Nỗ lực khẳng định thương hiệu cho cây dưa xứ Thanh
Những năm gần đây, không chỉ ở những địa phương truyền thống như Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa... mà người dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển dưa như một cây trồng lợi thế, mang lại giá trị kinh tế cao. Mặc dù hằng năm có diện tích sản xuất lớn, chất lượng và sản lượng ổn định, song để cây dưa xứ Thanh khẳng định được thương hiệu đang là bài toán khó...
Vùng sản xuất sản phẩm OCOP 3 sao dưa hấu Xứ đảo Mai An Tiêm của xã Nga Yên (Nga Sơn).
Nga Sơn là vùng đất lịch sử gắn với truyền thuyết Mai An Tiêm và quả dưa hấu. Những năm gần đây, diện tích dưa không ngừng được mở rộng, nhiều giống mới đã được đưa vào sản xuất. Nếu như năm 2019, toàn huyện trồng khoảng 126ha dưa hấu, thì đến năm 2023 đã tăng lên gần 190ha, năng suất đạt từ 240 - 300 tấn/ha; thu nhập bình quân từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Vụ xuân 2024, toàn huyện trồng khoảng 200ha. Trong đó, chủ đạo là giống dưa hấu đỏ truyền thống như: Nông Việt 036, Phú Điền 555, PERFECT... tập trung tại các xã Nga Trung, Nga Yên, Nga Thành, Nga Phượng...
Nga Yên - một trong những đơn vị có truyền thống sản xuất dưa hấu, đã phát triển hơn 20ha trong vụ xuân 2024 này. Trên những cánh đồng của xã, cây dưa hấu đang chuẩn bị cho thu hoạch, năng suất dự kiến khoảng 26 tấn/ha. Ông Phạm Văn Sáu, thôn Yên Lộc cho biết: "Gia đình tôi canh tác gần 2.000m2 dưa hấu tại vùng sản xuất rau, quả an toàn tập trung của địa phương. Cây dưa là đối tượng dễ bị sâu bệnh tấn công, do đó chúng tôi phải tích lũy, tổng hợp được kinh nghiệm sản xuất. Đơn cử như: dùng bạt phủ ni lông để giữ độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại; chỉ nên để lại quả dưa hấu từ lá thứ 6 trở đi... Ngoài ra, cần lưu ý việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, rầy rệp hại dưa hấu bằng những loại chế phẩm sinh học, ít tác hại đến môi trường và sức khỏe...".
Theo ông Mai Hữu Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Yên: "Để nâng cao giá trị kinh tế, khẳng định thương hiệu của sản phẩm dưa Nga Sơn, UBND xã khuyến khích người dân đầu tư khoa học công nghệ, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, xã đã xây dựng thành công sản phẩm dưa hấu Xứ đảo Mai An Tiêm thành sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023. Cùng với đó, Quyết định 714/QĐ-UBND năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh cho phép sử dụng địa danh Nga Sơn để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Dưa hấu Mai An Tiêm - đặc sản Nga Sơn”. Theo đó, vùng mang nhãn hiệu tập thể “Dưa hấu Mai An Tiêm - đặc sản Nga Sơn” gồm 6 xã, thị trấn: Nga An, Nga Thành, Nga Yên, Nga Trung, Nga Phượng và thị trấn Nga Sơn. Nhờ đó, thương hiệu của dưa hấu Nga Yên nói chung và dưa hấu Nga Sơn nói riêng dần có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài cây dưa hấu, xã Nga Yên còn phát triển hàng chục ha dưa Kim Hoàng hậu, dưa lê mang lại thu nhập cao cho người dân".
Được trồng trên vùng đất đồi huyện Như Xuân gần 10 năm nay, dưa hấu đã và đang trở thành cây trồng chuyển đổi mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Theo thống kê của UBND huyện, hằng năm, người dân trên địa bàn các xã: Bãi Trành, Xuân Bình, Xuân Hòa trồng từ 150 đến 180ha dưa hấu, năng suất bình quân từ 28 đến 30 tấn/ha/vụ, lợi nhuận đạt từ 120 đến 150 triệu đồng/vụ.
Trên địa bàn tỉnh, ngoài cây dưa hấu, một số huyện như Đông Sơn, Thọ Xuân, Quảng Xương, Thiệu Hóa... đã đưa một số giống dưa mới như Kim Hoàng hậu, Kim Cô nương, dưa chuột ba by, dưa lưới Taki... vào sản xuất theo hướng công nghệ cao, đạt năng suất khoảng 70 tấn/ha, sản xuất 3 vụ, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hằng năm, toàn tỉnh phát triển được hơn 2.000ha dưa các loại, sản lượng đạt gần 42 nghìn tấn/năm, mang lại doanh thu khoảng 150 tỷ đồng/năm cho người sản xuất. Để khẳng định thương hiệu cho sản phẩm dưa xứ Thanh, các địa phương trong tỉnh đã phát triển được 28 sản phẩm dưa thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên.
Để bảo đảm tính ổn định, hiệu quả kinh tế từ sản xuất cây dưa trong tỉnh, bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, chế biến, các địa phương cần khuyến khích sản xuất dưa theo quy mô lớn, bảo đảm các chứng nhận về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, các địa phương cần tạo điều kiện cho chủ thể sản xuất dưa tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu để đưa sản phẩm ra thị trường, các sàn giao dịch để nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Bài và ảnh: Lê Thanh
{name} - {time}
-
2024-11-11 09:39:00
Huyện Cẩm Thủy có thêm 7 sản phẩm OCOP 3 sao
-
2024-11-08 14:47:00
Giữ nghề truyền thống mắm tép Yên Dương
-
2024-05-10 19:54:00
Cây khoai mán lòng vàng ở Ché Lầu
Phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền núi - nhiều khó khăn cần khắc phục
Tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm
Nuôi vịt đặc sản ở miền Tây xứ Thanh
Bài học kinh nghiệm quý trong phát triển sản phẩm OCOP 5 sao
Xây dựng thương hiệu các sản phẩm lúa nếp
Nâng tầm sản vật quê hươnq
Cần mở rộng liên kết tiêu thụ gạo nếp Cay Nọi
Vinamilk cùng nông dân “hồi sinh” những vùng đất nghèo cằn cỗi
Trăn trở với nghề mắm truyền thống cha ông