rau mầm, nấm tươi... Theo cô Minh: “Người dân ngày càng có xu hướng tìm đến các quán ăn chay và đồ chay đóng hộp nhiều hơn, bởi tính tiện lợi và kinh tế, vừa đỡ tốn thời gian chế biến”.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng, BigC Việt Nam cũng đã khởi chạy chương trình Đại tiệc chay trong tháng 7 này với rau, củ, trái cây tươi và nhiều món ăn lạ miệng, giàu dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe với mức khuyến mại chạm đáy, như: Chả giò da xốp chay Cầu Tre, Sườn non chay An Nhiên, Nước mắm chay Liên Thanh...

Theo khảo sát của chúng tôi, thức ăn mặn nào có, thì đồ chay công nghiệp đều có với hình dáng và màu sắc y đúc. Ăn chay thuần nhiều người dễ bị ngán, nên những mặt hàng “chay giả mặn” được nhiều khách mua hơn.

Tính đến thời điểm hiện nay trên cả nước có hơn 20 thương hiệu uy tín chuyên sản xuất thức ăn chay, trong đó chỉ có vài thương hiệu sản xuất trọn gói từ nguyên liệu đến thành phẩm như Âu Lạc, Kim Chi, Hưng An Viên... Còn lại, đa số nhập về chế biến và đóng gói.

Thanh Hóa có nguồn rau, củ, quả đa dạng, giá thành rẻ hơn so với các sản phẩm từ động vật, lại thêm việc ăn chay tốt cho sức khỏe con người,... là điều kiện để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ thực phẩm chay.

Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]