(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tình hình an ninh, trật tự, các tệ nạn xã hội tại nhiều vùng quê đang có chiều hướng gia tăng; thanh niên sa đà vào các tệ nạn lô đề, mại dâm, trộm cắp; nhiều gia đình li tan vì cảnh nợ nần do cờ bạc, cá độ... Trong khi đó, chính quyền địa phương ở nhiều nơi lại chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả vấn nạn này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tội phạm và tệ nạn ‘tấn công’ quê nghèo (Kỳ cuối): Đi tìm nguyên nhân

(VH&ĐS) Tình hình an ninh, trật tự, các tệ nạn xã hội tại nhiều vùng quê đang có chiều hướng gia tăng; thanh niên sa đà vào các tệ nạn lô đề, mại dâm, trộm cắp; nhiều gia đình li tan vì cảnh nợ nần do cờ bạc, cá độ... Trong khi đó, chính quyền địa phương ở nhiều nơi lại chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả vấn nạn này.

Không còn yên bình

Nhiều làng quê vốn được xem là nơi thanh bình, yên ả, nhưng nay đang phải lo lắng, bất an do nhiều tệ nạn xã hội nổi lên.

Những tệ nạn xã hội đang "bủa vây" nông thôn hằng ngày kia sẽ là mầm mống kéo theo nhiều hệ lụy về mất an toàn an ninh trật tự tại các vùng quê nghèo. Thực tế cách đây không lâu, cuối tháng 7/2017, tại quán cafe T.T trên địa bàn xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc đã xảy ra vụ thanh toán lẫn nhau giữa hai nhóm đối tượng. Nguyên nhân được xác định là do tranh giành địa bàn quản lý gái hát của nhau. “Tú ông” D, cho là L, lấy nhân viên của mình bán cho quán hát khác nên đã kéo đồng bọn tới quán cafe, đập phá, chém người của L.

Ông Vũ Văn Khuyên - Trưởng Công an xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Là địa bàn thuộc vùng trũng về dân trí, có nhiều phân cấp xã hội. Những năm gần đây, tình hình tội phạm, các tệ nạn xã hội ở vùng nông thôn diễn biến có nhiều phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm với quy mô, tính chất, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, lực lượng chức năng xã hiện nay thì rất mỏng so với tình hình tội phạm, có những băng nhóm lên tới 20, 30 người. Hiện nay ở địa phương đang nổi cộm hiện tượng ma túy, trộm cắp, đánh nhau, băng nhóm hoạt động. Vấn nạn gái hát rộ lên hơn 1 năm nay ở 5 xã ven biển, do đời sống kinh tế sôi động, ăn chơi đua đòi... từ đó gái hát các nơi tràn về ăn theo”...

“Bên cạnh đó, lực lượng công an xã gặp nhiều khó khăn trong trấn áp tội phạm do nhiều yếu tố; khó khăn về điều kiện kinh tế dẫn đến chi phối đời sống của lực lượng công an xã, nên để hoàn thành tốt được nhiệm vụ tôi nghĩ là cực kỳ khó” - Ông Khuyên chia sẻ thêm.

Tình hình tội phạm trở nên nguy hiểm hơn khi chúng cả gan đột nhập vào cơ quan nhà nước để trộm cắp tài sản khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Vào tối ngày 23/8/2017, tại huyện Vĩnh Lộc, kẻ gian đã đột nhập vào 6 phòng làm việc tại trụ sở Huyện ủy Vĩnh Lộc, trong đó có phòng Bí thư Huyện ủy, phó Bí thư thường trực, Trưởng ban tổ chức, Trưởng ban Tuyên giáo, phòng Tài vụ. Kẻ gian đã lấy đi một số vật dụng, tiền tại các phòng và phá két sắt phòng tài vụ.

Karaoke “tay vịn" - tệ nạn đang mọc lên như nấm sau mưa ở một vùng quê ven biển.

Thờ ơ, ngại va chạm

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình gia tăng tội phạm, các tệ nạn xã hội ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay, đó là thái độ thờ ơ, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm của một số cơ quan quản lý trong thực hiện trách nhiệm của mình. Điều này có thể khẳng định qua những vụ việc về các điểm chứa mại dâm đang tồn tại. Thực tế nhiều người đều biết, nhưng chính quyền địa phương vẫn báo cáo rằng địa phương mình không có mại dâm.

Nói về tình hình tội phạm tại nông thôn trong một chỉ thị mới đây, Bộ Công an cho rằng nguyên nhân là do: Công an một số đơn vị, địa phương, nhất là ở cơ sở chưa làm tốt vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội ở địa bàn nông thôn; sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể còn thiếu đồng bộ, chưa phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm ở một số nơi còn hình thức, chưa quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng các hương ước, quy tắc sinh hoạt cộng đồng kết hợp với phòng, chống tội phạm ở địa bàn cơ sở;...

Trao đổi qua điện thoại, Luật sư Trịnh Văn Hữu - Đoàn Luật sư TP Hồ Chính Minh cho biết: Trong công tác giáo dục hiện nay, chúng ta đang thiếu một chương trình giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ. Trong khi đó, thông tin trên Internet lại tràn ngập, thiếu kiểm soát. Vì không được trang bị kỹ năng sống lại đứng trước “rừng” thông tin tốt, xấu các loại nên thanh, thiếu niên bối rối, lựa chọn sai những thông tin mà mình cần tìm hiểu. Điều này vô hình chung đã đưa nhiều em tiếp nhận, hấp thụ, chuyển hóa thành những ứng xử sai trái và là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội hoặc hành vi vi phạm pháp luật (vấn đề nghiện game online dẫn đến bỏ học, trộm cắp lấy tiền chơi game; học theo những hành vi bạo lực trên mạng; ảnh hưởng phim ảnh đồi trụy dẫn đến thực hiện hành vi dâm ô, hiếp dâm ở một số tội phạm chưa thành niên...).

Có thể thấy trong xu thế hội nhập và phát triển, những mặt trái của cuộc sống hiện đại đang tác động mạnh mẽ vào nông thôn, làm mất dần những giá trị đạo đức và nếp sống văn hóa truyền thống. Vấn đề này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải quan tâm giải quyết. Bên cạnh đó là cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể chính trị xã hội để kịp thời ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Có như vậy, cuộc sống của người dân nông thôn mới thực sự yên bình.

Hải Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]