(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh do Lê Lợi lãnh đạo đã trải qua gần 600 năm. Nhưng những chiến công, cuộc đời và sự nghiệp cứu nước, cứu dân của ông vẫn sống mãi, lưu truyền trong lòng người dân đất Việt suốt thế hệ này qua thế hệ khác. Hình tượng người anh hùng áo vải và khởi nghĩa Lam Sơn trở thành hình tượng nổi bật nhất cả trong văn học viết và văn học dân gian.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hình tượng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn qua truyền thuyết, cổ tích, giai thoại, truyện kể dân gian

(VH&ĐS) Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh do Lê Lợi lãnh đạo đã trải qua gần 600 năm. Nhưng những chiến công, cuộc đời và sự nghiệp cứu nước, cứu dân của ông vẫn sống mãi, lưu truyền trong lòng người dân đất Việt suốt thế hệ này qua thế hệ khác. Hình tượng người anh hùng áo vải và khởi nghĩa Lam Sơn trở thành hình tượng nổi bật nhất cả trong văn học viết và văn học dân gian.

Trong tâm thức dân gian hình tượng Lê Lợi luôn là người anh hùng kiệt xuất nơi mà nhân dân gửi gắm niềm tin và hy vọng, ý chí của mình để giành lại non sông, đất nước khỏi ách đô hộ của quân xâm lược. Trong quan niệm, suy nghĩ của nhân dân thì Lê Lợi là con người hội tụ đầy đủ sự đức độ, lòng nhân nghĩa, sự khoan dung và vượt lên là trí dũng hơn người. Tuân theo qui luật truyền thống của văn học dân gian, hình tượng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn có sự kết hợp hài hòa giữa phương pháp hiện thực và lãng mạn, lý tưởng hóa nhân vật người anh hùng.

Những yếu tố phi thường thần kỳ, huyền ảo về hình tượng Lê Lợi là không thể có được nhưng trong tình cảm, quan niệm của nhân dân với Lê Lợi con người mà họ yêu mến, trân trọng, giữ vững lòng tin thì đó lại là điều đương nhiên, tất nhiên cần có, phải có đối với sứ mệnh của người anh hùng đã được trời, thần, phật, nhân dân tin tưởng, giao phó. Những chuyện có yếu tố thần kỳ, phi thường này xuất hiện nhiều ở giai đoạn đầu khi Lê Lợi chuẩn bị tập hợp nhân tài, vật lực để phát động cuộc khởi nghĩa.

Trong trí tưởng tượng phong phú của dân gian thì Lê Lợi có những điều kỳ vĩ, phi thường từ lúc sinh ra như: “Lúc vua sinh ra ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi hương lạ bay khắp xóm. Ngay từ bé vua đã có vẻ tinh anh, nghiêm nghị, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, mặt rồng, vai tả có bảy nốt ruồi, đi như rồng, bước như hổ, lông tóc mọc đầy người, tiếng như chuông lớn, ngồi xổm như cọp. Người biết đóan là tướng rất quí. Đến khi lớn thông minh, trí dũng, vượt hẳn bậc tầm thường, làm phụ đạo sách Khả Lam”.

Rồi Lê Lợi được nhà sư Trịnh Bạch Thạch chỉ cho huyệt đất tốt để táng linh xa của tổ tiên ở động Chiêu Nghi. Táng xong Lê Lợi quay lại thì không thấy nhà sư đâu nữa. Vua thầm nghĩ đúng là Trời cho mà người thì đem đến. Vua lạy tạ ra về. Đêm hôm ấy thần núi đến thăm mộ, sáng hôm sau còn thấy dấu vết. Bài minh rằng: “Trời cho người đem đến/ Đức lớn quỉ thần kinh/ Thần như về chầu chực/ Đúng thật thánh nhân sinh”.

Trong tâm thức dân gian để là minh chủ đánh đuổi giặc Minh cứu nước, cứu dân phải là những con người phi thường, xuất chúng. Song họ phải được Trời Phật, thần ban những vũ khí thần kỳ. Lê Lợi là người được nhân dân tin tưởng nên ông được ban gươm thần, ấn báu là lẽ đương nhiên, Lê Lợi nhận được lưỡi gươm từ người bạn là Lê Thận quăng chài lưới ở trên sông Lam (Lương) nhưng đó chỉ là thanh sắt và chỉ khi Lê Lợi đến nhà Thận thì lưỡi gươm mới phát ánh hào quang hiện rõ hai chữ Thuận Thiên Lê Lợi. Còn cán gươm thì mãi hơn tháng sau mới nhặt được ở gốc cây đa lắp vào vừa khít, và ấn báu thì Hoàng hậu cuốc đất sau vườn bắt được. Trao gươm thần, ấn báu cho Lê Lợi là ý chí khát vọng của nhân dân đối với vị minh chủ mà minh ngưỡng mộ. Trong các chuyện kể dân gian chỉ có một vài lần lưỡi gươm thần phát huy sức mạnh thần kỳ như chỉ vào núi, núi lở, chỉ sông, sông cạn, chỉ vào kẻ thù, kẻ thù hóa đá. Tiêu biểu là truyện Lê Lợi chỉ lưỡi gươm thần vào núi Mục núi nổ tung quay đầu chầu về đất Lam Sơn.

Những yếu tố thần kỳ, phi thường trên tiếp tục được xuất hiện qua hàng loạt chuyện như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn đi tìm minh chủ, ông già đi tìm chân chúa, Phạm Cuống được thần nấm báo mộng… Họ đều được các thần báo mộng Ngọc Hoàng đã chỉ định Lê Lợi làm chúa nước Nam. Không những chỉ Trời, Phật, thần phù hộ, ban sứ mệnh cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc mà trong quan niệm của nhân dân ngay cả những người dân bình thường, những con vật cũng sẵn sàng xả thân để cứu giúp minh chủ những lúc gặp hiểm nguy như truyện người con gái áo trắng được Lê Lợi chôn cất tử tế đã hóa thành con cáo (chồn) giúp Lê Lợi thoát nạn khi ngọn giáo của giặc đâm trúng đùi Lê Lợi khi ông núp trong hốc cây xé; hoặc người vợ yêu của Lê Lợi sẵn sàng hy sinh thân mình cho thuồng luồng giúp Lê Lợi và nghĩa quân vượt qua đoạn sông nguy hiểm; hoặc con trâu lao xuống sông đánh nhau với con giải khổng lồ. Hay cô Bơ Thoải giúp Lê Lợi đổi áo làm người sáo cỏ ngô rồi chèo thuyền qua vùng Ngã Ba Bông giúp Lê Lợi thoát sự truy đuổi của giặc… Những chuyện trên được kể một cách chân thật, ngắn gọn qua sự quan sát tỉ mỉ, thận trọng tránh được sự áp đặt khiên cưỡng.

Ngoài mảng chuyện có yếu tố thần kỳ, phi thường huyền ảo trên thì nhiều truyện thể hiện hình tượng Lê Lợi với gia đình, quê hương, các tướng sỹ trong đội quân “phụ tử”, cũng như người dân các địa phương, các dân tộc mà ông và nghĩa quân từng đi qua, từng gặp gỡ được họ cưu mang đùm bọc, giúp đỡ. Hình tượng Lê Lợi trong tâm thức dân gian ở đây là sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lý tưởng, giữa cái cao thượng và sự bình thường, giản dị.Con người Lê Lợi được mô tả ở đây có rât nhiều ưu điểm nhưng ở mặt này, mặt khác cũng có những khuyết điểm, hạn chế. Song những điều đó là thứ yếu bởi vì vượt lên tất cả là sự đức độ, giàu lòng nhân nghĩa, khoan dung, lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, ý chí quyết tâm đánh giặc đến cùng đã trở thành lẽ sống của đời ông. Đó cũng là tâm nguyện, ý chí, khát vọng của nhân dân đương thời.

Múa rồng tại Lễ hội Lam Kinh năm 2015.

Những năm tháng đầu tiên chiến đấu tại miền Tây Thanh Hóa do lực lượng chênh lệch nghĩa quân nhiều lần bị giặc vây ráp, lùng sục, truy đuổi ráo riết, nhiều lúc gặp tình thế nguy khốn: Nhưng lòng tin của Lê Lợi về con đường đại nghĩa mà mình đã lựa chọn, không bao giờ chuyển lay. Điều đó đã truyền lửa cho các tướng sỹ luôn sát cánh bên ông, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Sự kiện Lê Lợi gạt nước mắt, bái lạy Lê Lai khi ông tình nguyện đổi áo giúp Lê Lợi và nghĩa quân thoát vòng vây vẫn lưu truyền qua câu chuyện “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.

Các tướng tài dưới trướng của ông như Trịnh Khả, Trương Lôi, Trịnh Đồ… đã đội cỏ bơi theo dòng sông lấy lại bộ linh xa tổ tiên Lê Lợi mà giặp cướp đem táng vào huyệt cũ. Họ cũng thông thạo nhiều thứ tiếng đã giúp Lê Lợi quan hệ bang giao với Ai Lao (Lào) nhờ họ giúp đỡ những lúc khó khăn. Hoặc Nguyễn Xí và Nguyễn Chích có tài huấn luyện chó săn, chim bồ câu phục vụ cuộc chiến đấu của nghĩa quân. Đó còn là Trần Lựu mưu trí, Lê Thạch vũ dũng, Lê Sát nóng nảy, Đinh Lễ tài giỏi trăm trận trăm thắng, Đinh Liệt dũng mãnh, Nguyễn Trãi và Trịnh Khả có tài ngoại giao...

Lực lượng tham gia khởi nghĩa đông đảo nhất là quần chúng nhân dân ở khắp các vùng miền trong nước. Họ đặt niềm tin ở vị chúa Lam Sơn và nô nức gia nhập nghĩa quân hoàn toàn không so đo tính toán. Những việc làm tự nguyện cưu mang, đùm bọc, giúp lương thảo, khí giới cho nghĩa quân, cứu họ thoát nạn khỏi sự truy đuổi của kẻ thù mà không cần đòi hỏi sự trả ơn đền đáp. Họ là những nhân vật có danh hoặc vô danh (phiếm chỉ) thuộc nhiều dân tộc Kinh, Mường, Thái, Tày, Nùng… ở nhiều tầng lớp trong xã hội, là trẻ, già trai gái. Họ không nghe theo lời dụ dỗ, không sợ dọa nát, đánh đập dã man của kẻ thù để chỉ nơi Lê Lợi và nghĩa quân trú ấn.

Tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể họ đều gắng sức tìm mọi cách giúp đỡ nghĩa quân. Đó là bà hàng dầu chuyên bán dầu cho nghĩa quân thắp sáng “đèn chiêu quân” của Lê Lợi trong những năm tháng đầu khởi nghĩa. Bà bị giặc bắt tra tấn cho đến chết nhưng vẫn không khai báo. Bà mẹ ở làng Phúc Chí xã Yên Lâm huyện Yên Định gia đình chỉ có hai mẹ con nhưng bà vẫn động viên con gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Mỗi khi quân địch từ Tây Đô kéo quân đi đánh nghĩa quân là bà lại ngầm lên núi đốt đèn báo hiệu để nghĩa quân kịp thời ứng phó. Bị giặc phát hiện bà đã tự đổ dầu vào người biến mình thành ngọn đuốc sống báo hiệu cho nghĩa quân là một sáng tạo độc đáo của nhân dân thời đó. Bà hàng nước ở quán ven đường xã Hoằng Anh đã nhanh trí giúp Lê Lợi núp trong cái váy rộng, đánh lừa giặc chỉ hướng Lê Lợi chạy để giúp ông thoát nạn. Bác thợ săn bên sông Cầu Chày lại nhanh trí chặt đứt đuôi con chó săn yêu quí của mình đánh lừa giặc nước sông rất độc để Lê Lợi và nghĩa quân kịp thời thoát nạn. Đó còn là vợ chồng người bắt cá, cua, tép, đánh dủi nhanh trí nhận Lê Lợi làm con che mắt địch, là cô gái thả rùa, ba ba xóa dấu chân trên cát, đánh lừa đàn chó ngao và bị lũ giặc hèn hạ sát hại. Rồi hai chàng trai và cô gái ở vùng Chi Lăng, Lạng Sơn bị giặc bao vây bốn phía đã tự tay mổ bụng móc trái tim mình kết thành ngọn lửa cháy sáng làm quân thù khiếp sợ trong “Sự tích núi Ba Đăng”.

Dọc đường hành quân hay những nơi dừng chân của đoàn nghĩa sỹ, nhân dân các làng xã dẫu còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng đều cưu mang giúp đỡ chỉ đường cho nghĩa quân thoát khỏi vòng vây kẻ thù, sẵn sàng đem hết những gì mình có để nuôi quân. Hàng loạt tên đất tên làng đã được Lê Lợi đặt tên để nhớ ơn sự giúp đỡ của người dân, cũng như ghi nhớ những khó khăn, thử thách mà ông và nghĩa quân chịu đựng, trải qua.

Cũng có những truyện phản ánh sự phân vân, do dự như chàng thanh niên muốn gia nhập nghĩa quân nhưng trên đường nghe tiếng trống vào hội vật cứ đứng trên hòn đá xoay chân nên đi hay ở lạitạo thành vết bàn chân lõm trên đá. Nhưng rồi cuối cùng anh quyết định từ bỏ hội vật để lên đường đến với nghĩa quân. Chàng trai Nguyễn Tuệ bên sông Lam, Nghệ An vì ham tiền của đã chở đò thuê cho giặc lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. Nghe lời khuyên bảo nhiều lần của mẹ chàng đã nhận ra lỗi lầm và liên lạc với nghĩa quân Lam Sơn khi đánh vào Nghệ An. Tuệ đã làm nội ứng dẫn đường đưa giặc vào trận địa mai phục và cũng nhiều lần tự mình đánh lật thuyền giết chết lũ giặc trên sông.

Một lần đang định đánh đắm thuyền bị địch phát hiện và bị chúng giết chết. Nhớ công ơn, nhân dân xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên, Nghệ An đã lập “Ngôi miếu thờ bên sông Lam”. Chàng thanh niên Mai Trọng Nghĩa ở Nga Sơn đã từng đắp thành Đông Quan, Triều Khẩu cho giặc Minh… Nhận ra lỗi lầm của mình anh băn khoăn, do dự muốn tìm về nghĩa quân Lam Sơn nhưng sợ bị Lê Lợi trị tội. Khi nghĩa quân tiến vào Nghệ An, Trọng Nghĩa quyết tâm tìm đến xin đoái công chuộc tội. Với tấm lòng khoan dung Lê Lợi đã đồng ý thu nạp. Là người có kinh nghiệm trong xây đắp thành lũy Trọng Nghĩa đã dốc sức ngày đêm giúp nghĩa quân xây thành Lục Niên và Bình Ngô để chống giặc.

Những truyền thuyết, cổ tích giai thoại, truyện kể dân gian nêu trên rất đa dạng phong phú chân thực, gần gũi với đời thường. Các câu chuyện phần lớn mộc mạc, ngắn gọn nhưng cẩn trọng, tỉ mỉ trong quan sát xây dựng phát triển tình tiết không tạo sự khiên cưỡng, áp đặt. Điều đó càng tôn lên hình tượng cao thượng cũng như sự bình thường, giản dị của người anh hùng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, tạo sức sống bền lâu suốt nhiều thế hệ.

Phạm Minh Trị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]