(vhds.baothanhhoa.vn) - Với hơn 102km bờ biển, tỉnh ta có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nghề nước mắm truyền thống với nhiều làng nghề nổi tiếng, có thương hiệu, được thị trường ưa chuộng, như: nước mắm Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), nước mắm Khúc Phụ (Hoằng Hóa), nước mắm Cự Nham (Quảng Xương)...

Làng nghề nước mắm truyền thống vào tết

Với hơn 102km bờ biển, tỉnh ta có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nghề nước mắm truyền thống với nhiều làng nghề nổi tiếng, có thương hiệu, được thị trường ưa chuộng, như: nước mắm Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), nước mắm Khúc Phụ (Hoằng Hóa), nước mắm Cự Nham (Quảng Xương)...

Làng nghề nước mắm truyền thống vào tếtSản phẩm nước mắm Ba Làng - Tuyến Hòa, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để phát triển nghề nước mắm truyền thống, các địa phương đã quan tâm, khuyến khích các cơ sở sản xuất làng nghề áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng hạ tầng, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển làng nghề, đào tạo lao động... Bên cạnh đó, để tăng giá trị sản phẩm, nhiều làng nghề đã đầu tư máy móc, thay thế dần các hoạt động thủ công hay công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, nhờ đó sản phẩm làm ra đã cơ bản bảo đảm chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Trên địa bàn phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn hiện có khoảng 120 cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng triệu lít nước mắm các loại. Anh Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng, cho biết: “Gần Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ nước mắm mạnh nhất trong năm, cũng là dịp “ăn nên, làm ra” của nhiều vùng sản xuất nước mắm tại Thanh Hóa. Thời gian này, doanh nghiệp đang bước vào vụ sản xuất sôi động nhất, với lượng đơn hàng đặt mua sản phẩm tăng từ 30 - 40%. Ngay từ đầu tháng 11 dương lịch, nhiều người đã đặt hàng, với số lượng lên tới hàng nghìn lít. Bởi vậy công ty đã có kế hoạch từ sớm, hoạt động hết công suất và phải thuê thêm nhân công thời vụ, tăng thêm xe vận chuyển hàng hóa để cung ứng cho thị trường". Được biết, từ năm 2019, để tăng công suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đầu tư 10 tỷ đồng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để ủ mắm theo công nghệ phơi kín. Thương hiệu nước mắm Ba Làng - Tuyến Hòa đã được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Trung bình mỗi tháng, công ty xuất ra thị trường khoảng 30.000 lít nước mắm và khoảng hơn 100 tấn mắm các loại; tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động, vào dịp cao điểm sản xuất có từ 80 - 100 lao động thời vụ. Tết này, sản phẩm của công ty sẽ có mặt tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình, Hải Dương...

Tại các làng nghề sản xuất mắm và nước mắm khác đã định vị được thương hiệu trên thị trường như Khúc Phụ (Hoằng Hóa), Cự Nham (Quảng Xương), Bạch Câu (Nga Sơn),... cũng đang tăng cường sản xuất, liên tục nhận thêm đơn hàng, tăng nhân công lao động đóng gói, huy động thêm xe vận chuyển để “lên đơn” cho các đại lý, khách hàng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo các hộ dân làm nghề, các đại lý, người dân đặt hàng sử dụng tết cũng như làm quà biếu tết năm nay sớm và tăng khá hơn so với năm trước. Mỗi cơ sở sản xuất nước mắm đều có những bí quyết riêng của mình nhưng với mong muốn xây dựng và phát triển thương hiệu của sản phẩm mang thương hiệu riêng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã không ngừng nêu cao ý thức trách nhiệm để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Quy trình chế biến nước mắm hoàn toàn theo phương pháp truyền thống và chấp hành nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công nghệ đóng gói được thay thế bằng dây chuyền hiện đại; chai lọ đựng nước mắm bằng nhựa được thay thế bằng thủy tinh. Để đáp ứng nhu cầu làm quà biếu dịp tết, các hộ sản xuất đưa ra nhiều mẫu mã như thùng quà tặng 5 lít, 10 lít hay giỏ quà 1 lít, 2 lít... đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Nhờ đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã đẹp mắt, bắt nhịp nhanh với nhu cầu của thị trường, sản phẩm nước mắm của Thanh Hóa ngày càng nhận được sự quan tâm và đón nhận của khách hàng.

Nhờ có hướng đi phù hợp, các làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống phát triển tương đối ổn định, duy trì được mức tăng trưởng khá, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Không những thế, các làng nghề nước mắm truyền thống tại nhiều địa phương còn mang đến nét đẹp văn hóa đặc trưng với những sản phẩm độc đáo, đặc sắc của vùng quê ven biển.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]