(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, cùng với nhiệm vụ giáo dục văn hóa cấp THPT, hoạt động đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Bá Thước. Việc thực hiện nhiệm vụ kép của trung tâm đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ động phối hợp đào tạo nghề cho học sinh ở Bá Thước

Những năm qua, cùng với nhiệm vụ giáo dục văn hóa cấp THPT, hoạt động đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Bá Thước. Việc thực hiện nhiệm vụ kép của trung tâm đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ động phối hợp đào tạo nghề cho học sinh ở Bá ThướcLớp học nghề may công nghiệp tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bá Thước.

Có mặt tại trung tâm, chúng tôi chứng kiến không khí dạy học sôi nổi của thầy và trò nơi đây. Em Hà Thị Thanh Thúy, học sinh lớp 11A, cho biết: Ngay từ năm học lớp 10, em đã đăng ký học nghề Trung cấp Tin học ứng dụng khóa 2022-2024. Sau hơn một năm học tại trung tâm, em thấy mình đã đi đúng hướng khi chọn học chương trình giáo dục và học nghề tại trung tâm. Hình thức đào tạo này vừa tiết kiệm thời gian, vừa hiệu quả đối với những học sinh như em; sau khi tốt nghiệp THPT em có bằng trung cấp nghề và có thể tham gia ngay vào thị trường lao động, hoặc có thể đi làm tại các khu công nghiệp, hay đi xuất khẩu lao động... Nếu chưa đi làm, em sẽ tiếp tục đăng ký học liên thông hệ cao đẳng, đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Bá Thước Phạm Văn Nghĩa, cho biết: Hiện nay, trung tâm có 14 cán bộ, giáo viên, trong đó có 8 giáo viên dạy văn hóa, 2 giáo viên dạy nghề, với 9 lớp/ 391 học sinh đang theo học. Kể từ năm 2017, sau khi sáp nhập và hoạt động theo mô hình mới, trung tâm đã kiện toàn và tổ chức cho toàn bộ học sinh vừa học văn hóa kết hợp học trung cấp nghề. Để làm tốt công việc này, trung tâm chủ động liên kết, phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh mở lớp liên kết đào tạo nghề. Việc đào tạo nghề được triển khai kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nên các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế. Cùng với đó, đào tạo theo nhu cầu của người học gắn với những tiềm năng, thế mạnh của huyện, để học viên sau khi học nghề có thể áp dụng ngay vào công việc sẵn có tại địa phương và phát triển kinh tế hộ gia đình. Học sinh tốt nghiệp THPT tại trung tâm sẽ có thêm bằng trung cấp nghề, dễ dàng tìm việc làm ngay khi ra trường tại các doanh nghiệp hoặc đi lao động xuất khẩu.

Đối với công tác tư vấn, hướng nghiệp luôn được trung tâm chú trọng thực hiện ngay từ khi học sinh vào lớp 10, giúp các em lựa chọn nghề học phù hợp khả năng và đáp ứng nhu cầu xã hội. Các ngành nghề đào tạo được đa dạng hóa như: chăn nuôi - thú y, công nghệ thông tin, sửa chữa công nghệ ô tô, máy lạnh và điều hòa không khí, chế biến món ăn, pha chế đồ uống nhà hàng, thiết kế thời trang, may công nghiệp, dệt thổ cẩm... Năm 2017, trung tâm chỉ có 40 học sinh theo học; thì đến nay, sau 5 năm thực hiện theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV, ngày 19-10-2015 của 3 Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, trung tâm đã có gần 400 học sinh theo học. Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã liên kết đào tạo 3 lớp nghề dệt, thêu, may thổ cẩm với các sản phẩm khăn, túi, váy, áo, chăn, ga, gối cho lao động nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia với 105 học viên; liên kết với Trường Trung cấp Nghề công nghệ Hà Nội, Trường Trung cấp Nghề Future Việt Nam mở 4 lớp trung cấp nghề chính quy hơn 150 học viên; mở 8 lớp dạy cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, A2 với gần 1.000 học viên và tư vấn hướng nghiệp, xuất khẩu lao động cho người lao động có nhu cầu.

Với kiến thức nghề được học, các em học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường đã đáp ứng yêu cầu công việc, được các đơn vị, doanh nghiệp ghi nhận. Việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề ở trung tâm được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trao đổi thêm với chúng tôi về công tác đào tạo nghề cho học sinh tại Trung tâm GDNN – GDTX huyện, ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đánh giá: Trung tâm GDNN - GDTX cùng lúc thực hiện tốt hai nhiệm vụ giáo dục và dạy nghề, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trên địa bàn. Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, huyện và tỉnh đang kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển, thì nguồn lao động tay nghề cần có để cung ứng cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Nhất là hiện nay, huyện Bá Thước đang tập trung cho phát triển du lịch. Hiện, toàn huyện có 20 cơ sở lưu trú là nhà nghỉ tại các xã, thị trấn; 82 cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng với công suất đón trên 2.800 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 420 lao động địa phương và tạo việc làm hơn 300 lao động bán thời gian trong mùa du lịch. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 17 dự án đầu tư trực tiếp do tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: dịch vụ du lịch, thương mại; phát triển chăn nuôi công nghệ; cụm công nghiệp Điền Trung, Dự án trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng (xã Điền Thượng), Công ty CP Giày Bá Thước tại thị trấn Cành Nàng, Công ty CP Erex (Nhật Bản) đầu tư dự án nhà máy điện sinh khối, Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất tấm ván tre OSB... vì vậy, cần rất nhiều lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các cơ sở lưu trú và các nhà máy. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm GDNN – GDTX liên kết với các trường nghề trong và ngoài tỉnh đào tạo các lớp trung cấp, lớp bồi dưỡng như: Công nghệ thông tin, chăn nuôi – thú y, kỹ thuật chế biến món ăn, dệt thổ cẩm, đính cườm, nhân viên phục vụ bàn, buồng, phòng... để đón đầu và cung cấp lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp khi đi vào hoạt động, tuyển dụng tại địa phương. Qua các lớp học nghề, người lao động có chứng chỉ nghề, kiến thức, kỹ năng áp dụng vào thực tiễn, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: Tiến Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]